Xung đột Nga-Ukraine và những tác động đối với kinh tế Trung Quốc

Do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể mua dầu mỏ từ Nga với mức giá thấp hơn.
Xung đột Nga-Ukraine và những tác động đối với kinh tế Trung Quốc ảnh 1Công nhân làm việc tại một máy lắp ráp ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, kết quả cuối cùng của cuộc đọ sức liên quan đến xung đột Nga-Ukraine không chỉ được quyết định bởi chiến lược do Trung Quốc đưa ra, mà còn phụ thuộc vào phản ứng của các nước khác.

Chiến dịch quân sự mà Nga triển khai ở Ukraine đã kéo dài hơn 1 tháng, gây nên ảnh hưởng nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu. Giá hàng hóa chiến lược leo thang lên mức cao nhất từ trước đến nay, chuỗi cung ứng đứt gãy, lạm phát cao ở khắp mọi nơi, kinh tế tăng trưởng chậm lại làm giảm kỳ vọng đầu tư và kinh doanh. Tất cả đều cản trở bước đi phục hồi kinh tế của các nước thời kỳ hậu đại dịch.

Mặc dù rất nhiều quốc gia đều đang chỉ trích Nga nhưng Trung Quốc luôn duy trì thái độ trung lập. Một số quan điểm cho rằng Trung Quốc hưởng lợi từ cuộc xung đột này, song cũng có một số quan điểm phản bác ngược lại. Rốt cuộc xung đột Nga-Ukraine gây nên ảnh hưởng như thế nào đối với nền kinh tế Trung Quốc?

Thị trường xuất khẩu Liên minh châu Âu bị ảnh hưởng

Xuất khẩu là một trong những cỗ xe quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, do xuất khẩu bùng nổ nên thành tựu tổng thể của nền kinh tế Trung Quốc vượt xa các nền kinh tế khác. Mục tiêu tăng trưởng tổng giá trị sản xuất quốc nội năm 2022 của Trung Quốc là 5,5%, xuất khẩu được coi là động lực tăng trưởng quan trọng.

Theo số liệu của cơ quan thống kê EU, năm 2021, Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng hóa chiến lược lớn thứ hai của EU (10,2%), đồng thời cũng là nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của EU (22,4%). Rất rõ ràng, kim ngạch thương mại EU-Trung Quốc và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của EU gắn liền với nhau.

Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine đã phủ bóng đen lên triển vọng của nền kinh tế EU. Giá năng lượng ở châu Âu tăng thẳng đứng, niềm tin kinh doanh và mức tiêu dùng trong nước liên tục suy giảm, nhiều khả năng sẽ kéo chậm tăng trưởng kinh tế của EU, hạ thấp nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu, từ đó làm chậm hơn nữa tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc.

[Trung Quốc đứng trước sự gia tăng những thách thức kinh tế-xã hội]

Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,6% xuống 2,6%, đồng thời nhấn mạnh châu Âu sẽ chịu cú sốc kép của thương mại hàng hóa cao và xung đột Nga-Ukraine. Cục diện lạm phát đình trệ của EU, nghĩa là tình trạng đồng thời đối diện với áp lực lạm phát và tăng trưởng kinh tế trì trệ cũng sẽ lan tỏa đến các nền kinh tế khác.

Theo nghiên cứu và đánh giá của ngân hàng ANZ, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế của EU thể hiện rõ mối quan hệ tương quan. Cụ thể, tăng trưởng tổng giá trị sản xuất quốc nội của EU giảm 1 điểm phần trăm, thì tổng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm 0,3 điểm phần trăm.

Quan hệ thương mại Trung Quốc-Nga ngày càng mật thiết

Cùng với việc các quốc gia phương Tây triển khai các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, một lượng lớn công ty xuyên quốc gia rời khỏi Nga, điều này thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nga trở nên tương đối mật thiết, đồng thời cũng mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo số liệu công bố gần nhất, tháng 1-2/2022, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 41,5% so với cùng kỳ, ở chiều ngược lại nhập khẩu tăng 35,8% so với cùng kỳ. Sản phẩm chủ lực Trung Quốc xuất khẩu sang Nga bao gồm thiết bị phát sóng, máy tính và đồ dùng gia đình, trong khi chủ yếu nhập khẩu từ Nga các hàng hóa chiến lược và năng lượng.

Đầu tháng Ba, Apple và Samsung đã ngừng bán các sản phẩm ở Nga, một số thương hiệu điện thoại di động thông minh của Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội thị trường này. Tuy nhiên, xuất phát từ mối lo ngại về rủi ro tỷ giá và rủi ro trừng phạt tiềm tàng hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu trở nên thận trọng hơn trong việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu sang Nga.

Ngay cả khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga liên tục tăng trưởng thì cũng không đủ để bù đắp tổn thất gây nên từ việc sụt giảm xuất khẩu đối với EU. Năm 2021, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Trong khi đó, giá năng lượng tiếp tục leo thang.

Một ảnh hưởng bất lợi khác của xung đột Nga-Ukraine là giá dầu tăng cao. Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sự gia tăng của giá dầu mỏ nhập khẩu dẫn đến giá bán lẻ xăng và dầu diesel của Trung Quốc lên cao, từ đó ảnh hưởng đến các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Giá dầu leo thang không chỉ làm gia tăng chi phí sản xuất của hàng hóa và dịch vụ, thu hẹp không gian lợi nhuận, mà còn giảm thu nhập khả dụng của người tiêu dùng.

Nga là nước cung ứng dầu thô quan trọng của Trung Quốc. Do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể mua dầu mỏ từ Nga với mức giá thấp hơn.

Tuy nhiên, không nhiều khả năng giá thị trường xăng và dầu diesel của Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng lớn trong ngắn hạn. Một mặt, cơ chế định giá dầu thô hiện nay có liên quan đến giá dầu tiêu chuẩn toàn cầu; mặt khác, các nhà nhập khẩu của Trung Quốc phải gánh chịu các rủi ro không xác định như vận chuyển.

Ngoài dầu mỏ, khí đốt tự nhiên cũng là nguồn năng lượng quan trọng để đáp ứng sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế. Do mối quan hệ song phương hữu hảo Trung-Nga, hai nước đã ký một bản hợp đồng có thời hạn 30 năm, thông qua tuyến đường ống mới để đảm bảo cung ứng ổn định khí đốt tự nhiên, giao dịch sẽ được thanh toán bằng đồng euro.

Trung Quốc đang cân nhắc mua hoặc gia tăng cổ phần trong các công ty năng lượng và hàng hóa chiến lược của Nga. Tuy nhiên, do các nước phương Tây leo thang trừng phạt đối với Nga, nên Trung Quốc đã tạm ngừng đàm phán những hoạt động đầu tư này.

Nhìn chung, nguồn cung năng lượng của Trung Quốc vẫn được đảm bảo, nhưng nếu chính phủ không can thiệp thì giá năng lượng trong nước của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục gia tăng.

Mối đe dọa đối với an ninh lương thực

Ukraine là một trong những nguồn quan trọng để Trung Quốc nhập khẩu ngô chế biến thức ăn chăn nuôi cho lợn và gia cầm. Do xung đột Nga-Ukraine, nguồn cung ngô cũng trở nên bấp bênh, giá ngô nhập khẩu có thời điểm tăng cao, Trung Quốc buộc phải chuyển sang mua ngô của Mỹ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang thử nghiệm nhập khẩu “sản phẩm thay thế” thức ăn chăn nuôi rẻ hơn, chẳng hạn như tiểu mạch. Tháng Hai năm nay, để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, Chính phủ Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu tiểu mạch từ khắp nước Nga.

An ninh lương thực là nền tảng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Môi trường quốc tế phức tạp và hình hình xung đột luôn thay đổi đã mang lại nhiều điều bất ổn cho thị trường lương thực toàn cầu, đồng thời cũng gây áp lực lớn cho việc ổn định giá cả lương thực.

Để ổn định nguồn cung và giá cả lương thực, Trung Quốc cần phải đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, giảm thiểu sự phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu, gia tăng sản lượng lương thực trong nước.

Những lợi ích mang lại cho Trung Quốc

Hiện nay, tiêu điểm quốc tế đã chuyển từ đại dịch COVID-19 sang xung đột Nga-Ukraine. Trước đó, Trung Quốc bị cáo buộc là nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, tâm lý chống Trung Quốc của một số nước bao gồm Mỹ không ngừng gia tăng, môi trường quốc tế vốn tiềm chứa nhiều sự đối địch đã gây ảnh hưởng bất lợi cho quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Bây giờ sức chú ý toàn cầu đều tập trung vào giá năng lượng cao, lạm phát toàn cầu, khủng hoảng lương thực và suy thoái kinh tế, Trung Quốc không còn là mục tiêu công kích.

Điều quan trọng nhất là xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy tiến trình phi USD hóa của một số nước. Trung Quốc cũng đang phát triển hệ thống thanh toán quốc tế lấy đồng NDT làm nền tảng. Triển vọng thời gian tới, sức ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc ở lĩnh vực này có thể sẽ phát triển hơn nữa.

Một số chuyên gia hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc xuống mức 5,1% hoặc 5,2%. Tuy nhiên, dường như con số này vẫn tương đối lạc quan, bởi vì tình hình của các nước khác còn tồi tệ hơn.

Bên cạnh đó, có một số quan điểm lại cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành “bên thắng cuộc” trong cuộc đọ sức này, chỉ có điều hiện nay vẫn chưa thể khẳng định do các bên tham gia vào cuộc đọ sức này vẫn có rất nhiều. Nói cách khác, kết quả cuối cùng của cuộc đọ sức này không chỉ được quyết định bởi chiến lược do Trung Quốc đưa ra, mà còn phụ thuộc vào phản ứng của các nước khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục