Dấu ấn đương đại trong vở nhạc kịch "Mảnh trăng cuối rừng"

Vở nhạc kịch "Mảnh trăng cuối rừng" được dàn dựng mang dấu ấn đương đại bởi dàn nghệ sỹ trẻ, khắc họa vẻ đẹp lãng mạn của tình yêu giữa sự khốc liệt của chiến tranh.
Dấu ấn đương đại trong vở nhạc kịch "Mảnh trăng cuối rừng" ảnh 1Một cảnh trong vở nhạc kịch ''Mảnh Trăng cuối rừng.''

Ngay sau khi vở nhạc kịch ''Mảnh Trăng cuối rừng'' được công diễn và truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, phóng viên đã có dịp gặp và trò chuyện cùng nhạc sỹ An Thuyên, cố vấn nghệ thuật của chương trình.

- Ở Việt Nam, nhạc kịch không mang tính phổ thông, với tư cách là một nhạc sỹ, xin ông giải thích khái niệm về nhạc kịch?

Nhạc sỹ An Thuyên: Ở Việt Nam mình, nhiều người coi nhạc kịch là một cái gì đó mới mẻ. Nhưng thực chất, các loại hình nghệ thuật truyền thống của mình gần đúng với nhạc kịch như tuồng, chèo, cải lương.

Tất nhiên, theo quan niệm của châu Âu thì nhạc kịch là kịch trong nhạc, ở Việt Nam là truyện kịch, âm nhạc là cái đưa đẩy. Tuồng, chèo, cải lương cũng là một loại kịch hát nhưng mà hát dân gian.

Nhạc kịch là kịch trong nhạc, nhạc của kịch truyền tải nội dung, ý tưởng, tư tưởng, cốt truyện, thông điệp đến với người nghe bằng âm nhạc thông qua sân khấu ca nhạc, nó bao gồm cả hát, cả thanh nhạc ,cả giàn nhạc giao hưởng. Nói chung, nó có cả cảnh trí, ánh sáng, tất cả các điều kiện của sân khấu làm nên đều hoạt động đầy đủ cả.

Tóm lại, nhạc kịch là một thể loại rất là cao, tổng hợp rất nhiều thứ của sân khấu để nói, chuyển tải nội dung, với âm nhạc là chủ đạo

- Thói quen nghe nhạc kịch không phổ biến ở Việt Nam, vở nhạc kịch ''Mảnh Trăng cuối rừng'' vừa công diễn, với tư cách là cố vấn, ông đã làm thế nào để thu hút khán giả?

Nhạc sỹ An Thuyên: Thực ra cái này tôi có rất nhiều kinh nghiệm. Công chúng thì không nghe opera được nhiều, không tiếp cận nhiều, nhưng mà ta có tuồng, chèo, cải lương tiếp cận. Đấy là một truyền thống, văn hóa của mình, họ cũng hát cũng múa.

Khi tôi làm các vở nhạc kịch trước đây của tôi, tôi tiếp thu truyền thống này để người dân Việt Nam nghe hiểu được. Tôi giảm bớt phần lý trí, giảm bớt phần nặng nề về mặt âm nhạc.

Ví dụ như Aria, hợp xướng hoành tráng và tất cả những cái gì có tính chất học thuật thì mình giảm bớt đi, và mình đi vào cái giản dị hơn. Mấy vở trước của tôi người xem thích lắm. Thay vì hát tuồng, chèo, cải lương thì mình hát làn điệu mới, sáng tác mới của mình, nếu mà phù hợp thì tôi đưa vào.

Bông Mai cũng đã từng làm 5 vở nhạc kịch ngắn đưong đại cho truyền hình rồi. Trong chương trình Bài hát Việt, Bông Mai cũng rất có kinh nghiệm, nó giảm được phần âm nhạc như tôi nói và khi nghe vào thì rất là gần gũi, đặc biệt là nó gắn với thanh niên. Có pop, có rock, có tất cả hơi thở nó truyền lại.

Người nghe Việt Nam bình thường có thể nghe được, cảm nhận được, hiểu đựơc, vì ta có cốt truyện, mình kể truyện với âm nhạc bằng những gì rất là gần gũi. Bông Mai đang tuổi trẻ nên tôi tin tưởng vào hiệu quả tốt của những việc như thế này.

Theo kinh nghiệm của tôi, Bông Mai tiếp thu, cháu làm khác hơn một chút cái tôi đã từng làm, làm nên cái gì đó trẻ trung hơn, hiện đại hơn, đối tượng xem có thể mở rộng hơn. Cái đó là điều rất đáng mừng

- Nội dung vở nhạc kịch ''Mảnh Trăng cuối rừng'' là nói về chiến tranh. Tuy nhiên, nói về chiến tranh Việt Nam, thì người già chắc không thể quên, nhưng người trẻ thì họ chưa biết. Vậy vở nhạc kịch phải làm sao để giải quyết được khác biệt này của khán giả?

Nhạc sỹ An Thuyên: Vai trò cá nhân của tôi chỉ mang tính chất định hướng và có ý kiến ban đầu cho Bông Mai, muốn để cháu tự làm, hoàn toàn chủ động, chứ không có lái cháu theo hướng này, hướng nọ.

Thực ra, vở diễn có một yêu cầu xác định với nhau từ đầu, thứ nhất là mình tái hiện lại một phần cuộc chiến tranh oai hùng của dân tộc mình, thứ hai là để cho tuổi trẻ cảm nhận được chiến tranh. Đây là cách cảm nhận của tuổi trẻ thời bây giờ về chiến tranh. Chiến tranh đã đi xa mấy chục năm rồi, tất cả những vết thương chiến tranh trên đất nước mình cũng đã lành, nếu có còn thì chỉ là tinh thần thôi.

Đó là cái để cho tuổi trẻ hoàn toàn có thể tiếp cận, khai thác và cảm nhận bằng con mắt đương đại. Cho nên, trong qua trình làm, tôi cũng không chỉ đạo sát sao kể cả một số chi tiết. Nếu mà nó có một cái gì đó quá lắm thì mình mới nói con điều chỉnh thôi, còn để tự con sáng tác tự do lao động.

Truyện ngắn ''Mảnh Trăng cuối rừng'' là tác phẩm bất hủ của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Ngay từ thời chiến tranh khốc liệt đó, truyện ngắn ra đời là một đột phá trong văn học Việt Nam, bởi cái nhìn chiến tranh một cách rất đẹp.

Bên cạnh những tác phẩm hoành tráng, tất cả những cái gì anh hùng cách mạng rất là lớn lao, thì ''Mảnh Trăng cuối rừng'' này nó như một dải lụa mềm rất là đẹp, nó thể hiện tình yêu cuộc sống, khát vọng cuộc sống mãnh liệt ngay trong cái ác liệt nhất. Đấy là hình tượng và thành công rất lớn của Nguyễn Minh Châu.

Vở nhạc kịch này cố gắng khai thác nó, khai thác cái mảng đẹp và lãng mạn. Nói cho cùng, sau tất cả, cái còn lại là tình yêu. Chiến tranh tàn bạo dữ dội mấy thì cái còn lại là tình yêu. Ở cuộc sống đời thường cái đọng lại cũng là tình yêu. Đó là tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống. Bởi vậy, vở nhạc kịch cũng muốn khai thác cái cốt lõi đấy.

Có thể chiến tranh, có thể chết chóc, có thể mất mát, hy sinh, nhưng tình yêu cuộc sống thì không bao giờ mất được. Tình yêu lứa đôi, tình yêu đất nước quê hương không bao giờ mất. Người cụ thể có thể mất nhưng tình yêu thì vẫn còn.

Vở kịch này cố gắng khai thác cái còn lại của chiến tranh, cái còn lại phía sau những sự kiện của dân tộc, văn minh dân tộc, đó là tình yêu, đó là sự lạc quan. Cái còn lại của chiến tranh cuối cùng là văn hóa. Tình yêu là một văn hóa, hay hình tượng về chiến thắng, tất cả nó là một thứ văn hóa. Cho nên anh em văn nghệ sỹ bây giờ khai thác chính là khai thác chiến tranh bằng con mắt đương đại. Hãy khai thác vào cái đó, cái còn lại của những thành tựu, phía sau thành tựu lớn lao nó là con người, cố gắng theo sát nó và qua quá trình thì thấy là các cháu nó làm tốt.

- Ông đánh giá là vở nhạc kịch rất thành công, tại sao vậy?

Nhạc sỹ An Thuyên: Thứ nhất là đầu tư về mặt tư duy, các cháu làm tốt từ trong kịch bản, từ trong yếu tố âm nhạc, làm rất kỹ từng phần, từng bài.

Ngay cả quá trình đạo diễn cũng quen với các chuyên gia, cho nên huy động được rất nhiều chuyên gia với chuyên gia, đạo diễn người Thái Lan, một chuyên gia về ánh sáng, chuyên gia về sân khấu, đạo cụ phục trang của Thái Lan.

Bên Việt Nam có chuyên gia như nhạc sỹ Đức Trí, về âm nhạc là những người rất là giỏi về âm nhạc đượng đại bây giờ. Các diễn viên Đông Hùng, Phương Linh đóng vai chính là Lãm và Nguyệt cũng cố gắng rất là lớn. Các em đang hát nhạc pop, rock, nay đi vào vở diễn như thế này là một sự chuyển mình nhưng vẫn mang được tính pop, rock với tinh thần trẻ của các em. Thành ra nó cũng có lợi thế.

Lực lượng diễn viên nam nữ quần chúng là các em học sinh còn rất mới, rất trẻ của trường Nghệ thuật Quân đội. Có thể nói là miệt mài. Các em rất là thông minh, diễn một cách rất hồn nhiên. Thậm chí là cả đời chưa diễn bao giờ, lên sân khấu các đạo diễn chỉ đạo diễn cho thì nó rất hồn nhiên, cảm giác gặp lại đúng người trẻ năm xưa đi chiến trường. Đúng như tuổi trẻ thời đó luôn. Cũng bộ quần áo đấy, ý tứ ấy, khuôn mặt đấy thì trên sân khấu tái hiện lại được rất là thật.

Kịch bản khi đưa ra được mọi người ủng hộ ngay, tác giả đề nghị bao nhiêu tiền là kênh Truyền hình Quốc phòng và Viettel đáp ứng ngần ấy. Tất nhiên không phải quá nhiều nhưng trong điều kiện như thế này phải nói là rất quan tâm, không nề hà một cái gì.

Tác giả, đạo diễn, chuyên gia yêu cầu gì, diễn viên yêu cầu gì, chi phí làm sao, là được đáp ứng. Tôi cho là hết lòng và với một vở nhạc kịch mà các cháu làm để truyền hình trực tiếp ngay, phải nói là một cái nhìn rất giỏi, nếu không nhìn ra thì nó làm gì có những cái đầu tư.

Tôi thấy có mấy cái hay, đặc biệt là hát nhạc sống. Nhạc kịch nhưng hát có dàn nhạc của nhạc sỹ rất nổi tiếng là Hoàng Anh Minh, con trai nghệ sỹ piano nổi tiếng nhất Việt Nam.

Cách nghe nhạc và đánh trống từ đầu chí cuối là một cách làm rất mạnh dạn. Thường thường mix là phải thu băng, tập diễn trước rồi thu băng hát lấy mix thôi để an toàn.

Quyết tâm của Bông Mai là dứt khoát hát sống và mọi người hát sống hết tất cả. Cho đến hôm nay, mới thấy quyết định đó là đúng đắn.

Vở kịch này được tính đồng bộ, tổng thể kíp làm việc rất tin tưởng, diễn viên nhiệt tình. Một điều đặc biệt nữa là có phần tham gia của các cựu chiến binh, những người đã từng lái xe trực tiếp ở chiến truờng xưa. Hôm nay họ có mặt để diễn và nói về bản thân họ, cũng tạo một cái riêng. Thế hệ trước, thế hệ sau, thế hệ bây giờ, thế hệ hôm qua, nó gắn bó, nó quyện với nhau

- Một trong những điểm nhấn của vở nhạc kịch chính là ca khúc ''Mảnh Trăng cuối rừng'' của ông. Ông là tác giả có duyên với Trăng…

Nhạc sỹ An Thuyên: Thực ra viết về Trăng là một cái gì đó rất là hấp dẫn đối với mọi người nói chung, còn đối với tôi thì viết về Trăng là một tình yêu rất là lớn, từng có những tác phẩm nói về Trăng, gây ấn tượng tốt với công chúng Việt Nam.

Ngoài bài hát, thì góp lại cũng phải vài chục bài riêng về Trăng. Lần này làm nhạc kịch ''Mảnh Trăng cuối rừng,'' tôi có bàn với Bông Mai là có thể mình sử dụng những bài hát truyền thống của các nhạc sỹ trong thời kháng chiến đó. Thí dụ như ''Bài ca Trường Sơn,'' ''Những bước chân trên đỉnh Trường sơn,'' hay là ''Lê Anh Nuôi,'' ''Những cô gái mở đường,'' ''Anh quân bưu vui tính…''. Tất cả là nhằm tái hiện lại không khí kháng chiến lúc đó.

Nhưng vở nhạc kịch phải có một bài hát trụ đỉnh để nó giúp cho người nghe biết được ý định của mình. Vậy thì viết như thế nào? Tôi nói để ba viết cho, ba thích đề tài này.

Mình đọc truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu lúc nào cũng cảm giác mới, cho đến bây giờ vẫn thế. Mỗi lần đọc lại, cảm giác nó mới. Với cái cảm của từng thế hệ, chắc chắn thế hệ sau tôi nữa sẽ nhìn nó còn mới nữa, thế nên tôi thích viết về cái này.

Bài hát ''Mảnh Trăng cuối rừng'' được ra đời thì có mấy điểm mọi người cần chú ý. Đó là hình tượng âm nhạc, là một cái gì đó rất gần gũi, phảng phất một tí hiên ngang,. Nó có một cái gì đó âm nhạc thính phòng, có một phần học thuật nhưng chủ yếu là tính chất pop nhẹ, balat, xen suốt toàn bài hát.

Cũng có một suy nghĩ nữa là viết làm sao bài hát này sau khi mà tác phẩm nhạc kịch thực hiện rồi, thì bài hát có thể sống tiếp tục. Đến bây giờ cảm nhận đó có thể chính xác.

Điều thứ ba, lấy một bài hát nhưng có nhiều lời. Nhiều lời lúc để cho Lãm hát, lúc thì Nguyệt hát, lúc thì những người cựu chiến binh hát lại nó. Tuy nhiên nếu người nghe thẩm thấu âm nhạc tốt, xong vở diễn có thể thuộc tương đối bài hát này.

Về phần lời thì tôi cố gắng vẽ lên cái đẹp như tác phẩm ''Mảnh Trăng cuối rừng.'' Tôi hình dung người con gái này - Nguyệt - chính là bước ra từ Trăng, một là tên Nguyệt, hai là cái đẹp của người con gái tên Trăng.

Tóm lại bài hát này được hát đi hát đi hát lại nhiều lần để hy vọng với một ngôn ngữ gần gũi, cách phối khí của Hoàng Anh Minh và Đức Trí, cách hát của Đông Hùng với Phương Linh và cả cựu chiến binh nữa. Ta tưởng tượng màn hát cuối cùng các cựu chiến binh đứng hát ở đó như một cái liệu, nó vừa bi hùng sẽ gây ấn tượng. Tôi hy vọng bài hát này sẽ có cuộc sống riêng.

- ''Cắt nửa vầng Trăng'' và ''Mảnh Trăng cuối rừng'' khác nhau như thế nào, hoặc kế thừa hoặc bước tiếp như thế nào, thưa nhạc sỹ?

Nhạc sỹ An Thuyên: Mình viết được ''Mảnh Trăng cuối rừng'' này vì mình chính là người lính, mình đích thực là người lính, nên mình cảm nhận được người lính, cảm nhận được chiến tranh nó sẽ rất thật, nó như máu thịt của mình,cái đó là một cái nên mình viết được nó đầy cảm xúc.

Tôi viết nhiều tác phẩm về người lính và thành công như ''Bà mẹ Việt Nam anh hùng,'' ''Thơ tình của lính,'' ''Quân binh Tây Bắc,'' ''Hát ru,'' ''Người mẹ lính…'' ''Mảnh Trăng cuối rừng'' có một cái duyên nợ đó là viết về người lính.

Khác với ''Ca dao, em và tôi'' là ca dao về tình yêu, tình đời, nó có thêm một động lực đó là người lính. ''Ca dao, em và tôi'' cũng có chất lính trong đó nhưng chất ông đồ xứ Nghệ trong tôi nó bạo liệt. Người lính quyết liệt lắm, đi đến cùng. "Cắt nửa vầng Trăng" - cái này là điên khùng, mãnh liệt, quyết liệt, đến cùng chân lý của mình.

Có giống nhau, nhưng đến ''Mảnh Trăng cuối rừng,'' thuận lợi là viết về đề tài chiến tranh, về người lính như là viết về mình. ''Mảnh Trăng'' này là mảnh Trăng không bình yên của ''Mảnh Trăng cuối rừng,'' còn Mảnh Trăng của tôi là mảnh Trăng bình yên. ''Mảnh Trăng cuối rừng'' này không bình yên, nó rất mong manh, nó là thân phận của con người, nó được thử thách, nó được tôi luyện.

Tóm lại, thân phận con người có giữa cái sống và cái chết, đó cũng chính là yếu tố khác biệt, trong này chất nội tâm. Vầng Trăng của tôi là cái gì đó giai điệu đẹp, trữ tình và hơi buồn, man mác, chất nội tâm nhiều. Ánh Trăng của tôi là cái gì đó giai điệu đẹp, chất chữ tình, hơi buồn man mác. Đây chất nội tâm nhiều, nó có quyết liệt trong cuộc sống, quyết liệt trong tình yêu, khát vọng tình yêu trong này nó chứa chất chứa một điều người lính mọi chiến tranh.

Điều cuối cùng là chất đương đại. Con mắt nhìn đương đại so với ''Ca dao, em và tôi'' gần gũi với cuộc sống hôm nay. Nó vừa có quá khứ, nó vừa có hiện tại và tương lai và nó thật gần, có hy vọng, có nỗi niềm, có một chất chứa gì đó trong tình yêu cuộc sống. Và nhất là những lúc khó khăn gian khổ thì chắc chắn bài hát của mình sẽ rất gần, gần với con người.

- Xin ảm ơn nhạc sỹ về buổi trò chuyện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục