Xung quanh việc Trung Quốc chuẩn bị phát hành tiền kỹ thuật số

Theo phát biểu của các quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đồng tiền ảo của họ đang gần như sẵn sàng được tung ra, mặc dù hiện chưa có phát biểu nào về khung thời gian cụ thể.
Xung quanh việc Trung Quốc chuẩn bị phát hành tiền kỹ thuật số ảnh 1Ba đồng tiền ảo Bitcoin, Litecoin hay Ethereum. (Nguồn: finance.yahoo.com)

Theo trang mạng eurasiareview.com, xét về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Trung Quốc giờ đây là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Mặc dù tăng trưởng của Trung Quốc đang khá chậm lại trong vài năm trở lại đây và bất chấp ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại ngày một gia tăng với Mỹ, các bộ phận cấu thành sức mạnh quốc gia của Trung Quốc như công nghệ, quân sự, tình báo, ngoại giao và tài chính đang liên tục được củng cố như một phần trong chiến lược lớn đa chiều.

Trong lĩnh vực tài chính, Trung Quốc đã đầu tư các nguồn lực đáng kể vào việc phô trương ảnh hưởng của họ trên trường quốc tế.

[Nhu cầu tiền số gia tăng trong giới đầu tư Trung Quốc]

Viện Tiền Kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang có kế hoạch phát hành tiền kỹ thuật số được nhà nước hậu thuẫn. Theo các nguồn tin công khai, bản thiết kế đầu tiên của đồng tiền này có từ năm 2014.

Đây là một động thái tất yếu trước tầm quan trọng ngày một gia tăng của hoạt động trao đổi tiền ảo trong một loạt lĩnh vực kinh tế.

Theo phát biểu của các quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hồi tháng 8/2019, đồng tiền ảo của họ đang gần như sẵn sàng được tung ra, mặc dù hiện chưa có phát biểu nào về khung thời gian cụ thể. Dù các khía cạnh kỹ thuật đã gần như được hoàn tất, song một số tiêu chuẩn pháp lý vẫn cần được điều chỉnh.

Tuy nhiên, việc hiện thực hóa một dự án như vậy sẽ cho thấy sự phát triển chưa từng có tiền lệ trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số. Hầu hết các đồng tiền kỹ thuật số hiện hành - như Bitcoin, Litecoin hay Ethereum - là các đồng tiền phi nhà nước với giá trị dao động lớn đến mức chúng có thể bị coi là các tài sản mang tính đầu cơ.

Trái ngược với đó, đồng Libra của mạng xã hội Facebook sẽ hoạt động như đồng tiền đa phương bởi giá trị của nó sẽ dao động dựa trên giỏ tiền tệ gồm một số đồng tiền tệ chính của phương Tây.

Đến nay, dự án của Trung Quốc được biết với tên gọi Tiền Kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) và có vẻ như thay vì cạnh tranh với đồng Nhân dân tệ, nó sẽ liên kết với đồng tiền này một cách biểu tượng.

Trên thực tế, có vẻ như nó được coi là đồng tiền ảo song hành mà sự lưu hành của nó sẽ dựa vào các ứng dụng như Wechat - vốn có hơn một triệu người dùng - và/hoặc Alipay.

Nói cách khác, CBDC sẽ lưu hành như đồng tiền kỹ thuật số được nhà nước hậu thuẫn thay vì đồng tiền phi tập trung hóa phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường.

Như vậy, có thể hy vọng rằng cả đồng giấy Nhân dân tệ và đồng tiền kỹ thuật số “sinh đôi” sẽ củng cố lẫn nhau, đặc biệt giờ đây khi Trung Quốc cần thúc đẩy thị trường nội địa của họ do sự xuất hiện của các hàng rào làm hạn chế sự tiếp cận của hàng xuất khẩu của Trung Quốc - một trong các nền tảng của động lực kinh tế nước này - với một số thị trường tiêu dùng.

Nền tảng tiền tệ này cũng có thể giúp mở rộng - thông qua không gian mạng - phạm vi ảnh hưởng của các định chế tài chính Trung Quốc thông qua quan hệ đối tác thương mại với các nước sẵn sàng giao thương với các công ty Trung Quốc theo cách nhằm né tránh sự chi phối của Mỹ trong lĩnh vực tài chính toàn cầu. Lấy ví dụ, CBDC cũng có thể đóng vai trò trong việc thực thi Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Hơn nữa, việc giới thiệu đồng Nhân dân tệ ảo này sẽ hỗ trợ định hình chính sách tiền tệ. Việc xử lý Dữ liệu lớn (Big Data) cho phép cải thiện khả năng đưa ra quyết định và quản lý chiến lược.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thách thức quan trọng cần được giải quyết. Lấy ví dụ, tình hình chính trị căng thẳng ở Hong Kong đang gây tác động nghiêm trọng, bởi xét tới các nhân tố như địa lý, kinh tế lịch sử, pháp lý, xã hội và văn hóa khiến thành phố này trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ thế giới hoạt động như cửa ngõ giữa Trung Quốc đại lục và các trung tâm tài chính toàn cầu.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng này hiện vẫn chưa rõ nhưng tác động tiềm tàng trong ngắn hạn với các bộ phận tài chính cấu thành chiến lược lớn của Trung Quốc không nên bị đánh giá thấp, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và quân sự đang gia tăng ở Đông Á.

Sự hiện diện của địa chính trị đang được cảm nhận trong tất cả khía cạnh của cuộc sống. Do đó, sự xuất hiện của nó trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số - một lĩnh vực đầy phức tạp gồm các nhân tố kinh tế, tiền tệ và công nghệ - là không hề bất ngờ.

Sự tham gia của Trung Quốc trong lĩnh vực này đồng nghĩa rằng nó đang nhanh chóng trở thành vũ đài cạnh tranh khốc liệt. Do vậy, có thể dự đoán rằng các quốc gia khác - đặc biệt là các cường quốc - sẽ phát triển các đồng tiền kỹ thuật số của riêng họ trong tương lai, nếu xét tới tiềm năng thu hút mà chúng mang lại cho lợi ích quốc gia trong chiến lược lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục