Maroc đối phó với chiến binh Nhà nước Hồi giáo hồi hương

Maroc đã phối hợp với các nước đối tác có liên quan trong việc thành lập các mạng lưới chung đặc biệt để thu thập, trao đổi thông tin về các tay súng đang tham chiến tại Syria, Iraa.
Maroc đối phó với chiến binh Nhà nước Hồi giáo hồi hương ảnh 1Các tay súng IS hành quyết người dân Iraq. (Nguồn: IraqiNews/TTXVN)

Các lực lượng an ninh Maroc đã dự báo về làn sóng hồi hương ồ ạt của các chiến binh Maroc tham chiến trong hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Một chiến lược đối phó tổng thể và phối hợp hành động với các nước đối tác và láng giềng đã được hoạch định và triển khai.

Nhật báo Al Ahdath Al Maghribia ngày 10/7 dẫn một nguồn tin cấp cap cho biết về mặt an ninh, Maroc sẵn sàng đối phó với mọi mối nguy hiểm từ việc các phần tử thánh chiến IS là người Maroc hồi hương.

Về mặt đối ngoại, các lực lượng an ninh Maroc đã phối hợp với các nước đối tác có liên quan trong việc trao đổi thông tin, thành lập các mạng lưới chung đặc biệt để thu thập, trao đổi và phân tích thông tin về hoạt động của các tay súng thánh chiến đang tham chiến tại Syria và tại Iraq.

[20% tay súng IS là công dân châu Âu và đã bắt đầu trở về quê hương]

Tuy nhiên, báo trên khẳng định dù lực lượng an ninh Maroc có khả năng tác chiến tốt, được trang bị những phương tiện tối tân và những cơ chế pháp lý nhằm loại bỏ khủng bố, nhưng hoạt động sẽ vẫn còn khó khăn. Trên thực tế, hiện vẫn có hàng trăm tay súng thánh chiến đang hoạt động trong nước và tiềm ẩn những nguy cơ lớn.

Thêm vào đó, sự quay về của những chiến binh thánh chiến được dự báo sẽ gia tăng trong những ngày tới sau những thất bại của IS trên chiến trường Iraq và Syria. Do vậy, lực lượng an ninh Maroc đã chọn chiến lược phòng ngừa theo hai cấp độ. Trong thời gian đầu, đó là tập hợp càng nhiều càng tốt những thông tin về hoạt động của các phần tử thánh chiến này, phân tích thông tin và hành động theo những phương án khác nhau. Tiếp đó là giám sát chặt chẽ cùng sự phối hợp của các nước đối tác trong kiểm soát hoạt động di chuyển của các đối tượng khủng bố này qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria và Iraq-Syria để dự báo khả năng quay về Maroc của chúng.

Báo trên cũng dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Điều tra tư pháp (BCIJ) Abdelhak Khiame cho biết có ít nhất 1.623 phần tử khủng bố người Maroc trong hàng ngũ IS và các tổ chức khủng bố khác.

Maroc, một đồng minh của phương Tây trong cuộc chiến chống IS, đã được đặt trong tình trạng báo động cao kể từ năm 2014 sau khi IS kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria. Kể từ khi được thành lập năm 2015, BCIJ đã thực hiện hàng loạt nhiệm vụ quan trọng trong phòng chống khủng bố tại Maroc, triệt phá 37 mạng lưới khủng bố.

Trong hai năm qua, lực lượng an ninh Maroc đã bắt giữ 485 nghi can khủng bố để đưa ra xét xử trước pháp luật. Chỉ từ năm 2012-2015, Maroc đã đập tan 119 âm mưu tấn công khủng bố trên toàn quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục