Yếu tố cần thiết để nâng cao vai trò của G7 trong nền kinh tế toàn cầu

Trong bối cảnh đại dịch và các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, Hội nghị thượng đỉnh 2021 là cơ hội ngoại giao để 7 quốc gia chiếm 40% GDP toàn cầu này thể hiện một mặt trận thống nhất.
Yếu tố cần thiết để nâng cao vai trò của G7 trong nền kinh tế toàn cầu ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 tại London, Anh, ngày 4/6/2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Trang The Conversation của Australia vừa đăng bài nhận định của Giáo sư Natasha Lindstaedt thuộc Đại học Essex (Anh) về Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) - cuộc họp liên chính phủ đầu tiên của bảy nền dân chủ giàu có nhất thế giới kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trong bối cảnh đại dịch và các mối đe dọa ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, Hội nghị thượng đỉnh 2021 là cơ hội ngoại giao để bảy quốc gia chiếm gần 40% GDP toàn cầu này thể hiện một mặt trận thống nhất.

Cuộc nhóm họp cuối cùng của G7 ở thành phố Biarritz (Pháp) vào năm 2019, đã bị “phủ bóng” bởi những câu hỏi về sự thống nhất, liên quan tới môi trường và chính trị, với các cuộc thảo luận hết sức khó khăn về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

[Lãnh đạo G7 cam kết viện trợ 1 tỷ liều vaccine, hành động vì khí hậu]

Đỉnh điểm là khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột rời khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2017, bất chấp những lời thuyết phục ở lại của các nhà lãnh đạo khác.

Ông Trump đã “đứng riêng một bên” và từ chối thông qua Tuyên bố chung trong Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2019. Động thái này thể hiện sự chia rẽ lớn giữa các nước.

Ngoài ra, việc ông Trump thúc đẩy khôi phục vị trí cho Nga, một thành viên của Nhóm G8 giai đoạn trước khi nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014, là một điểm gây tranh cãi khác. 

Khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, lần đầu tiên trong lịch sử 44 năm của G7, quyết định không đưa ra thông cáo chung với lý do có “cuộc khủng hoảng dân chủ sâu sắc.”

Hai năm sau, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của tân Tổng thống Joe Biden đã có những dấu hiệu tích cực hơn trong cách tiếp cận đa phương. Washington cũng cho thấy sự sẵn sàng hợp tác với những đối tác G7 về các vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu, vai trò của Nga và Trung Quốc trong hợp tác liên chính phủ và cả sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài. 

Trọng tâm là đại dịch COVID-19

Các nước G7 cần hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề chủ nghĩa dân tộc về vaccine, tạo cơ hội cho việc kiểm soát đại dịch. Mặc dù thế giới đã đạt được những bước tiến lớn khi các nước giàu triển khai tiêm chủng cho người dân, nhưng vaccine vẫn chưa được phân phối đồng đều.

Theo các số liệu, công dân ở một quốc gia G7 có khả năng tiếp cận vaccine cao gấp 77 lần so với người sống tại các quốc gia nghèo nhất thế giới. Nếu tốc độ tiêm chủng vẫn diễn ra chậm, thì có thể sẽ mất tới vài thập kỷ trước khi mọi người dân trên thế giới được tiêm chủng.

Yếu tố cần thiết để nâng cao vai trò của G7 trong nền kinh tế toàn cầu ảnh 2Cao ủy phụ trách kinh tế EU Paolo Gentiloni, Chủ tịch Eurogroup Paschal Donohoe, Chủ tịch World Bank David Malpass, Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Italy Daniele Franco, Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso chụp ảnh chung tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 ở London, Anh, ngày 5/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sự chú ý đang tập trung vào Ấn Độ, quốc gia đang phải đối mặt với một đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất trên toàn cầu, với các ca bệnh gia tăng chủ yếu bởi biến thể dễ lây nhiễm hơn. 

Ấn Độ từng là khách mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 trong năm 2019, cùng với Australia, Nam Phi và Hàn Quốc. Năm nay, Brazil cũng đang phải đối phó với một đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng. 

Những thách thức mới

Các vấn đề kinh tế luôn được đặt lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự của G7. Trong nỗ lực giải quyết tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng, G7 đã đạt được thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%. Tuy nhiên, bước tiến lịch sử này bị chỉ trích là quá thấp và không thể ngăn chặn hoạt động của các “thiên đường thuế.”

Bên cạnh đó, hội nghị thượng đỉnh lần này còn phải đối mặt với phản ứng dữ dội do thiếu tập trung vào vấn đề an ninh môi trường và tài chính khí hậu, để giúp các nước đang phát triển cam kết về năng lượng xanh.

Các ý kiến chỉ trích nổi lên bất chấp việc các bộ trưởng G7 đã thống nhất những bước tiến mới nhằm hạn chế sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong một cuộc họp vào tháng Năm, trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7. 

Tại cuộc họp này, các thành viên của G7 tuyên bố sẽ ngừng tài trợ quốc tế cho những dự án khai thác than, yêu cầu các tập đoàn công bố kế hoạch tác động đến khí hậu và đầu tư nhiều hơn vào năng lượng sạch.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì môi trường đã chỉ ra rằng các quốc gia giàu có đã chi hơn 30 tỷ USD để hỗ trợ hoạt động sản xuất dầu thô, than và khí đốt từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2021, nhiều hơn số tiền họ đầu tư vào các dự án năng lượng sạch.

Đáng chú ý, những vấn đề mà các nhà lãnh đạo G7 phải đối mặt hiện nay phức tạp và cấp bách hơn những gì mà thế giới phải đối mặt trong năm 2019. Giải quyết những vấn đề này đòi hỏi hành động ngoại giao, sự phối hợp và tuân thủ thỏa thuận toàn diện hơn. 

Bất chấp những lời kêu gọi đoàn kết, G7 vẫn đang bị cản trở bởi sự chia rẽ ý thức hệ, gây ngăn cản cơ chế tập thể. Đồng thời, nhóm này hiện vẫn thiếu một sự lãnh đạo thống nhất, có khả năng chuyển đổi nội dung các bản thông cáo thành hành động có ý nghĩa thực sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục