Google liên tục đánh tiếng muốn trở lại thị trường Trung Quốc

Sáu năm sau khi bị buộc rời khỏi Trung Quốc, các quan chức cấp cao của Google đã liên tiếp đánh tiếng muốn quay lại thị trường Internet lớn nhất thế giới này.
Google liên tục đánh tiếng muốn trở lại thị trường Trung Quốc ảnh 1

Google lại một lần nữa đánh tín hiệu mong muốn quay trở lại thị trường Trung Quốc, sau sáu năm sau khi "gã khổng lồ Internet" này rút công cụ tìm kiếm của mình ra khỏi Trung Quốc Đại lục và ngừng duyệt các kết quả tìm kiếm Internet theo yêu cầu của luật pháp Trung Quốc.

"Chúng tôi rời đi năm 2010 vì họ [nhà chức trách Trung Quốc] đã có quy định nghiêm ngặt về kiểm duyệt," ông Eric Schmidt, chủ tịch Alphabet - công ty mẹ của Google cho biết trong một cuộc phỏng vấn báo chí tại một sự kiện ở New York. "Chúng tôi vẫn đang cố gắng. Tôi dành rất nhiều thời gian cố gắng để mở lại [văn phòng ở Trung Quốc]."

Trong tuần này, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai đã có tuyên bố mạnh mẽ về thị trường Trung Quốc.

"Tôi quan tâm phục vụ người sử dụng ở mọi nơi trên toàn cầu. Google là dành cho tất cả mọi người," ông Pichai nói ở Hội nghị Mã nguồn (Code). "Chúng tôi muốn có mặt ở Trung Quốc để phục vụ người dùng Trung Quốc."

Trong nhiều năm qua, Google đã công khai mong muốn mở rộng thị trường ở Trung Quốc, nhưng họ đã không đưa ra chi tiết cụ thể và cũng không có ý định nhượng bộ để đánh đổi việc quay trở lại. 

Google đã có một số động thái gần đây ở Trung Quốc. Trong tháng 10, Google đã thực hiện thương vụ đầu tư trực tiếp đầu tiên tại nước này kể từ năm 2010, vào công ty trí tuệ nhân tạo Mobvoi. Và Google hy vọng sẽ mở một phiên bản gian hàng ứng dụng di động Google Play dành riêng cho thị trường Trung Quốc để khai thác thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới.

Google hiện vẫn có sức ảnh hưởng ở thị trường Internet lớn nhất thế giới. Nó được thể hiện qua hệ điều hành Android đang được chạy trên hầu hết các điện thoại thông minh bán chạy hàng đầu ở Trung Quốc và Google vẫn đang điều hành một hệ thống kinh doanh điện thoại di động và quảng cáo quan trọng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Google không còn cung cấp dịch vụ tìm kiếm trên Internet, và đã "nhường sân" cho đối thủ cạnh tranh trong nước Baidu, và điện thoại chạy Android thiếu các ứng dụng quen thuộc của Google. Nhà chức trách Trung Quốc được cho là đã chặn các dịch vụ Gmail, dịch vụ tìm kiếm và YouTube của Google.

Google không phải trường hợp "đại gia" công nghệ duy nhất bị "cấm cửa" ở Trung Quốc nhưng vẫn nuôi tham vọng xâm nhập vào thị trường này. Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg thường xuyên tiếp cận và vận động hành lang với các cơ quan chức năng của chính phủ Trung Quốc nhưng đến giờ Facebook vẫn bị cấm.

Khá khẩm hơn Google và Facebook, Apple đã vào được thị trường Trung Quốc và biến thị trường này trở thành thị trường tiêu thụ iPhone lớn thứ hai sau Mỹ. Nhưng gần đây, Apple đã nhận ra Trung Quốc không phải là "miếng bánh dễ nhằn" khi doanh số iPhone của hãng bị chính thị trường này kéo tụt lần đầu tiên sau 13 năm tăng trưởng liên tiếp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục