Năm cách ngăn chặn thói quen ăn uống do stress

Phụ nữ ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh khi họ phải chiến đấu căng thẳng giữa stress và hạn chế lượng calo nạp vào để giảm cân.
Hàng ngày có hàng trăm thứ khiến bạn lo âu, buồn phiền. Công việc không suôn sẻ, bị sếp phàn nàn và đôi khi, chỉ vì một lý do hết sức ngớ ngẩn như tăng cân, nổi mụn… cũng đẩy bạn rơi vào trạng thái tâm lý này.

Hệ lụy của stress thì không thể lường hết, từ chán nản đến trầm cảm, nhưng có một điều mà không hẳn ai cũng để ý đến, đó là hội chứng ăn uống vô độ, không kiểm soát.

Trong cuộc khảo sát với hơn 1.800 người được tiến hành bởi Hiệp hội tâm lý Mỹ vào năm ngoái, khoảng 43% thừa nhận họ thường xuyên ăn quá nhiều (đặc biệt là thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, chất béo) do phản ứng với những căng thẳng trong cuộc sống. Và nữ giới dễ mắc phải triệu chứng này hơn nam giới.

Đừng kiêng khem quá mức

Theo một nghiên cứu của đại học Montclair State chỉ ra rằng, phụ nữ có xu hướng ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh khi họ phải chiến đấu căng thẳng giữa stress và hạn chế lượng calo nạp vào để giảm cân.

Tiến sỹ Zellner khuyên rằng, phụ nữ nên ngừng tự “tra tấn” bản thân, “thay vì liệt các loại thực phẩm gây tăng cân vào danh sách đen “never,” bạn hãy chuyển chúng sang chế độ “sometimes.” Một khi sức mạnh ý chí không còn vì những căng thẳng trong quá trình giảm cân, sẽ khiến họ kiệt sức và ăn uống vô độ.

Ngủ đủ giấc

Đây có thể là điều cuối cùng mà bạn có khả năng thực hiện được khi tâm trạng đang rối bời, nhưng những thông tin sau đây sẽ thuyết phục bạn thêm vài lý do chính đáng để ngủ.

“Một người ngủ ít hơn sáu giờ một ngày làm tăng lượng cortisol – một loại hoócmôn gây stress vào ban đêm hơn những người ngủ đủ tám giờ,” bác sỹ Talbott cho biết.

Thiếu ngủ làm tăng ghrelin (một hoócmôn kích thích sự thèm ăn) và giảm leptin (chất ức chế sự thèm ăn). Bạn thậm chí còn không cần phải ngủ nhiều giấc ngủ ngắn như bạn nghĩ, vì theo một nghiên cứu trên nhật báo Sleep khẳng định một giấc ngủ đêm từ bảy đến tám tiếng là quá đủ, ngủ nhiều hơn hay ít hơn đều có thể dẫn đến tăng cân.

Luôn bình tĩnh

Trừ phi bạn là thành viên của đoàn tùy tùng cho ca sỹ Lindsay Lohan, còn không thì đừng nên đặt mình trong trạng thái căng thẳng quá lâu. Nếu bạn chỉ phải đối mặt với những tác nhân gây căng thẳng thần kinh như ùn tắc giao thông hay một cuộc hẹn với nha sỹ, bạn có thể đánh bại tác dụng của cortisol nếu biết giữ bình tĩnh.

Giống như tất cả các hoócmôn không thể tồn tại trong máu của bạn mãi mãi, vì vậy chỉ cần cố gắng đừng “nhồi nhét” những bực dọc vào mình khoảng 2-3 giờ đồng hồ, khi đó cortisol sẽ tự động rời khỏi cơ thể và bạn trở về nhà một cách an toàn.

Nhà tâm lý Karen Koenig – tác giả cuốn sách "Thức ăn và Cảm xúc," chia sẻ: “Đọc một quyển sách hay, hoặc làm một điều yêu thích như may vá, thêu thùa… cũng là ý tưởng thành công, nếu bạn không phải là một tín đồ của Yoga.”

Massage thư giãn

Đừng chờ đợi cho đến kỳ nghỉ phép mới đặt chỗ cho các chương trình massage trị liệu – một nghiên cứu đã cho thấy cơ thể thường xuyên được xoa bóp thư giãn sẽ có lượng cortisol thấp hơn.

Trong nghiên cứu này, một ghế massage 15 phút làm giảm mức độ cortisol của các nhân viên bệnh viện xuống còn 24%.

Ngoài ra, sau thời gian điều trị, các nhân viên đều cảm thấy bớt căng thẳng, lo âu, trầm cảm và giải quyết công việc cũng nhanh nhẹn, hiệu quả hơn rất nhiều.

Vận động

Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày tham gia vào bất kỳ môn thể thao nào có thể giúp bạn chiến đấu chống lại tác dụng của hoócmôn cortisol.

“Vận động là cách tốt nhất để rút ngắn lượng cortisol. Trong những nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng hoócmôn này giảm từ 15-20% sau thời gian tập luyện từ 6-12 tuần,” bác sỹ Talbott nói.

Bác sỹ Talbott cũng đề nghị bạn thay đổi cách tập thể dục của mình, thay vì cứ đều đều đi bộ hoặc chạy bộ với tốc độ chậm mỗi ngày, hãy thử tăng vận tốc tối đa có thể.

Vì lượng hoócmôn trong cơ thể sẽ cân bằng nhanh chóng với những hoạt động mang tính thách thức hơn là ở trạng thái an toàn và ổn định. Các tập luyện này thúc đẩy hình thành festosterone (hoócmôn có lợi cho tim mạnh), giúp cơ bắp săn chắc và khôi phục quá trình trao đổi chất trong cơ thể./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục