Xung đột Hamas-Israel: Na Uy lên án việc phong tỏa Gaza

Sau khi xung đột bùng phát ngày 7/10 vừa qua, Israel đã ra lệnh phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza, cắt nguồn cung điện, nước và lương thực đến vùng đất này. Na Uy đã lên án việc này.
Xung đột Hamas-Israel: Na Uy lên án việc phong tỏa Gaza ảnh 1Người dân Palestine sơ tán tới các khu vực an toàn ở Gaza City, sau các cuộc không kích của Israel, ngày 13/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/10, Na Uy đã lên án việc Israel phong tỏa Dải Gaza trong bối cảnh xung đột với lực lượng Hamas là “không thể chấp nhận được.”

Phát biểu trên đài phát thanh NRK, Ngoại trưởng Na Uy, bà Anniken Huitfeldt, nêu rõ: “Israel có quyền tự vệ… nhưng không thể sử dụng tất cả các biện pháp.”

Sau khi xung đột bùng phát ngày 7/10 vừa qua, Israel đã ra lệnh phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza, cắt nguồn cung điện, nước và lương thực đến vùng đất này.

[Báo Mỹ nói Hamas có bản đồ chi tiết về các căn cứ quân sự của Israel]

Ngày 13/10, Quân đội Israel kêu gọi toàn bộ người dân ở thành phố Gaza (khoảng 1,1 triệu người) rời khỏi nhà và sơ tán về phía Nam trong vòng 24 giờ.

Ngoại trưởng Na Uy Huitfeldt nhấn mạnh: "Việc phong tỏa hoàn toàn, bao gồm điện, nước, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác đối với sự sống sót của người dân ở Gaza là không thể chấp nhận được."

Cùng ngày 13/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các quan chức y tế ở Gaza đã thông báo rằng không thể di chuyển các bệnh nhân nặng đang điều trị tại bệnh viện ở miền Bắc Gaza.

Người phát ngôn WHO Tarik Jasarevic nêu rõ: “Có những người bị bệnh nặng mà cơ hội sống duy nhất của họ là sử dụng các loại máy hỗ trợ. Vì vậy, di chuyển những người này chính là một án tử. Yêu cầu nhân viên y tế làm điều này còn hơn cả tàn nhẫn.”

Theo Bộ Y tế Palestine, các cuộc không kích của Israel nhằm vào Dải Gaza và khu Bờ Tây bị chiếm đóng đã khiến 1.569 người Palestine thiệt mạng và 7.212 người bị thương.

Trong khi đó, truyền thông Israel đưa tin hơn 1.300 người đã thiệt mạng tại nước này trong các cuộc tấn công của lực lượng Hamas.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ước tính kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10 vừa qua, giao tranh đã buộc hơn 423.000 người phải rời bỏ nhà cửa, dẫn tới khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục