Ý đồ của Trung Quốc khi xây dựng thị trường nội địa thống nhất

Những năm gần đây, Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng chú ý trong việc xây dựng một thị trường thống nhất và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, song vẫn còn nhiều yếu tố cần được cải thiện.
Ý đồ của Trung Quốc khi xây dựng thị trường nội địa thống nhất ảnh 1Một quầy hàng trong siêu thị ở thành phố Tất Tiết, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc vừa ban hành chỉ thị đẩy nhanh việc xây dựng một thị trường nội địa thống nhất trong bối cảnh nước này đang nỗ lực phát triển một hệ thống thị trường tiêu chuẩn và chất lượng cao.

Một quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết thị trường là nguồn tài nguyên khan hiếm nhất thế giới hiện nay. Với dân số hơn 1,4 tỷ người, trong đó hơn 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, Trung Quốc sở hữu thị trường quy mô siêu lớn duy nhất trên thế giới.

Trung Quốc định nghĩa thị trường nội địa thống nhất là thị trường nội địa hiệu quả cao, dựa trên luật lệ, công bằng và rộng mở. Thị trường này loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ, phân khúc thị trường hoặc các trở ngại ở địa phương làm hạn chế lưu thông kinh tế, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông các sản phẩm và tài nguyên trên quy mô lớn hơn.

Tại sao Trung Quốc lại đẩy nhanh việc thiết lập thị trường này? Dưới đây là một số điều cần biết:

Thị trường trong nước thống nhất là gì?

Trung Quốc muốn có một thị trường hội nhập, được thống nhất bởi cùng một hệ thống và quy tắc, đảm bảo kết nối các cơ sở thị trường theo tiêu chuẩn cao, cũng như xây dựng các thị trường phụ, có tính thống nhất cao giữa các thị trường nhân tố-tài nguyên với các thị trường hàng hóa-dịch vụ. Việc giám sát phải công bằng và thống nhất trên toàn thị trường, tránh cạnh tranh không lành mạnh và sự can thiệp vào thị trường.

Liu Zhibiao - Giám đốc Viện Kinh tế Công nghiệp Dương Tử thuộc Đại học Nam Kinh - cho rằng một thị trường với các chính sách, quy định và tiêu chuẩn thống nhất cho việc giám sát có thể phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả để tối đa hóa phúc lợi xã hội.

Ông Liu nói thêm rằng nếu không gặp trở ngại liên quan đến các dàn xếp thể chế và yếu tố con người, các rào cản về xuất nhập cảnh đối với các thực thể trong nước sẽ được loại bỏ, đồng thời các nước khác sẽ được hưởng lợi trên cơ sở “có qua có lại," tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy tài nguyên, nhân tố và sản phẩm với chi phí thấp.

Guo Liyan - nhà nghiên cứu thuộc Học viện Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô Trung Quốc - cho rằng việc thiết lập một thị trường như vậy là điều rất quan trọng để đảm bảo hệ thống kinh tế trong nước được lưu thông bằng cách kích thích hơn nữa tiềm năng của thị trường nội địa.

Thị trường trong nước và quốc tế sẽ được kết nối tốt hơn, với các quy định và tiêu chuẩn tương thích hơn, mô hình phát triển “tuần hoàn kép” của Trung Quốc cũng sẽ được cải thiện.

Tại sao Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng một thị trường như vậy?

Những năm gần đây, Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng chú ý trong việc xây dựng một thị trường thống nhất và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, song vẫn còn nhiều yếu tố cần được cải thiện.

Các lĩnh vực đáng chú ý bao gồm phân khúc thị trường và chủ nghĩa bảo hộ địa phương, tối ưu hóa các thị trường nhân tố-tài nguyên và thị trường hàng hóa-dịch vụ, thống nhất các quy tắc và tiêu chuẩn giám sát, đồng thời tăng cường đổi mới công nghệ và nâng cấp công nghiệp.

[Kinh tế Trung Quốc có thể sụt giảm mạnh do đợt bùng phát dịch COVID-19]

Việc đẩy mạnh xây dựng thị trường nội địa thống nhất sẽ giúp ổn định kỳ vọng của thị trường và thúc đẩy phát triển kinh tế lành mạnh. Chất lượng nguồn cung được cải thiện sẽ kích thích nhu cầu của thị trường và môi trường giao thương tốt hơn sẽ làm tăng tiềm năng tiêu thụ. Không gian lưu thông sẽ được mở rộng nhờ việc dỡ bỏ các rào cản và một môi trường kinh doanh minh bạch hơn sẽ được tạo ra thông qua sự giám sát công bằng và hợp pháp.

Thay vì thúc đẩy quy trình khép kín, thị trường nội địa thống nhất sẽ giúp các quy trình trong nước và quốc tế củng cố lẫn nhau bằng cách sử dụng hiệu quả các yếu tố toàn cầu và các nguồn lực thị trường, đồng thời kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế một cách hiệu quả hơn.

Điều này mang đến những thay đổi gì cho doanh nghiệp và người tiêu dùng?

Chỉ thị này đề cập đến các kế hoạch cho 6 lĩnh vực, trong đó có điều tiết và giám sát thị trường, các thị trường phụ gồm thị trường nhân tố-tài nguyên và hàng hóa-dịch vụ, các biện pháp chống cạnh tranh không lành mạnh và can thiệp vào thị trường. Trung Quốc sẽ tăng cường thống nhất các thể chế thị trường cơ bản trong việc bảo vệ quyền tài sản, gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng và tín dụng xã hội.

Quyền tài sản của doanh nghiệp, cũng như sự an toàn về tài sản và cá nhân của doanh nhân sẽ được bảo vệ. Tất cả các thực thể trên thị trường đều được đối xử bình đẳng và việc lập ra các “sổ đen” về tiếp cận thị trường địa phương sẽ bị nghiêm cấm. Trung Quốc sẽ nỗ lực thúc đẩy kết nối các cơ sở thị trường cấp cao bằng cách nâng cấp mạng lưới lưu thông, trao đổi thông tin thông suốt và tối ưu hóa nền tảng giao dịch để nâng cao hiệu quả.

Trung Quốc sẽ tối ưu hóa việc bố trí cơ sở hạ tầng thương mại, đồng thời kết hợp phát triển thị trường trực tuyến và ngoại tuyến. Nước này cũng sẽ hỗ trợ xây dựng các nền tảng phân phối hậu cần kỹ thuật số của bên thứ ba, phát triển một loạt các doanh nghiệp chuỗi cung ứng và nền tảng kỹ thuật số có ảnh hưởng toàn cầu. Bắc Kinh sẽ tiến hành nhiều biện pháp xây dựng các thị trường nhân tố-tài nguyên một cách thống nhất. Thị trường đất đai và lao động ở các khu vực thành thị và nông thôn sẽ được tối ưu hóa, đồng thời xây dựng các thị trường thống nhất để hỗ trợ nguồn vốn, công nghệ, dữ liệu, năng lượng và sinh thái.

Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy hội nhập thị trường hàng hóa và dịch vụ ở mức cao, tập trung vào các lĩnh vực mà công chúng và các thực thể thị trường quan tâm. Nước này, sẽ tối ưu hóa tiêu chuẩn phân phối hiện đại, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối (blockchain), 5G, mô hình “Internet vạn vật” và lưu trữ năng lượng.

Bắc Kinh sẽ công bố danh sách các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực lưu trú, giáo dục và đào tạo, y tế cũng như chăm sóc người già và trẻ em.

Trung Quốc sẽ giám sát, hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh và can thiệp thị trường. Nước này sẽ đẩy mạnh các hệ thống rà soát chống độc quyền và xác định hành vi độc quyền, ngăn chặn các doanh nghiệp nền tảng sử dụng dữ liệu, thuật toán và các phương tiện kỹ thuật khác để cản trở cạnh tranh, đồng thời tiếp tục trấn áp hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong các hình thức kinh doanh mới như các nền tảng và mô hình kinh tế chia sẻ.

Trung Quốc cũng sẽ nhanh chóng rà soát và bãi bỏ các chính sách cản trở việc hình thành thị trường thống nhất và cạnh tranh bình đẳng, chẳng hạn như chủ nghĩa bảo hộ, phân khúc thị trường và thương mại chỉ định ở địa phương, cũng như rà soát toàn diện các chính sách phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục