EU-Israel bàn về đàm phán hạt nhân sắp tới với Iran

Đại diện EU, bà Catherine Ashton gặp Thủ tướng Israel Netanyahu thảo luận về cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới giữa Iran và nhóm P5+1.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton ngày 9/5 đã tới Jerusalem và gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức).

Tham dự cuộc gặp còn có Ngoại trưởng Israel Avigdor Liebeman, Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak và Phó Thủ tướng sắp được bổ nhiệm, ông Shaul Mofaz - Chủ tịch đảng đối lập Kadima tại Israel.

Theo một quan chức trong chính quyền Israel, tại cuộc gặp, Thủ tướng Netanyahu đã nêu rõ quan điểm của Israel rằng Iran cần nhất trí, với thời gian biểu thực hiện rõ ràng, về 3 điểm: ngừng mọi hoạt động làm giàu uranium, chuyển khỏi Iran tất cả các nguyên liệu đã được làm giàu và dỡ bỏ cơ sở hạt nhân ngầm trong lòng núi ở Qom.

Ông Netanyahu nhấn mạnh chỉ khi Tehran nhất trí thực hiện những điểm này thì tiến trình đàm phán mới được coi là đạt tiến triển, đồng thời bày tỏ quan ngại rằng các cuộc đàm phán sắp tới với Iran có thể sẽ không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Theo ông, Tehran đang "câu giờ" và hoàn toàn không có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Trước đó, ngày 14/4, Iran và nhóm P5+1 đã tiến hành đàm phán tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau vòng đàm phán này, EU cho biết bầu không khí đàm phán khá xây dựng, đồng thời bày tỏ lạc quan về khả năng sớm đạt được một cam kết từ phía Iran.

Theo kế hoạch, vòng đàm phán tiếp theo giữa hai bên sẽ diễn ra ngày 23/5 tới tại thủ đô Baghdad của Iraq.

Hồi tháng 1/2011, cũng tại Istanbul, Iran và nhóm P5+1 cũng đã tổ chức đàm phán hạt nhân, nhưng không đạt kết quả do Tehran từ chối ngừng các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy viện trợ về công nghệ và thương mại.

Cho đến nay, Liên hợp quốc đã áp đặt 4 đợt trừng phạt Iran vì nghi ngờ nước này tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân thông qua phát triển công nghệ và hoạt động làm giàu urani. Mỹ, EU và một số nước khác cũng đang áp đặt lệnh cấm vận đối với các ngân hàng, thể chế tài chính và ngành dầu mỏ của Iran để gây sức ép buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục