Từ 3 giờ sáng, khi mặt trời cò chưa thức dậy thì tại chùa Văn Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội, bếp lửa đã được thổi lên hừng hực. Những giọt mồ hôi của 60 tình nguyện viên nhóm Hy vọng cùng sư thầy, các vãi trong chùa rơi lã chã trong thời tiết oi ả, mong sao kịp hoàn thành 1.200 suất cơm gửi đến các sỹ tử trong ngày đầu tiên tham gia kỳ thi đại học. Món quà từ tận tâm Món ăn dung dị nhưng chan chứa tình người. Chỉ là suất cơm chay với đậu phụ kho, giò chay, bắp cải xào, thêm chút canh đậu cho ngày nóng nực, một quả đào tráng miệng và một chai nước suối nhưng mỗi hộp cơm là mỗi tấm lòng đầy trách nhiệm. Các suất ăn này được nhiều phụ huynh ca ngợi, làm ấm lòng sỹ tử mùa thi. Đưa tay quệt nhanh giọt mồ hôi, nói với phóng viên Vietnam+, Vũ Tuấn Anh, sinh viên năm thứ ba khoa Cơ khí động lực Đại học Bách khoa, phó trưởng nhóm tình nguyện Hy vọng, cho biết ấp ủ kế hoạch làm cơm phát miễn phí cho thí sinh dự thi đại học từ hơn một tháng trước ngày thi chính thức, nhóm đã tích cực liên hệ với các trường đại học xin được tổ chức và hỗ trợ. Nhận được phản hồi sớm nhất và được tạo điều kiện từ phía trường Học viện Bưu chính Viễn thông, nhóm tình nguyện bắt tay ngay vào thực hiện với danh sách thí sinh lên đến hơn 1.000 người. Giới thiệu và lên danh sách đăng ký được phát cơm trong ngày các thí sinh nhận phòng thi, đội tình nguyện bao gồm hơn 100 bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội như Mỏ địa chất, Bách Khoa, Bưu chính viễn thông... đã bắt tay ngay vào thực hiện nhằm đảm bảo sẽ phát đủ cơm cho các thí sinh vào trưa ngày 4/7, ngày thi đầu tiên. "Mọi thứ được chuẩn bị từ chiều ngày hôm trước mới kịp. Nhóm đã có sự phân công chuyên môn, nhanh chóng thực hiện công việc của mình. 60 tình nguyện viên được cử đến chùa Văn Trì hỗ trợ sư thầy và các vãi công việc nấu nướng, đóng hộp... Đến 7 giờ sáng hôm nay, công việc mới bước đầu hoàn thành," Tuấn Anh chia sẻ. Ngoài 60 tình nguyện viên có mặt tại chùa hỗ trợ công việc làm món ăn, còn có gần 350 phật tử cùng các vãi hỗ trợ các hoạt động vòng ngoài. Tuấn Anh cũng cho biết, năm ngoái nhóm đã thực hiện phát cơm miễn phí tại Đại học Khoa học và Tự nhiên, tuy nhiên mới chỉ dừng ở tự phát, quy mô nhỏ. Rút kinh nghiệm, năm nay, nhóm phối hợp chặt chẽ với chùa Văn Trì và trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhằm nâng cao chất lượng cơm và điều kiện ăn, nghỉ trưa cho các thí sinh. Cụ thể, thí sinh cùng người nhà sẽ được ăn cơm và nghỉ trưa ở hội trường lớn tại các điểm thi một cách thảnh thơi và mát mẻ.
Các tình nguyện viên chuẩn bị bữa cơm chay cho thí sinh. (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)
Nguồn kinh phí được xã hội hóa như gạo, xe vận chuyển từ các phật tử, hóm tình nguyện viên quyên tiền góp 1.200 chai nước và 1.200 quả đào, nhà chùa hỗ trợ các món ăn, nấu nướng. Gieo chút nhân duyên Sư thầy trụ trì Thích Hạnh Châu cứ nhắc đi nhắc lại một câu nói khi nói chuyện với phóng viên: "Nhà chùa chỉ là gieo chút nhân duyên giữa những nhà hảo tâm với các sỹ tử mà thôi. Các em tiếp nhận tấm lòng này là nhà chùa biết ơn lắm rồi." Theo sư thầy Thích Hạnh Châu, "chút nhân duyên" chỉ thành khi các em nhận suất cơm, trân trọng và cảm thấy đó là những nghĩa tình. Nếu các em không tiếp nhận thì coi như tấm lòng thành của các thầy và tình nguyện viên chưa đến được tận nơi. Và để "chút nhân duyên" này thực sự thiết thực thì nhà chùa cố gắng làm thật tốt, an toàn và mang đến cho các em cùng gia đình. Nhà chùa cũng mong hoạt động này như một cách truyền niềm tin, sự may mắn cho các em tiếp tục những môn thi sau thật tốt. Vừa qua giờ tan tầm, hàng trăm sỹ tử cùng người thân đổ về nhà ăn của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Vé cơm đã được phát ra từ trước, cứ thế, họ đổi vé lấy những suất ăn trưa nghĩa tình. Phụ huynh ai cũng rạng rỡ chắp tay cảm ơn. Thậm chí cả những người chưa biết đến hoạt động này cũng được các sư thầy ra tận nơi hỏi han, tặng vé. Đặc biệt, nhà chùa cùng các tình nguyện viên đã trực tiếp mang cơm đến ký túc xá Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tặng cho em Vũ Thị Hoài, một nạn nhân chất độc màu da cam với đôi chân teo nhỏ không đi lại được, khiến sư thầy và các bạn tình nguyện rơi nước mắt... Bác Đinh Thị Liên, sinh năm 1957, phụ huynh của thí sinh Bùi Văn Công, quê ở Thanh Oai, Hà Nội, nói đầy xúc động: "Tôi gửi lời cảm ơn đến sư thầy, đến các cháu tình nguyện viên. Bữa cơm ngon quá. Cháu và tôi thật may mắn khi nhận được cơm từ chương trình, cháu còn mong ăn cơm chùa sẽ nhận được lộc từ nhà Phật để vững lòng thi tốt các môn sau.” Trước ý nghĩa thiết thực của hoạt động này, nhóm tình nguyện Hy Vọng và trụ trì chùa Văn Trì mong muốn năm sau có thể tổ chức ăn chay kiểu tự chọn miễn phí tại chùa để sỹ tử cùng người nhà có thể được thưởng thức nhiều món ăn hơn, thảnh thơi nghỉ ngơi hơn và giúp được nhiều sỹ tử hơn nữa./.
Các suất cơm được phát đến tận tay thí sinh và người nhà. (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)
Bữa cơm đạm bạc nhưng đã làm ấm lòng các sỹ tử và phụ huynh. (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)
Quỳnh Trang (Vietnam+)