Lắp hộp đen taxi: Hiệp hội xin lùi, Tổng cục bảo lưu lộ trình!

Trước ngày 1/7, xe taxi phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Nhưng đến thời điểm này, Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh lại xin lùi thời hạn kiểm tra việc lắp đặt sang tháng 3/2016.
Lắp hộp đen taxi: Hiệp hội xin lùi, Tổng cục bảo lưu lộ trình! ảnh 1Xe taxi sẽ tiến tới lắp hộp đen và in hóa đơn tiền cước. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, lộ trình trước ngày 1/7, xe taxi phải gắn thiết bị giám sát hành trình (GPS-hộp đen).

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh lại xin Bộ Giao thông Vận tải lùi thời hạn kiểm tra việc lắp thiết bị giám sát hành trình đến đầu tháng 3/2016 để các doanh nghiệp taxi có thời gian triển khai thực hiện.

Chưa lắp GPS vì đã có phần mềm tương đồng

Giải thích về lý do chậm triển khai lắp GPS, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, Hiệp hội taxi Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai giới thiệu một số phần mềm ứng dụng quản lý điều hành taxi tới các đơn vị thành viên.

Cụ thể, báo cáo của Hiệp Hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, đến nay, tại thành phố đã có 7 đơn vị thành viên của Hiệp hội thực hiện với gần 10.000 xe taxi trong đó, công ty Taxi Mai Linh đã công bố thử nghiệm từ tháng Ba; Vinasun bắt đầu thực hiện từ giữa tháng Sáu vừa qua cho các tỉnh, thành có xe của hãng hoạt động như Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và từ giữa tháng Chín mới thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty taxi Sài Gòn sân bay, taxi Cửu Long, Hoàng Long đã triển khai phần mềm quản lý đáp ứng được tiêu chí về hộp đen, hiện đang nghiên cứu để triển khai với hành khách qua điện thoại về sử dụng phần mềm gọi xe.

Theo các đơn vị tư vấn, các phần mềm này đều có tính năng giám sát hành trình thỏa mãn các yêu cầu quản lý theo quy định của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.

“Do phần mềm quản lý mới mẻ, đa số sản phẩm của các đơn vị trong nước thực hiện nên đòi hỏi phải có thời gian chạy thử nghiệm đồng thời phần mềm phải đảm bảo tính đồng bộ với các thiết bị đã có như đồng hồ tính tiền, thiết bị in hóa đơn sắp tới sẽ triển khai. Vì vậy, nếu lắp đặt trước hộp đen sẽ lãng phí một số tiền lớn do phần mềm quản lý taxi sẽ phải thiết kế đồng bộ với thiết bị giám sát hành trình,” ông Tạ Long Hỷ phân tích.

Hơn nữa, theo ông Tạ Long Hỷ, thời gian lắp đặt GPS xong trước tháng Bảy là quá ngắn, không đủ để thực hiện. Do đó, Hiệp hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho phép lùi thời gian triển khai các nội dung liên quan thiết bị giám sát hành trình đến đầu tháng 3/2016 để các doanh nghiệp taxi có thời gian triển khai thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, Hiệp hội cũng đã nhận được văn bản của Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh xin lùi thời gian kiểm tra các nội dung liên quan đến thiết bị giám sát hành trình trên xe taxi.

Lắp hộp đen taxi: Hiệp hội xin lùi, Tổng cục bảo lưu lộ trình! ảnh 2Việc lắp đặt GPS là cần thiết để phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo ông Thanh, sau khi nghiên cứu tình hình cụ thể các đơn vị kinh danh vận tải taxi trên phạm vi cả nước, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nhận thấy các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi đã rất cố gắng triển khai việc lắp đặt GPS trên xe.

Tuy vậy, vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng đánh giá, do số lượng xe taxi trên cả nước quá lớn (gần 50.000 xe) nên tiến độ lắp đặt GPS không đảm bảo. Mặt khác, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi đang thí điểm lắp đặt phần mềm quản lý kết hợp với thiết bị in hóa đơn trong đó có bộ phận thay thế GPS sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

“Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ cho phép lùi thời hạn kiểm tra và xử lý vi phạm những nội dung liên quan đến thiết bị giám sát hành trình với lái xe để tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động ổn định," ông Thanh kiến nghị.

Tổng cục kiên quyết bảo lưu

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng taxi cũng đang tỏ ra băn khoăn bởi, nếu doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư trang thiết bị và phần mềm có tính năng thỏa mãn được các quy định như GPS thì có cần phải gắn GPS như quy định của Nghị định 86 của Chính phủ và Thông tư 63 của Bộ Giao thông Vận tải nữa hay không?

Vì vậy, Hiệp hội taxi Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho phép doanh nghiệp không cần gắn thêm thiết bị GPS khi đã đầu tư trang thiết bị phần mềm thỏa mãn các quy định như GPS. Doanh nghiệp vận tải taxi nào không tiến hành áp dụng phần mềm quản lý taxi như đã nêu trên thì phải lắp đặt thiết bị GPS đúng theo như quy định của Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Nghị định 86 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, lộ trình lắp đặt GPS đối với xe taxi đến ngày 1/7/2015. Như vậy, kể từ khi Nghị định có hiệu lực đến thời hạn phải lắp thiết bị là bảy tháng.

“Với khoảng thời gian này, các doanh nghiệp hoàn toàn chủ động và có đủ thời gian để triển khai lắp GPS lên phương tiện,” ông Nguyễn Văn Quyền đánh giá.

Qua theo dõi tình hình lắp GPS đối với xe taxi tại các địa phương, đến nay, hầu hết các tỉnh thành đang triển khai lắp đặt theo đúng quy định, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện lắp đặt từ những năm trước đây, một số địa phương đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị lên phương tiện.

Đối với đề nghị gia hạn thời gian triển khai lắp GPS, Tổng cục Đường bộ cho rằng, việc các doanh nghiệp taxi triển khai phần mềm quản lý điều hành taxi có kết hợp GPS là cần thiết để phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, việc triển khai lắp đặt hộp đen không phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có triển khai phần mềm quản lý taxi hay không. Hơn nữa, việc thiết kế phần mềm phải đồng bộ với thiết bị GPS. Vì vậy, việc lắp đặt GPS mang tính bắt buộc để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của phần mềm quản lý taxi thì cần thiết phải triển khai lắp đặt thiết bị GPS trước trên cơ sở dữ liệu từ thiết bị GPS mới thực hiện thiết kế phần mềm phù hợp với yêu cầu quản lý của doanh nghiệp,” ông Nguyễn Văn Quyền cho biết.

Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến đối với Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh tuyên truyền, đôn đốc các doanh nghiệp vận tải taxi việc lắp đặt thiết bị GPS theo đúng lộ trình quy định./.

Nghị định 86 quy định, trước ngày 1/7/2015, xe taxi phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Từ ngày 1/7/2016, xe taxi phải có thiết bị in hoá đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách.

Xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác. Từ ngày 1/1/2016, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có số xe tối thiểu là 10 xe; riêng đối với đô thị loại đặc biệt phải có số xe tối thiểu là 50 xe.

Thiết bị giám sát hành trình của xe phải bảo đảm tối thiểu các yêu cầu như: lưu giữ và truyền dẫn được các thông tin: hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong 24 giờ của từng lái xe. Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải và quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục