Cây quế được người dân huyện Văn Yên (Yên Bái) ví như “vàng xanh” trên núi. Tuy nhiên, quế Văn Yên hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá xuất khẩu xuống thấp cùng nguy cơ suy giảm về chất lượng.
Duy trì chất lượng bền vững để tăng khả năng cạnh tranh, giữ vững thương hiệu quế Văn Yên đang là thách thức không nhỏ đối với người trồng và chế biến quế nơi đây.
Giá quế xuất khẩu giảm sâu
Huyện Văn Yên được coi là thủ phủ cây quế của tỉnh Yên Bái, có diện tích quế lớn nhất cả nước với trên 52.000ha.
Cây quế đã gắn bó lâu đời với người dân Văn Yên, là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh Yên Bái và nhờ cây quế mà đời sống người dân không ngừng được nâng cao, nhiều hộ dân làm giàu từ cây quế; bởi vậy, nơi đây nhà nhà đều trồng quế.
Tuy nhiên, từ hai năm nay, giá quế xuất khẩu xuống thấp chưa từng có, khiến nhiều cơ sở thu mua, chế biến phải sản xuất cầm chừng. Vì vậy, cây quế đến kỳ khai thác mà người dân vẫn không bóc vỏ vì giá quá rẻ.
Hiện tại, giá quế giảm khoảng 50% so với cách đây 2 năm, tinh dầu quế trung bình từ 600 triệu đồng/tấn giảm còn 300 triệu đồng; giá quế vỏ khô các loại từ 115 nghìn đồng/kg giảm xuống còn 55 nghìn đồng/kg.
Gia đình ông Đặng Tôn Ba, thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn có 10ha quế từ 7-20 năm tuổi đã đến thời kỳ khai thác nhưng chưa bán được. Nguyên nhân được ông Ba cho biết, những năm trước quế được giá, hằng năm gia đình chỉ tỉa cành, tỉa cây cũng thu lãi về từ 120-150 triệu đồng.
Hai năm nay, giá quế xuống thấp, giá thuê nhân công khai thác tăng cao, nếu khai thác trừ đi công chăm sóc, công khai thác thì không còn được là bao, gia đình đành phải tạm dừng và hy vọng chờ giá lên.
Toàn huyện Văn Yên hiện có khoảng 60 cơ sở thu mua, chế biến các sản phẩm từ quế; 212 cơ sở chưng cất tinh dầu quế và trên 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh quế giống.
Bình quân mỗi năm, xuất bán ra thị trường khoảng 6.000 tấn quế vỏ khô các loại, trên 300 tấn tinh dầu quế, tổng giá trị các sản phẩm từ quế hàng năm đạt trên 850 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay phần lớn các cơ sở chế biến tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng để giữ chân người lao động.
Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm đóng tại xã Xuân Ái, huyện Văn Yên cũng không ngoại lệ, với dây chuyền chưng cất tinh dầu quế công suất 600 tấn lá quế/tháng, giải quyết việc làm cho 50 lao động. Nay, thị trường ảm đạm nên hợp tác xã chỉ sản xuất cầm chừng.
Giám đốc Trần Văn Kiên cho biết từ đầu năm đến nay doanh nghiệp sản xuất được hơn 8 tấn tinh dầu, vẫn còn tồn kho hơn 3 tấn. Hiện hợp tác xã chỉ sản xuất cầm chừng, giữ chân công nhân, hoạt động cho máy móc đỡ hỏng, và giữ mối mua nguyên liệu.
Cũng trong tình trạng tương tự, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hương Gia Vị Sơn Hà tại thôn Yên Thành, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về chế biến và xuất khẩu những sản phẩm quế trên địa bàn Văn Yên đã phải cắt giảm hơn 60% công suất.
Ông Đoàn Ngọc Hiệp, Trợ lý trưởng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hương Gia Vị Sơn Hà chia sẻ, năm nay thị trường quế ảm đạm, giá quế xuống thấp, cạnh tranh sản phẩm quế trên thị trường thế giới rất khốc liệt. Công ty đã phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công, lượng thành phẩm tồn kho tăng cao, do vậy phải nghe ngóng, chờ đợi tín hiệu tích cực của thị trường, bởi nếu cứ tiếp tục sản xuất trong khi giá quế tiếp tục giảm thì sẽ lỗ nhiều hơn.
Khó khăn duy trì chất lượng
Bên cạnh khó khăn do sụt giảm về giá, vùng quế Văn Yên đang phải đối mặt với cạnh tranh về chất lượng, nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến sinh trưởng và chất lượng tinh dầu quế.
Trước hết cây quế phải được trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và độ cao, vùng quế Văn Yên hiện nay còn đang trồng trồng tràn lan trên toàn huyện, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng và chất lượng tinh dầu quế.
Cùng với quy hoạch vùng trồng, chất lượng cây quế giống đang là vấn đề khá nhức nhối, tình trạng sâu bệnh xảy ra với cây quế ngày càng nhiều và tình trạng khai thác không hợp lý, tận thu quá mức như chặt tỉa cành, tỉa cây không khoa học đã tác động xấu đến sự sinh trưởng, phát triển và khó kiểm soát chất lượng của cây quế.
Bà Đinh Thị Thúy Vân, Giám đốc Hợp tác xã Quế Văn Yên, thị trấn Mậu A cho rằng, còn nhiều bất cập trong quản lý chuỗi sản xuất cây giống, cây quế giống trôi nổi trên thị trường gây khó khăn trong lựa chọn của người dân.
Phần lớn giống quế người dân đang trồng chưa được kiểm soát, lẫn lộn nhiều loại. Trong khi tại một số thị trường lớn, khách hàng yêu cầu doanh nghiệp chế biến phải có tài liệu chính thức nguồn gen các giống quế, đây là một thách thức lớn, hiện nay chưa có lời giải.
Ngoài ra, trong quá trình đi thu mua, sơ chế ban đầu nhiều tiểu thương cũng gian lận khi thu gom quế ở các địa phương khác về pha trộn với quế Văn Yên để xuất bán cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín, thương hiệu của quế Văn Yên. Cùng với đó, phương pháp chăm sóc cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ... vẫn còn khá tùy tiện. Đến nay, toàn huyện Văn Yên mới có 30% diện tích được công nhận quế hữu cơ.
Thực tế cho thấy, đa số nông dân phớt lờ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc quế. Mật độ trồng rất mau, nhiều đồi quế trồng gần 2 vạn cây/ha với mục đích để chặt tỉa dần bán cho các lò nấu tinh dầu. Tình trạng này dẫn đến sâu bệnh phá hoại, đặc biệt là sâu ăn lá quế, khiến chất lượng tinh dầu, vỏ quế cũng kém đi.
Trước những thách thức đó, để duy trì và nâng cao chất lượng quế Văn Yên bền vững, theo bà Nguyễn Bích Thảo, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Văn Yên cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước của huyện là tiếp tục tuyên truyền người dân, doanh nghiệp áp dụng chỉ dẫn địa lý để bảo vệ, nâng cao thương hiệu quế Văn Yên.
Huyện xây dựng quy hoạch vùng sản xuất quế có trọng tâm, trọng điểm, không phát triển tràn lan; tăng cường sự phối hợp giữa "4 nhà” để có sự ràng buộc, kiểm soát lẫn nhau về chất lượng; phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đồng thời, huyện khuyến cáo và hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ quế đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm; bám sát vào quy hoạch phát triển quế của huyện để có chiến lược kinh doanh hiệu quả, tránh đầu tư ồ ạt, tràn lan nhiều cơ sở chế biến vượt quá khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu./.
Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế
Với diện tích khoảng 180.000ha, chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ…, năm 2022, quế Việt Nam chiếm 18,2% về sản lượng nhưng chiếm 34,4% về thị phần xuất khẩu quế toàn cầu.