Xuất nhập hàng hóa của Thành phố Hồ Chí Minh 5 tháng đầu năm tăng 7,9%

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp TP.HCM với kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2022 đạt trên 4,37 tỷ USD, tiếp theo là Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Xuất nhập hàng hóa của Thành phố Hồ Chí Minh 5 tháng đầu năm tăng 7,9% ảnh 1Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Trong 5 tháng đầu năm 2022, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, biến động ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu nhưng hoạt động xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng với giá trị xuất khẩu tăng 7,9%.

Số liệu từ Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính tháng 5/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt hơn 4,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt hơn 4,28 tỷ USD, tăng 12,6%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố xuất qua cảng thành phố (gồm cả dầu thô) trong tháng 5 năm 2022 đạt gần 3,46 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 207,4 triệu USD, giảm 30,5%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 1.129,5 triệu USD, giảm 8,4%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.122 triệu USD, tăng 4,9%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 19,8 tỷ USD, tăng 7,3%.

[Xây dựng chuỗi cung ứng xuất khẩu gạo Việt Nam bền vững]

Về cơ cấu xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt 12,6 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 74,9%, trong đó máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có giá trị xuất khẩu đạt 6,85 tỷ USD, tăng 4,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác có giá trị xuất khẩu đạt 1,13 tỷ USD, tăng 18,6%; các mặt hàng dệt, may có giá trị xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 30,3%; giá trị xuất khẩu giày, dép đạt 1 tỷ USD, tăng 8,6%.

Riêng mặt hàng dầu thô, mặc dù sản lượng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2022 giảm gần 19% nhưng giá trị tăng tăng 24,6 % (đạt 869 triệu USD).

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản đạt trên 1,9 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ và chiếm 11,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó càphê có sản lượng xuất khẩu đạt 135.000 tấn với giá trị đạt 282,4 triệu USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cao su đạt 223 triệu USD, tăng 5,1%. Tuy nhiên xuất khẩu gạo giảm 13,4% chỉ đạt 414 triệu USD.

Nhóm hàng thủy hải sản duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực với giá trị đạt gần 540 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ, trong khi đó xuất khẩu hàng lâm sản đạt 323 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh với kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt trên 4,37 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ, chiếm 24,7% tỷ trọng xuất khẩu toàn thành phố.

Thị trường Hoa Kỳ chiếm vị trí thứ hai, đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 16,9%. Tiếp đến là thị trường Nhật Bản đạt 1,1 tỷ USD. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố sang các thị trường châu Âu đạt 2,55 tỷ USD, tăng 8,5%, chiếm tỷ trọng 14,4%.

Cùng với xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng từ đầu năm đến nay. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 28,44 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo phân tích của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực và khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới cũng đang có xu hướng gia tăng.

Tính từ đầu năm đến ngày 20/5/2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp phép 17.259 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đạt 226.848 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,5%.

Bên cạnh đó, lao động tại các doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất đã trở lại làm việc bình thường; hoạt động thương mại, ăn uống nhộn nhịp; khách quốc tế đến thành phố gia tăng... cho thấy doanh nghiệp phục hồi khá mạnh sau đại dịch COVID-19. Do đó, các doanh nghiệp gia tăng hoạt động nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên phụ liệu, hàng tiêu dùng để phục vụ sản xuất, kinh doanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục