Xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm đạt 1,35 tỷ USD, tăng 9,5%

Trong các mặt hàng rau quả xuất khẩu chính, thanh long dẫn đầu với giá trị xuất khẩu đạt 329,4 triệu USD, chiếm 34,1% tổng giá trị xuất khẩu.
Xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm đạt 1,35 tỷ USD, tăng 9,5% ảnh 1Sơ chế chuối trước khi đóng thùng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp 24/3, tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu rau quả trong tháng 4 ước đạt 380 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm đạt 1,35 tỷ USD.

Trong các mặt hàng rau quả xuất khẩu chính, thanh long dẫn đầu với giá trị xuất khẩu đạt 329,4 triệu USD, chiếm 34,1% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tiếp theo là xoài đạt giá trị 125,2 triệu USD, chiếm 12,9%, tăng 30,6%; chuối đạt 80 triệu USD, chiếm 8,3%, tăng 35,2%.

Ngoài ra còn có nhiều mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao như dừa với giá trị xuất khẩu 64 triệu USD, tăng 13%;; mít đạt 57,6 triệu USD, tăng 63,8%; chanh đạt 32,4 triệu USD, tăng 0,8% và dưa hấu đạt 32,2 triệu USD, tăng 28,1%.

[Dịch COVID-19: Sẵn sàng các phương án đẩy mạnh xuất khẩu nông sản]

Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 với 64,7% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 610,8 triệu USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhất là Ukraine (gấp 6,97 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả giảm mạnh nhất là Arab Saudi (giảm 62%).

Riêng đối với thị trường Đài Loan trong bốn tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường này nhìn chung khá thuận lợi. Ngành hàng rau quả Việt Nam đã tăng xuất khẩu một số chủng loại, gồm hạt macadamia, hạt óc chó, nhãn, xoài, chuối, me, dừa. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do quý 2 là thời điểm nắng nóng nên các loại trái cây, rau củ tươi hoặc đông lạnh được tiêu thụ khá mạnh. Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản dự báo, xuất khẩu hàng rau, củ, quả của Việt Nam sang thị trường Đài Loan sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới do yếu tố mùa vụ.

Xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm đạt 1,35 tỷ USD, tăng 9,5% ảnh 2Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang, tỉnh An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Những tháng đầu năm 2021, hoạt động trồng trọt diễn ra trong điều kiện thuận lợi so với cùng kỳ năm trước. Một số loại trái cây mùa hè bắt đầu cho thu hoạch rải rác như mận Sơn La, vải U Hồng, U Trứng Tây Nguyên… Trong tháng 4, thị trường trái cây ít biến động hơn so với tháng trước. Giá nhiều loại trái cây ổn định ở khu vực phía Bắc, trong khi một số loại trái cây phía Nam tăng-giảm nhẹ do vào cuối vụ.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian tới, ngành rau quả Việt Nam cần chú trọng hơn đến nhóm quả và hạt bởi đây là nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh và giúp gia tăng giá trị xuất khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư cho chế biến rau quả, tập trung vào những thị trường có giá trị kinh tế lớn để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 4 đạt 100 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 451,1 triệu USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc, Hoa Kỳ và Myanmar là ba thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021. So với cùng kỳ năm 2020, giá trị nhập khẩu rau quả 3 tháng đầu năm 2021 từ Trung Quốc (tăng 59,6%), Hoa Kỳ (giảm 5,9%), Myanma (tăng 35,1%).

Rau quả là mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng của ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 14,1%. Theo Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030, Việt Nam để ra mục tiêu đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD.

Hiện cả nước có khoảng 1,05 triệu ha cây ăn quả, sản lượng ước đạt hơn 12,6 triệu tấn. Sản phẩm trái cây của Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Ðến nay, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào thị trường chất lượng cao như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, EU. Ngoài ra, cơ quan này cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục