Dự án cửa Lạch Giang: Tháo điểm nghẽn cho giao thông thủy Bắc Bộ

Đường thủy cửa Lạch Giang (Nam Định) giúp cho tàu pha sông biển có trọng tải 1.000 tấn đến các cảng trên sông Hồng và 2.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Ninh Cơ và cảng Ninh Phúc.

Ông Lê Huy Thăng, Tổng giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết đến thời điểm này, các gói thầu của dự án cửa Lạch Giang tại Nam Định đã cơ bản hoàn thành.

Dự kiến đầu tháng 12, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đưa dự án này vào khai thác.

Bên cạnh đáp ứng thời hạn của Hiệp định vay vốn ký với Ngân hàng thế giới (WB) sẽ kết thúc vào 31/12, việc dự án hoàn thành đúng thời hạn còn góp phần tháo điểm nghẽn cho vận tải thủy khu vực đồng bằng Bắc Bộ phát triển.

Theo Tổng giám đốc Lê Huy Thăng, đường thủy cửa Lạch Giang là dự án cải tạo cửa sông có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy nội địa khu vực và kết nối giao thông thủy nội địa khu vực Bắc Bộ với cả nước thông qua hình thức vận tải pha sông biển, giúp cho tàu pha sông biển có trọng tải 1.000 tấn đến các cảng trên sông Hồng và 2.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Ninh Cơ và cảng Ninh Phúc. Dự án có tổng cộng tám gói thầu, gồm các hạng mục đê chắn sóng, nạo vét luồng, kè bờ bãi đổ thải...

Điều đáng nói, cách đây hơn một năm, mặc dù dự án đã đi hết 1/3 thời gian nhưng tiến độ rất chậm. Thời điểm đó, đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã nhiều lần xuống hiện trường trực tiếp chỉ đạo tiến độ dự án. Bộ trưởng yêu cầu nếu không có cải thiện về tiến độ sẽ thay lãnh đạo Ban Quản lý các dự án. Nhờ chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải và sự cố gắng của Ban quản lý các dự án đường thủy, tiến độ dự án cụm công trình cửa Lạch Giang đã về đích.

Chia sẻ với phóng viên, Tổng giám đốc Lê Huy Thăng cho biết, nguyên nhân khiến dự án trước đây bị chậm là do địa hình, thủy văn khu vực này rất phức tạp, đúng theo nghĩa “cửa tử” mà nhân dân địa phương đã đặt cho cửa Lạch Giang, bởi đây là khu vực cửa biển, hàng năm từ tháng 3-6 có gió Nam rất mạnh, sóng biển lớn, gần như không thể thi công. Cộng với địa hình cửa biển dốc, sóng vỡ, đa chiều khiến việc đưa thiết bị thi công loại lớn vào thì mắc cạn, nhỏ thì dễ bị trôi, lật. Đã nhiều lần phương tiện thi công bị lật hay thiết bị bị chìm, trôi mất...

Một điều đáng ghi nhận tại dự án này là quan điểm kỹ thuật của lãnh đạo Ban quản lý các dự án đường thủy khi cương quyết thực hiện giải pháp dùng vải địa kỹ thuật (một giải pháp ít tốn kém hơn) để xử lý nền đất yếu, thay vì dùng vật liệu cát như đơn vị tư vấn giám sát của dự án đề nghị đã giúp giảm kinh phí cho dự án nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu chất lượng mà WB và Bộ Giao thông Vận tải đề ra.

“Nếu chấp nhận yêu cầu của tư vấn giám sát là thay nền đất yếu bằng cát, dự án sẽ bị đội chi phí lên ít nhất 1,5-2 lần và bị chậm tiến độ. Còn với giải pháp mà Ban quản lý dự án đưa ra, dự án không bị đội chi phí và giữ nguyên tính ổn định, đảm bảo chất lượng đề ra," Tổng giám đốc Lê Huy Thăng chia sẻ.

Sau khi đi kiểm tra dự án, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhận xét, nếu Ban quản lý dự án không có sự quyết liệt, dám thay đổi giải pháp kỹ thuật đột phá sẽ không thể đạt được kết quả trên.

Có thể nói, tại dự án cụm công trình thủy cửa Lạch Giang còn nhiều giải pháp kỹ thuật được đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam đưa ra giúp tiết kiệm được chi phí như biện pháp “cuộn tạo vòm” các trụ bêtông khối rỗng Haro, khác với cách xếp theo hình có cạnh thẳng, bẻ góc mà các dự án khác trên thế giới vẫn làm. Như vậy, giải pháp xếp định vị theo phương pháp “cuộn tạo vòm” chỉ duy nhất có tại dự án cụm công trình Lạch Giang. Giải pháp này phù hợp để chắn sóng, cát, tạo độ ổn định, sự mềm mại và kiểm soát được việc duy tu công trình.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép Ban quản lý các dự án đường thủy được xây đài kỷ niệm tại cụm công trình Luồng qua cửa Lạch Giang nhằm tạo điểm nhấn cho dự án và góp phần phát triển du lịch cho địa phương.

Dự án cụm công trình thủy qua cửa Lạch Giang được động thổ ngày 23/2/2014 với tổng mức đầu tư 110 triệu USD thuộc Dự án phát triển giao thông vận tải đồng bằng Bắc bộ (WB6) do WB cho vay vốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục