Tác động và ảnh hưởng của Libra nếu được đưa vào lưu hành

Mặc dù có những nét tương đồng với Bitcoin nhưng theo Facebook, Libra là một đồng tiền ổn định, không giống với Bitcoin cả về bản chất, cách thức hoạt động cũng như mục đích sử dụng.
Tác động và ảnh hưởng của Libra nếu được đưa vào lưu hành ảnh 1(Nguồn: AFP)

Libra là một loại tiền kỹ thuật số, được Facebook và 27 tổ chức đồng sáng lập khác giới thiệu ngày 18/6/2019 và dự kiến sẽ bắt đầu được lưu hành từ nửa đầu năm 2020.

Theo Facebook, Libra có mức độ biến động thấp, an toàn cao hơn so với các đồng tiền kỹ thuật số hiện nay (Bitcoin, Ethereum…).

Libra đang là chủ đề gây tranh cãi nhất tại thời điểm này mặc dù về mặt kỹ thuật, nó chưa tồn tại.

Ngày 15-16/7 vừa qua, Giám đốc dự án tiền số Libra của Facebook, David Marcus, đã có buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ về đồng tiền này.

Phóng viên TTXVN tại Sydney tổng hợp một số thông tin từ truyền thông tại địa bàn về Libra.

[Chưa ra đời nhưng tiền số Libra đã bị lợi dụng để lừa đảo]

Về cơ bản, Libra có thể hiểu ngắn gọn là một loại tiền ổn định hoặc một loại tài sản kỹ thuật số được khởi xướng bởi Facebook cùng một số công ty công nghệ đa quốc gia lớn như PayPal, Coinbase, VISA, Vodafone…

Mặc dù có những nét tương đồng với Bitcoin nhưng theo Mark Zuckerberg - Giám đốc điều hành của Facebook - Libra là một đồng tiền ổn định, không giống với Bitcoin cả về bản chất, cách thức hoạt động cũng như mục đích sử dụng.

Tuy nhiên, từ khi được công bố đến nay, Libra khiến những người quan tâm liên tục tranh cãi về nó, lý do chính là bởi nó chưa thực sự được ra mắt, chưa tồn tại và mọi người chỉ biết đến qua những lời giới thiệu của phía Facebook.

Trên mạng Internet hay mạng xã hội, thời gian qua xuất hiện rất nhiều chủ đề về Libra, giải thích về Libra hay dự đoán những ảnh hưởng của nó.

Những người đam mê tiền điện tử hoặc những nhà đầu tư tỏ ra ngờ vực về bản chất của Libra; trong khi chính phủ các nước và các tổ chức tài chính khác lo ngại Libra sẽ tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố do triết lý “cung cấp dịch vụ ngân hàng cho người không có tài khoản” (banking the unbanked) của nó.

Bên cạnh đó là e ngại đến từ đa số người dùng Facebook và những người bình thường do những bê bối liên quan đến quyền riêng tư, bảo mật người dùng của Facebook trong quá khứ.

Tuy nhiên, Libra khác với các đồng tiền kỹ thuật số khác ở chỗ: giá trị của Libra được đảm bảo bởi các tài sản thực như chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu hay tín phiếu chính phủ, được giữ trong Ngân hàng Dự trữ Libra (Libra Reserve Bank), nhằm tạo niềm tin về giá trị nội tại của đồng Libra.

Ngân hàng dự trữ Libra sẽ được điều hành với mục tiêu bảo toàn giá trị của Libra qua thời gian.

Do được đảm bảo với những tài sản thực bằng nhiều loại tiền mạnh của thế giới như USD, euro, bảng Anh, yen Nhật… nên trong trường hợp có đồng tiền nào biến động mạnh, Hiệp hội Libra sẽ có nhiệm vụ thay đổi cơ cấu để đảm bảo tổng giá trị ít thay đổi và vì thế đồng Libra ít biến động hơn.

Về triển vọng của Libra, theo tính toán của các lãnh đạo Facebook, với tham vọng trở thành phương tiện thanh toán xuyên biên giới cho người dùng Facebook và những người hiện không dùng Facebook và chưa có tài khoản ngân hàng, số người dùng Libra trong tương lai ít nhất sẽ trên 2,4 tỷ người.

Ngoài ra, Libra cũng có thể cạnh tranh với SWIFT, Western Union, hay MoneyGram trong việc trở thành trung gian giữa các tổ chức tài chính, khi Libra chứng minh được tính thuận tiện, an toàn, bảo mật và chi phí thấp hơn.

Trong khi đó, một số rủi ro từ Libra có thể đến với người sở hữu như lãi suất thực âm, bị ảnh hưởng bởi hệ thống tài chính toàn cầu, bị tác động bởi các cơ quan quản lý các nước, cạnh tranh từ Bitcoin...

Trước quan ngại của nhiều nước trên thế giới về những rủi ro từ Libra, David Marcus trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ khẳng định rằng mục đích chính của Libra là cho phép mọi người sử dụng và chuyển tiền trên toàn cầu với giá rẻ hơn so với các tùy chọn hiện tại cho phép.

Libra sẽ hữu ích nhất là ở các quốc gia có ít các lựa chọn ngân hàng và đồng tiền không ổn định.

Libra sẽ là một loại tiền tệ ổn định bởi nó được gắn vào giỏ tiền tệ của thế giới phát triển.

Với trụ sở của Hiệp hội Libra tại Geneva (Thụy Sỹ), đồng Libra sẽ được giám sát bởi Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sỹ, nhưng cũng sẽ được đăng ký với Mạng lưới Thi hành luật pháp về Tội phạm Tài chính Mỹ (FinCEN) thuộc Bộ Tài chính Mỹ để tuân thủ các quy định về chống rửa tiền.

Ông Marcus cho biết thêm Facebook sẽ làm việc với Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và hệ thống ngân hàng trung ương các nước khác để đảm bảo Libra sẽ không cạnh tranh với các đồng nội tệ hay gây trở ngại cho chính sách tiền tệ.

Theo ông Marcus, tiền kỹ thuật số sẽ không bao giờ thay thế tiền tệ quốc gia hoặc làm suy yếu vai trò của các ngân hàng trung ương.

Libra cũng không phải là một khoản đầu tư và người dân sẽ không mua nó để nắm giữ như cổ phiếu hoặc trái phiếu.

Giới phân tích tại Australia cho rằng Libra sẽ là một công cụ hiệu quả để các chính phủ kiểm soát những người chống đối.

Theo ý kiến của bà Elise Thomas, nhà nghiên cứu tại Trung tâm chính sách mạng quốc tế của Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Australia (ASPI), hiện giới chính trị và tài chính tại nhiều nước đều có chung quan ngại rằng việc Libra thành công trên toàn cầu sẽ là mối đe dọa, tác động thay đổi chính sách và việc thực thi luật pháp liên quan đến tiền tệ và do đó làm xói mòn các nguyên tắc dân chủ cốt lõi và chủ quyền quốc gia.

Tuy nhiên, Libra cũng có thể được sử dụng làm vũ khí hiệu quả để đối phó với sự phản kháng từ dân chúng.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), việc Facebook phát triển Libra để hàng triệu người trên thế giới hiện nay, chủ yếu tại các nước đang phát triển, không đủ điều kiện mở tài khoản tại ngân hàng sẽ có cơ hội gửi tiền, chuyển tiền, giao dịch tài chính có thể là là ý tưởng tốt.

Sau khi đi vào hoạt động, do sự tiện lợi và chi phí thấp, ví điện tử Calibra có thể cạnh tranh trực tiếp với hệ thống tài chính truyền thống. Và Libra có thể trở thành phương thức trao đổi giá trị chủ yếu, đặc biệt là giữa những người có mức thu nhập thấp trong xã hội.

[Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Tiền ảo của Facebook dễ bị dùng để rửa tiền]

Nhiều người có tài khoản ngân hàng cũng có thể sẽ chuyển sang gửi tiền vào Calibra để tránh nguy cơ đồng nội tệ bị mất giá dẫn đến giá trị tài sản gửi ngân hàng của họ giảm.

Và đến khi các doanh nghiệp chấp nhận Libra là hình thức thanh toán chính, người dân bắt đầu thực hiện và nhận các khoản vay, các dịch vụ tài chính khác ở Libra thì một nền kinh tế cơ sở bắt đầu phát triển mạnh mẽ được xây dựng trên loại tiền kỹ thuật số này.

Tại các nước phát triển, ngoài tiền gửi và hệ thống của Facebook, người dân các nước này còn khối tài sản đáng kể được lưu trữ trong hệ thống tài chính truyền thống nên sẽ không bị ảnh hưởng từ việc ngắt kết nối Internet. Tuy nhiên, tại các nước đang phát triển sẽ có sự khác biệt.

Do vậy, theo tuyên bố của Facebook, những người nghèo và bị thiệt thòi trên thế giới là những người có nhiều lợi ích nhất từ Libra, nhưng họ cũng sẽ là những người chịu nguy cơ cao nhất nếu mất quyền truy cập vào Libra.

Một dự án Libra thành công sẽ trao cho các chính phủ một công cụ hiệu quả để kiểm soát những người chống đối./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục