Đại biểu Quốc hội: Nếu nông nghiệp yếu thì dân sẽ "xài" hàng ngoại

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh thì sản phẩm của Việt Nam sẽ thua trên sân nhà, tạo cơ hội cho hàng nước ngoài phát triển.
Đại biểu Quốc hội: Nếu nông nghiệp yếu thì dân sẽ "xài" hàng ngoại ảnh 1Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đang trả lời báo chí (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại, đem lại nhiều cơ hội về thị trường, nhưng việc nâng cao năng lực cạnh tranh thì vẫn còn chậm.

Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, đại biểu Trần Hoàng Ngân đã có cuộc trao đổi với phóng viên về tình hình kinh tế xã hội cũng như những yếu tố tác động của hội nhập đến doanh nghiệp.

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về báo cáo Kinh tế xã hội năm 2014 mà Chính phủ vừa trình bày trước Quốc hội?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Tôi có một kiến nghị với Chính phủ về gói hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận vốn trung và dài hạn, với lãi suất thấp, nhưng ổn định trong 5-10 năm, để có nguồn vốn mua máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cần thiết phải làm việc này bởi chúng ta đã hội nhập sâu với kinh tế thới giới nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tôi đã kiến nghị điều này tại nhiều kỳ họp của Quốc hội, tại sao doanh nghiệp vừa và nhỏ cứ đóng cửa, ngừng hoạt động nhiều, có thể thấy là vì họ không đủ năng lực cạnh tranh, thậm chí dễ tạo ra ô nhiễm, máy móc thiết bị cũ… vì họ không có tiền đổi mới công nghệ, tiếp cận vốn khó, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn…

Nếu cứ để cho ngân hàng phải tự lo thì vấn đề trên khó giải quyết tận gốc, vì phía ngân hàng cũng là doanh nghiệp và khi vay cũng phải tính đến yếu tố an toàn, do vậy lãi suất của ngân hàng cũng phải theo thị trường.

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp lại không thể có nguồn vốn trung và dài hạn để có thể đầu tư mua máy móc, đổi mới thiết bị nên họ chỉ có thể mua máy móc đã qua sử dụng, cũng như các loại máy rẻ tiền từ các nước lân cận, do vậy không thể tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh... Từ phân tích đó, theo tôi chúng ta phải có nguồn vốn mạnh để hỗ trợ.

- Vậy theo ông nếu có gói hỗ trợ thì ngân hàng thương mại làm việc này hay Ngân hàng Phát triển?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Chính phủ sẽ cân nhắc việc này, nếu giao ngân hàng thương mại thì Chính phủ phải hỗ trợ về lãi suất cũng như có hình thức bảo lãnh phù hợp để doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn vay đó.

Nếu dùng từ gói hỗ trợ có thể không tạo ra động lực, mà nên coi việc này là một nhóm hành động, một nhóm giải pháp cụ thể, để có thể giải quyết bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

- Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại nếu không tiếp cận được nguồn vốn, với xu thế hội nhập sâu như hiện nay, chúng ta sẽ thế nào?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Nếu không chuẩn bị tốt thì có thể hàng hóa nước ngoài sẽ chiếm ưu thế trên chính thị trường của chúng ta. Đơn cử như việc chuẩn bị vào cộng đồng chung ASEAN (AEC) trong năm 2015 này thì nhiều doanh nghiệp Thái Lan họ đã chuẩn bị kế hoạch rất kỹ về nghiên cứu thị trường, thậm chí cả tiếng Việt họ cũng chuẩn bị rất tốt để có thể làm ăn với phía Việt Nam.

Từ thực tế trên cho thấy, dù chúng ta ký kết nhiều hiệp định thương mại nhưng nếu chuẩn bị tốt thì mới đem lại nhiều lợi ích, ngược lại sẽ rất khó khăn.

- Hiện tại Nhà nước cũng có hỗ trợ lãi suất như lãi suất sau đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, theo ông những nguồn hỗ trợ trên có phát huy được hiệu quả cho doanh nghiệp không?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Hiện nay những gói hỗ trợ đó còn khiêm tốn, thậm chí khi tiếp cận với nhiều doanh nghiệp họ còn không biết điều kiện được vay như thế nào, do chúng ta chưa có hướng dẫn cụ thể.

Năm 2013, Nhà nước đã có quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Quyết định 601/CP của Chính phủ, nhưng đến thời điểm hiện nay hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn, lượng giải ngân thấp.

- Vậy ông có kiến nghị gì với Quốc hội để có thể tái cơ cấu nền kinh tế tốt hơn?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Tôi vẫn theo đuổi kiến nghị liên quan đến việc ra Nghị quyết về tình hình nông nghiệp và nông dân. Vì nền nông nghiệp muốn phát triển cần đảm bảo các yếu tố quan trọng sau: trước hết là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tiếp đến là vấn đề an sinh xã hội. Hiện chúng ta có khoảng 60 triệu dân sống ở nông thôn, trong khi đó nền nông nghiệp lại gặp nhiều khó khăn.

Lĩnh vực nông nghiệp là nơi đảm bảo ổn định cuộc sống nhưng tại sao đến giờ vẫn chưa có Nghị quyết của Quốc hội để tập trung hỗ trợ vào lĩnh vực đó và trong xu thế hội nhập tới đây, nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều thời cơ nhất, nhưng lại đang trở thành yếu nhất.

Nếu nông nghiệp yếu ớt thì dân mình lại bỏ tiền ăn thịt bò Úc, xài hàng ngoại, lương thực nước ngoài, vì tất cả hàng hóa nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam khi mở cửa với thế giới.

Ngoài ra, lĩnh vực chăn nuôi cũng vậy, chi phí rất cao, giá thành lớn, nếu mở cửa người dân sẽ ưu tiên chọn hàng nào giá rẻ, có thương hiệu.

- Như vậy, phải chăng nông dân sẽ thất nghiệp nhiều hơn khi mở cửa hội nhập sâu với thế giới?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Nông dân sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn. Từ việc gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chúng ta đã thấy, Việt Nam nhập siêu liên tục và bây giờ lại ký hàng loạt các hiệp định như: TPP, FTA... thì sẽ tiếp tục khó khăn hơn.

Xu thế là đúng, nhưng phải chuẩn bị kỹ về kinh tế nhất là năng lực cạnh tranh và tìm ra điểm tựa bền vững cho nông nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì hai khía cạnh này sẽ là hai trụ đỡ chính của nền kinh tế Việt Nam.

Chúng ta có thể thấy trước mắt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dù tiếp tục giúp chúng ta tăng trưởng nhưng nếu có sự cố hoặc khủng hoảng trong nền kinh tế thế giới khi đó khu vực này sẽ bị ảnh hưởng, lúc đó dòng vốn có thể bị rút ra, lúc đó sẽ tác động đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

- Thời điểm hiện nay liệu việc hỗ trợ lãi suất và vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có vi phạm các cam kết về hội nhập không thưa ông?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Hiện nay, các nước trước khi hội nhập, họ có nhiều cách để hỗ trợ trong nước. Chúng ta phải hiểu việc hỗ trợ nông nghiệp không chỉ là hỗ trợ lãi suất.

Ví dụ, chúng ta có thể rà soát lại quy hoạch, điều tiết việc cung cấp sản phẩm cho hợp lý nhất để tránh câu chuyện được mùa mất giá. Ngoài ra, khi quy hoạch phải có sự phân công, cụ thể là trách nhiệm giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay chính quyền địa phương các cấp phải phụ trách những khâu nào và làm đến đâu, khi xảy ra vấn đề cần có người đứng ra điều phối.

Trong vấn đề quy hoạch, phải đảm bảo tính thực thi, tránh phá vỡ quy hoạch. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ nhằm nhân rộng các mô hình tiến tiến, mô hình hợp tác xã mới, cánh đồng mẫu lớn ra sao, tổ chức sản xuất, chế biến sau thu hoạch, bảo quản như thế nào… tất cả những vấn đề đó theo tôi cần được cụ thể hóa thành các văn bản luật và nằm trong Nghị quyết của Quốc hội.

Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục