Bộ trưởng Thăng đối thoại, gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải

Hàng loạt các tồn tại, bất cập trong hoạt động lĩnh vực vận tải đã được đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời trực tiếp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Thăng đối thoại, gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải ảnh 1Nhiều doanh nghiệp vận tải mong muốn tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý vận tải. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Hàng loạt các tồn tại, bất cập trong lĩnh vực vận tải như luồng tuyến xe khách, sức khỏe lái xe, cấp giấy phép lái xe… đã được đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời trực tiếp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp với lý do hiệu quả của các đơn vị này chính là thước đo của quản lý Nhà nước và của ngành giao thông vận tải, không vì lý do quản không được mà cấm.

Quản lý lái xe kiểu đối phó

Mở đầu Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải sáng 20/7, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì hàng loạt các hội nghị thuộc tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường thủy, hàng không, đường sắt, hàng hải để gặp trực tiếp, lắng nghe và trao đổi ý kiến cùng doanh nghiệp về những mặt tích cực, tồn tại bất cập để tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

Một trong những vấn đề làm “nóng” cả hội nghị lần này chính là quy hoạch luồng tuyến và khám sức khỏe lái xe đã được nhiều doanh nghiệp vận tải “than thở” và đối chất với lãnh đạo ngành giao thông vận tải để giải đáp những vướng mắc trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Điện Biên cho rằng, hiện nay, có nhiều quy định siết chặt công tác quản lý lái xe để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, một số vấn đề chưa phù hợp nên trong thực tiễn vẫn còn nhiều doanh nghiệp vận tải tìm cách đối phó.

Cụ thể, điều 11 Nghị định 86 quy định, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp bảo hiểm cho người lao động. Nhưng theo ông Mạnh, số đơn vị vận tải chấp hành quy định này lại chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn. Thực tế, tại tỉnh Điện Biên có 8 doanh nghiệp vận tải nhưng bình quân chỉ có 5% doanh nghiệp nộp bảo hiểm cho lái xe.

Bên cạnh đó, vị Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Điện Biên cũng thừa nhận, cơ chế quản lý về quy hoạch luồng tuyến, khám sức khỏe lái xe, cấp giấy phép lái xe giường nằm… vẫn đang nút thắt gây khó khăn cho hoạt động của đơn vị vận tải.

“Hiện, thời hạn khám sức khỏe cho lái xe là sáu tháng nên chăng cần tăng tới một năm. Lái xe điều khiển xe khách giường nằm phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm nhưng chưa chắc đã lái xe ở đâu bao giờ. Chúng tôi đề nghị giảm xuống còn một năm kinh nghiệm và tập trung ‘siết’ chặt công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe, tích lũy số km an toàn… để các cơ quan Nhà nước kiểm tra, hậu kiểm, tránh tình trạng đối phó từ lái xe hay doanh nghiệp,” ông Mạnh thẳng thắn nói.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng chất vấn các lãnh đạo ngành giao thông về công tác “siết” chặt chở quá tải, xem xét chấn chỉnh lại cấp giấy phép kinh doanh thiết bị giám sát hành trình, cấp phù hiệu cho xe tăng cường giải tỏa khách…

Không vì lý do quản không được mà cấm

Theo đại diện các doanh nghiệp vận tải, các tuyến vận tải khách liên tỉnh khi được chấp thuận tuyến phải có ý kiến của các địa phương nên thủ tục thường lâu và rất phiền hà. Vì thế, nhiều chủ doanh nghiệp kiến nghị chỉ cần đăng ký một trong hai nơi đi và nơi đến.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho rằng, quy hoạch luồng tuyến là mối quan tâm rất lớn của doanh nghiệp vận tải, trong đó có câu chuyện chấp thuận tuyến giữa hai Sở Giao thông Vận tải của nơi xe đi và đến.

“Quy hoạch luồng tuyến chính là xóa bỏ chấp thuận tuyến. Nếu bỏ được thì tháo gỡ cho các doanh nghiệp rất nhiều vướng mắc, giảm bớt chi phí, thủ tục,” ông Lập khẳng định.

Giải đáp ngay vướng mắc của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Đinh La Thăng “truy” các Sở Giao thông Vận tải địa phương có cần có ý kiến xác nhận chấp thuận tuyến của hai Sở này không?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quả quyết cần có sự thống nhất giữa các Sở vì đây là đầu mối cuối cùng quản lý các luồng tuyến chạy theo đúng quy hoạch tuyến.

“Trên tuyến, biểu đồ vận tải sẽ có nhiều đơn vị vận tải tham gia. Trong trường hợp nhiều doanh nghiệp đăng ký chạy cùng luồng tuyến thì sẽ phá vỡ quy hoạch. Do đó, các Sở chính là các trọng tài để can thiệp. So với trước đây, thủ tục cấp phép đã giảm đi rất nhiều. Đối với các tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ,” ông Linh cho hay.

Phản bác lại vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng bày tỏ quan điểm, quy hoạch luồng tuyền thì sẽ nắm bắt được luồng tuyến của phương tiện chạy qua địa bàn.

Bộ trưởng Thăng “chốt” lại các kiến nghị của doanh nghiệp, Nhà nước phải có trách nhiệm công bố quy hoạch luồng tuyến để doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu theo hướng bỏ việc doanh nghiệp phải đăng ký xin phép với hai sở giao thông vận tải nơi đi/đến.

“Sở giao thông vận tải phải có trách nhiệm thực hiện công tác hậu kiểm. Nếu không đảm bảo theo yêu cầu thì sẽ dừng kinh doanh…,” người đứng đầu ngành giao thông khẳng định.

Ngoài ra, với lái xe khách giường nằm, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu theo hướng giảm thời gian 3 năm kinh nghiệm, siết chặt đào tạo đầu ra. Với khám sức khỏe lái xe, sẽ quy định thời hạn là một năm nhưng phải đảm bảo việc khám sức khỏe nghiêm túc.

Khẳng định, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhận được sự quan tâm và chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ để thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đúng luật, đưa kinh tế-xã hội phát triển, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải xin tiếp thu và sẽ giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp bởi hiệu quả của doanh nghiệp cũng là hiệu quả của quản lý Nhà nước, của ngành giao thông vận tải, không vì lý do không quản được mà cấm.

Bộ trưởng yêu cầu các Thứ trưởng theo lĩnh vực phân công cùng các cơ quan của Bộ giải quyết các vấn đề khó khăn liên quan đến các doanh nghiệp ngay trong tháng Bảy này. Những gì liên quan đến luật thì Bộ sẽ tiếp thu trình Chính phủ, Quốc hội để sửa đổi, bổ sung luật.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Bộ Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát kinh doanh vận tải; xe quá tải; đào tạo cấp giấy phép lái xe; giáo dục nâng cao tinh thần đạo đức của lực lượng thực thi công vụ không bao che dung túng, xử phạt nghiêm minh, đảm bảo công khai, minh bạch.

​Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng trong tất cả các lĩnh vực, xã hội hóa đường thủy về cảng và luồng, thông thoáng thủ tục, hạ tầng đảm bảo cho đường thủy hàng hải và đường sắt…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục