Hy Lạp hoãn tăng thuế tại một số nơi ảnh hưởng bởi làn sóng di cư

Với 259 phiếu thuận trong tổng số 300 ghế, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua đề xuất hoãn tăng thuế doanh thu trên một số đảo bị tác động bởi làn sóng người di cư.
Hy Lạp hoãn tăng thuế tại một số nơi ảnh hưởng bởi làn sóng di cư ảnh 1Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (phía trước) phát biểu tại một phiên họp Quốc hội ở Athens. (Nguồn: AP/TTXVN)

Ngày 21/12, với 259 phiếu thuận trong tổng số 300 ghế, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua đề xuất hoãn tăng thuế doanh thu trên một số đảo bị tác động bởi làn sóng người di cư, một biện pháp từng gây nhiều tranh cãi đối với các chủ nợ quốc tế của quốc gia Nam Âu này.

Việc hoãn tăng thuế là một phần trong chính sách hỗ trợ của Chính phủ Hy Lạp được công bố hồi đầu tháng này cùng với việc hỗ trợ duy nhất một lần cho những người nghèo nhất trong nhóm hưởng lương hưu, sau khi Chính phủ Hy Lạp ghi nhận mức thặng dư thuế 1 tỷ euro.

Theo chính sách mới, từ nay đến năm 2018, Chính phủ Hy Lạp chưa triển khai việc tiếp tục áp thuế doanh thu ở mức tối đa 17% đối với các đảo của Hy Lạp nằm ở phía Đông biển Aegean (Lesbos, Chios, Samos, Leros và Kos) và mức 24% đối với các khu vực còn lại trên lãnh thổ nước này.

Giới chức Hy Lạp cho biết các đảo trên vốn là những khu vực phải chứng kiến dòng người di cư và tị nạn ồ ạt đổ về trong năm 2015 và năm nay vẫn tiếp tục phải hỗ trợ hơn 16.000 trường hợp tạm trú tại các lán trại tị nạn đông đúc.

Trước đó, Thủ tướng Alexis Tsipras khẳng định chính sách của Chính phủ Hy Lạp trong nhiệm kỳ này là nhằm hướng tới mục tiêu "trao lại từng euro thặng dư cho những người nghèo nhất." Tuy nhiên, giới chức ​Hy Lạp ước tính quyết định này sẽ khiến nguồn thu ngân sách hụt đi khoảng 50 triệu euro (52 triệu USD).

Trong khi đó, các định chế tài chính quốc tế cho Hy Lạp vay nợ, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lại khẳng định họ chưa được thông báo đầy đủ về kế hoạch của Thủ tướng Tsipras trước khi nhà lãnh đạo Hy Lạp ra tuyên bố trên.

Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro (Eurogroup) hôm 14/12 vừa qua cũng đã quyết định ngừng giảm nợ cho Hy Lạp sau khi chính phủ nước này công bố kế hoạch tăng tiền trợ cấp cho người về hưu. Theo Eurogroup, quyết định này của Thủ tướng Tsipras có thể vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận về gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp trị giá 86 tỷ euro, được các chủ nợ quốc tế thông qua hồi tháng 7/2015.

Hiện nợ công Hy Lạp đã vượt ngưỡng 300 tỷ euro, tương đương 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bất chấp ba chương trình hỗ trợ tài chính liên tiếp của EU và IMF được triển khai từ năm 2010. Cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp ngày càng phức tạp do Eurozone và IMF vẫn đang tranh cãi về cách thức làm thế nào để thúc đẩy Hy Lạp thực thi những cải cách cứng rắn hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục