Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội lý giải chi phí quản lý hơn 7.000 tỷ đồng

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã lý giải nguyên nhân khiến chi phí quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội tăng cao và khẳng định vấn đề này không liên quan đến việc đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội lý giải chi phí quản lý hơn 7.000 tỷ đồng ảnh 1Giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1/3, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã lý giải nguyên nhân chi phí quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội tăng và khẳng định vấn đề chi phí quản lý và việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không liên quan đến nhau.

Liên quan đến thông tin kết quả kiểm toán nhà nước cho thấy chi phí của quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong 2015 lên tới 7.407 tỷ đồng, tăng 75,8% so với năm 2014. Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam lý giải, thực chất dự toán kế hoạch chi của năm 2015 được Thủ tướng phê duyệt chỉ 6.560 tỷ đồng, tăng 59% so với kế hoạch năm 2014. Mức tăng này chủ yếu dành cho việc thực hiện một số nhiệm vụ mang tính cấp bách và cần thiết mà năm 2014 và các năm trước đó chưa được bố trí kinh phí.

Ông Phạm Lương Sơn cho biết, cụ thể Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chi cho công tác tuyên truyền bảo hiểm thất nghiệp, nhờ công tác này mà năm 2015, các đối tượng tham gia có kết quả hết sức khích lệ và thuyết phục. Thứ hai là chi đẩy mạnh cải cách hành chính, giao dịch điện tử, việc này giúp giảm đáng kể thủ tục hành chính, giảm số giờ giao dịch với mục tiêu xuống còn 45 giờ. Tiếp đến là chi ứng dụng công nghệ thông tin theo yêu cầu của Quốc hội. Cuối cùng là chi phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Khi đối tượng tham gia tăng, đối tượng thụ hưởng tăng thì yêu cầu cũng phải tăng chi.

“Thực chất chi cho quản lý bảo hiểm xã hội chỉ tăng 6% so với năm 2014. Quá trình lập dự toán và trình duyệt dự toán hết sức chặt chẽ, theo đúng tinh thần chi tiết kiệm, hiệu quả. Toàn bộ kinh phí theo dự toán và được Thủ tướng giao là phục vụ chi cho các chính sách và các đối tượng thụ hưởng chế độ bảo hiểm”, ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh.

Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét cân nhắc kéo dài tuổi nghỉ hưu thực chất là nhằm đảm bảo cho vấn đề an toàn lâu dài cho quỹ bảo hiểm hưu trí của Quỹ Bảo hiểm xã hội. Theo ông Phạm Lương Sơn, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội và việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không liên quan đến nhau.

Trước đó, ngày 27/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thông tin chi phí hệ thống bảo hiểm xã hội quá lớn và phải tính đến giải pháp kéo dài tuổi hưu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục