Xúc tiến đưa sản phẩm, hàng hóa của hợp tác xã ra thị trường

Nhiều sản phẩm là các mặt hàng về nông sản như rau củ quả, thực phẩm, chăn nuôi... đã được các hợp tác xã cung ứng cho thị trường, cung cấp hàng thiết yếu phục vụ đời sống xã hội.
Xúc tiến đưa sản phẩm, hàng hóa của hợp tác xã ra thị trường ảnh 1Các đại biểu tọa đàm về xúc tiến thương mại đa kênh, đưa nông sản đặc trưng vùng miền ra thị trường. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Chiều 24/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị “Xúc tiến thương mại đa kênh và kết nối giao thương,” nhằm xúc tiến đưa hàng hóa, sản phẩm của các hợp tác xã ra thị trường trong nước và quốc tế.

Tính đến hết tháng 6/2022, Việt Nam có 28.237 hợp tác xã; trong đó, có 18.785 hợp tác xã nông nghiệp, 9.452 hợp tác xã phi nông nghiệp; 1.181 quỹ tín dụng nhân dân; 120 liên hiệp hợp tác xã và 121.670 tổ hợp tác.

Nhiều sản phẩm là các mặt hàng về nông sản như rau củ quả, thực phẩm, chăn nuôi... đã được các hợp tác xã cung ứng cho thị trường, cung cấp hàng thiết yếu phục vụ đời sống xã hội, đóng góp lớn cho cân đối hàng hóa, ổn định kinh tế vĩ mô.

[Cần tạo điều kiện về đất đai hỗ trợ khu vực hợp tác xã phát triển]

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho biết hiện, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa do hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất ra các tỉnh, thành lân cận; đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, các khu công nghiệp, khu đô thị.

Điều này góp phần khẳng định chỗ đứng của hàng hóa Việt cũng như giúp các hợp tác xã khai thác tốt hơn thị trường nội địa, hỗ trợ hợp tác xã gắn sản xuất với thị trường.

Xúc tiến đưa sản phẩm, hàng hóa của hợp tác xã ra thị trường ảnh 2Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ làm việc với các đối tác, tiếp tục nâng cao năng lực, tăng cường tư vấn, huấn luyện để hỗ trợ hiệu quả hơn cho các thành viên.

Liên minh cũng xúc tiến xuất khẩu sản phẩm của hợp tác xã và doanh nghiệp thành viên, lấy thị trường làm định hướng nhằm từng bước nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh; tạo cơ hội cho hợp tác xã phục vụ phát triển sản xuất trong nước, quảng bá thương hiệu sản phẩm thế mạnh các vùng miền, tiến tới xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt, khả năng và kỹ năng xúc tiến thương mại của các hợp tác xã còn hạn chế bởi hầu hết cán bộ, nhân viên đều xuất thân và học tập trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việc tiếp cận những thông tin về hệ sinh thái xúc tiến thương mại và xúc tiến thương mại đa kênh, tiếp cận những thông tin thị trường đến từ các nhà mua sẽ giúp ích cho doanh nghiệp rất nhiều.

Với kinh nghiệm trên 10 năm xuất nhập khẩu các sản phẩm nông sản Việt Nam đi thị trường quốc tế, ông Nguyễn Ngọc Luận (Australia Global Connection - công ty xuất nhập khẩu tại Australia) chia sẻ Việt Nam có rất nhiều sản phẩm đặc trưng vùng miền, được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường quốc tế.

Nhiều mặt hàng đã và đang có vị trí dẫn đầu như hạt điều, càphê, cacao, tiêu.

Tuy nhiên, việc phát huy lợi thế đặc sản vùng miền còn hạn chế do nhận thức chưa đầy đủ về tiềm năng phát triển, chưa có sự đánh giá và xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài trên quan điểm xây dựng thương hiệu đặc sản tại mỗi địa phương.

Theo ông Luận, các đơn vị cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên rà soát đánh giá thực trạng các sản phẩm tiềm năng để có biện pháp tư vấn, hỗ trợ tại mỗi địa phương, qua đó lựa chọn những sản phẩm chiến lược, phát triển chiến lược thị trường cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa do hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất ra các tỉnh, thành lân cận.

Tại Hội nghị, các hợp tác xã cũng giới thiệu, kết nối giao thương nhiều sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...

Xúc tiến đưa sản phẩm, hàng hóa của hợp tác xã ra thị trường ảnh 3Ký kết hợp tác giữa các nhà mua-nhà bán tại Hội nghị “Xúc tiến thương mại đa kênh và kết nối giao thương.” (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng được kết nối, tư vấn, giao thương với các nhà mua lớn trong nước và quốc tế, các sàn thương mại điện tử Alibaba.com, Lazada Việt Nam, các siêu thị như Saigon Co-op...

Trên 20 thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các nhà mua-nhà bán, ước tính giá trị hợp tác trên 100 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục