Trang mạng thediplomat.com đưa tin hồi đầu tuần, Hàn Quốc thông báo ý định đưa một tàu sân bay cỡ trung vào các kế hoạch mở rộng hải quân của mình.
Quyết định đóng tàu mới này được đưa ra vào thời điểm căng thẳng cao độ với Nhật Bản, và xuất hiện trong bối cảnh Nhật Bản và Trung Quốc tăng tốc trong việc chế tạo tàu sân bay.
Được biết, con tàu sẽ có trọng lượng 30.000 tấn, lớn hơn so với tàu Izumos của Nhật Bản. Việc thiết kế từ sống tàu cho tới việc vận hành tiêm kích F-35B cũng có thể khắc phục sự cần thiết phải hòa hợp vốn đòi hỏi sự tinh chỉnh rộng rãi trong các tàu Nhật Bản.
Một con tàu như vậy sẽ buộc Hàn Quốc phải có thêm tiêm kích F-35B, ngoại trừ trường hợp không mấy khả quan rằng Hàn Quốc đã phát triển máy bay chiến đấu với khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) tiên tiến của riêng mình.
[Hàn Quốc sắp triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn mới]
Hàn Quốc đã đồng ý mua tiêm kích F-35A, mặc dù họ cũng đã theo đuổi một dự án liên quan đến máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy máy bay chiến đấu phản lực KFX của Hàn Quốc sẽ tích hợp được những khả năng STOVL.
Có lẽ, việc chế tạo loại tàu sân bay này sẽ làm dấy lên những tin đồn về việc cải tiến tàu đổ bộ lớp Dokdo của Hàn Quốc để vận hành F-35B, một kế hoạch sẽ khiến các tàu nhỏ hơn rơi vào tình trạng quá tải.
Mặc dù Hàn Quốc chưa bao giờ chế tạo một tàu quân sự có kích thước như vậy, song ngành công nghiệp đóng tàu của nước này đủ khả năng để việc nâng cấp (các tàu của họ) từ tàu Dokdo không hề tạo ra bất kỳ thách thức nghiêm trọng nào.
Thật công bằng khi nói rằng Nhật Bản khó có thể chia sẻ các đặc điểm thiết kế của tàu Izumo. Tuy nhiên, tàu đổ bộ Juan Carlos của Tây Ban Nha cũng như các tàu Cavour và Trieste của Italy có thể cung cấp các mô hình sẵn có nếu các công ty đóng tàu của Hàn Quốc tìm kiếm lời khuyên từ các đối tác châu Âu.
Thật vậy, con tàu mới này sẽ gia nhập một nhóm tàu đang phát triển, bao gồm Juan Carlo, Izumo, Cavour và Trieste, dự định sẽ coi việc vận hành F-35B như khả năng chiến đấu chính. Tàu Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ (dựa trên các đặc điểm Juan Carlos) từng được lên kế hoạch sẽ phục vụ cho mục đích tương tự, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi dự án phát triển F-35B.
Các tàu chiến đổ bộ lớn của Mỹ thuộc các lớp Wasp và America cũng được dùng để vận hành F-35B, tương tự như các tàu sân bay lớp Queen Elizabeth của Anh. Quyết định của Hàn Quốc có thể cung cấp thêm lý lẽ cho những nước ủng hộ việc cải tiến các tàu đổ bộ lớp Canberra (một lần nữa dựa trên Juan Carlos của Tây Ban Nha) để mang theo máy bay tiêm kích bom phối hợp (JSF).
Thời điểm công bố quyết định chế tạo tàu này tạo ra bầu không khí khó chịu trước diễn biến mới trong căng thẳng Hàn-Nhật liên quan đến vấn đề lịch sử từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai, tuy nhiên, có lẽ sự cạnh tranh của Seoul với Tokyo chủ yếu vẫn là trong vấn đề uy tín.
Quyết định này cũng có thể phản ánh niềm tin ngày càng tăng rằng các vấn đề an ninh chính của Hàn Quốc không liên quan đến Triều Tiên. Máy bay chiến đấu được phóng từ tàu sân bay về bản chất không có giá trị cao hơn máy bay chiến đấu được phóng từ căn cứ trên đất liền, mặc dù sự hiện diện của tàu sân bay sẽ làm phức tạp các vấn đề mục tiêu của Triều Tiên.
Tuy nhiên, nhiều khả năng, Hàn Quốc đã tính đến việc sử dụng tàu với vai trò “nước xanh” (có khả năng hoạt động ở bất kỳ đâu trên thế giới, nhất là ở các vùng đại dương xa đất liền), góp phần vào các hoạt động quân sự và nhân đạo đa quốc gia, và bảo vệ lợi ích của Hàn Quốc ở nước ngoài.
Liệu điều này có thúc đẩy Nhật Bản củng cố thêm khả năng hay không vẫn là một câu hỏi mở đầy thú vị. Mặc dù sự kích động ngoại giao đã xuất hiện trở lại trong những tháng qua, song Nhật Bản dường như không coi Hàn Quốc là mối đe dọa an ninh có ý nghĩa, hoặc là đối thủ cạnh tranh uy tín.
Nếu mối quan hệ nồng ấm trở lại, lực lượng hải quân hai nước có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm, và thậm chí có thể cùng nhau hành động để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực./.