Ngành công nghiệp ôtô của ASEAN trong tiến trình hội nhập

Tiến trình hội nhập kinh tế của các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang trong một bước chuyển lớn hướng tới sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Ngành công nghiệp ôtô của ASEAN trong tiến trình hội nhập ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tiến trình hội nhập kinh tế của các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang trong một bước chuyển lớn hướng tới sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay như mục tiêu đề ra.

Với sự ra đời của AEC, cơ hội phát triển của ngành công nghiệp ôtô khu vực đến từ một sân chơi bình đẳng hơn và cùng với sự cạnh tranh lớn hơn giữa các quốc gia, các nhà sản xuất, dù còn có những trở ngại cho sự phát triển của ngành này.

Trong khi một số nước đang được hưởng lợi từ thương mại tự do có thể kỳ vọng vào AEC cho sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô thì ngược lại, một số nước khác lại đang đứng trước bài toán cân bằng giữa thương mại tự do và phát triển ngành ôtô trong nước.

Cơ hội và thách thức đến từ AEC

Thị trường ôtô ASEAN được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới đây. Với 10 nước thành viên, ASEAN có tổng dân số hơn 600 triệu người và ở hầu hết các nước, thu nhập bình quân đầu người được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

Đáng chú ý là, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỷ lệ sở hữu xe hơi ở các nước thành viên tăng nhanh gấp đôi so với thu nhập.

ASEAN cũng được cho là sẽ đóng vai trò là trung tâm sản xuất của các nhà chế tạo ôtô lớn nhất thế giới từ châu Á cũng như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Vị trí địa lý thuận lợi, tự do hóa thương mại đang được tăng cường và tham vọng tạo ra một thị trường chung thống nhất giống như EU giúp ASEAN trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà chế tạo xe ôtô.

Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn The Economist (Anh) nhận định AEC, với mục tiêu hướng tới một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, gắn với thúc đẩy tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động, sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn, ít bảo hộ hơn và khuyến khích sự cạnh tranh trong ngành công nghiệp ô tô khu vực.

Tuy nhiên, cũng sẽ có nhiều trở ngại đối với hoạt động thương mại và sản xuất nội khối, đáng chú ý nhất là các hàng rào phi thuế quan.

Mặc dù các nước thành viên ASEAN đã nhận thức được vấn đề này, nhưng các hàng rào phi thuế quan vẫn khó có thể xóa bỏ do tính chất đa dạng của nó, từ phụ phí hải quan cho đến các yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm.

Và ngay cả khi các hàng rào phi thuế quan được loại bỏ, các nước nghèo hơn trong khu vực sẽ phải mất nhiều thập niên mới có thể xây dựng được các cơ sở chế tạo đủ sức cạnh tranh với các nước dẫn đầu về sản xuất trong khu vực là Thái Lan và Indonesia, hai nước chiếm tới hơn 4/5 sản lượng xe của ASEAN.

Bên cạnh đó, sự di chuyển tự do của dòng vốn và lao động chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định địa điểm sản xuất của các tập đoàn ôtô.

Kế hoạch xây dựng AEC cũng đã đề ra các biện pháp tăng cường sự di cư tự do của lao động có tay nghề, trong đó có việc các nước ASEAN công nhận về trình độ tay nghề của lao động đến từ nước khác, xóa bỏ các thủ tục nhiêu khê về thị thực và tăng cường hợp tác giữa các trường đại học.

Tuy nhiên, không có biện pháp nào trong số này đảm bảo sự tiếp cận thị trường lao động.

Dòng người lao động có tay nghề sẽ chỉ thực sự gia tăng nếu các nước thành viên xóa bỏ mức trần hạn chế số công nhân nước ngoài cũng như các rào cản hành chính và quy định có xu hướng ưu tiên hơn cho người lao động trong nước.

Và trong ngắn hạn, AEC sẽ không làm thay đổi trật tự về sản lượng xe ôtô ở khu vực này. Năm 2013, Thái Lan chiếm 55% sản lượng ôtô của khu vực, tiếp theo là Indonesia (27%), Malaysia (14%), Việt Nam (2%) và Philippines (2%).

Trong trung hạn và dài hạn, việc tạo ra một sân chơi công bằng hơn trong khu vực có thể thách thức vị thế của các tập đoàn lớn đã tạo lập được chỗ đứng lâu nay như Toyota và Honda, trong khi tạo điều kiện cho các hãng nhỏ hơn như Suzuki, Mitsubishi và Isuzu, cũng như các hãng mới gia nhập thị trường.


Nơi hưởng lợi từ thương mại tự do

Ngành công nghiệp ôtô Thái Lan, nước sản xuất lớn nhất trong khu vực, là một câu chuyện thành công, được hưởng lợi từ một cơ sở sản xuất chung của khu vực với linh kiện từ các nước ASEAN khác có thể được miễn thuế nhập khẩu và dỡ bỏ được những rào cản khác.

Từ năm 2001, Thái Lan đã từng bước dỡ bỏ thuế nhập khẩu ô tô từ các nước khác trong khu vực trong một nỗ lực để trở thành một Detroit của châu Á.

Ngành công nghiệp ôtô Thái Lan, với 2.000 nhà sản xuất phụ tùng, sử dụng 500.000 lao động, bằng khoảng 70% của Nhật Bản.

Gần một nửa trong số 2,45 triệu xe sản xuất ở Thái Lan năm 2013 được xuất khẩu. Trong năm 2014, lượng xe sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước là 747.853 chiếc, trong khi lượng xe xuất khẩu đạt 1,12 triệu chiếc.

Theo dự báo của Liên đoàn công nghiệp Thái Lan, lượng xe sản xuất trong năm 2015 có thể đạt 2,2 triệu chiếc, trong đó lượng xe ôtô tiêu thụ trong nước có thể đạt tới 1 triệu chiếc.

Thái Lan cũng là nước có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất, với khoảng 80% phụ tùng được sản xuất ở trong nước.

Với một trong những mục tiêu là khuyến khích người lao động có tay nghề sang làm việc tại các nước khác trong khu vực, AEC ra đời sẽ giúp Thái Lan xóa bỏ những hạn chế của ngành công nghiệp ôtô nước này là chi phí nhân công ngày càng tăng trong khi vẫn thiếu lao động có tay nghề và có thể tiếp tục duy trì là trung tâm sản xuất ôtô của khu vực.

AEC sẽ giúp các nhà chế tạo ôtô ở Đông Nam Á hiện thực hóa cái gọi là chiến lược "Thái Lan+1," tức là xây dựng một "nhà máy mẹ" ở Thái Lan và một nhà máy phụ ở Campuchia, Lào, Việt Nam hay Myanmar.

Chiến lược này cho phép các nhà chế tạo hoạt động ở một quốc gia có đủ nguồn cung năng lượng, lao động có tay nghề và cơ sở công nghiệp phát triển, và từng bước cải thiện năng lực sản xuất ở các nước láng giềng có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh.

Nhưng lo ngại về việc đang bỏ tất cả trứng vào một giỏ, các nhà sản xuất ôtô đã đầu tư sang Indonesia.

Với sự ổn định về chính trị và nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, Indonesia đang là đích ngắm của nhiều nhà sản xuất ôtô nước ngoài.

Năm 2013 đã chứng kiến làn sóng xây dựng nhà máy mới ở nước này của các hãng Toyota, Honda và General Motors.

Với trên 1.500 nhà máy chuyên sản xuất thiết bị, phụ tùng, sản lượng xe của Indonesia vượt 1,2 triệu chiếc vào năm 2013.

Toyota đã bắt đầu xuất khẩu xe từ Indonesia sang Singapore và các nước khác tháng 12/2013 và đưa Philippines vào danh sách này vào tháng 2/2014.

Dự kiến, năm 2014, Indonesia xuất khẩu được 200.000 chiếc xe.

Những năm gần đây, nền kinh tế Indonesia tăng trưởng khá nhanh và thị trường xe trong nước có tiềm năng rất lớn.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có ngành công nghiệp ôtô lớn thứ hai trong khu vực, sau Thái Lan.

Indonesia được dự báo sẽ trở thành nước sản xuất và tiêu thụ xe ô tô lớn nhất trong khu vực.

Chính phủ Indonesia đang kỳ vọng về cơ hội phát triển của ngành công nghiệp ôtô từ sự ra đời của AEC.

Theo Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia MS Hidayat, khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp ôtô của Indonesia đang ngày càng được nâng cao nhờ dòng vốn đầu tư khổng lồ được đổ vào nước này trong hai năm qua.

Ông cũng cam kết chính phủ sẽ hỗ trợ ngành này nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nơi lo bảo vệ ngành công nghiệp ôtô nội địa

Việt Nam đã nỗ lực thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp ôtô trong khi vẫn bảo hộ ngành này với mức thuế cao đánh vào ôtô nhập khẩu.

Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều. Sau khi AEC ra đời, mức thuế 50% đánh vào xe nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ giảm xuống 0% vào năm 2018, theo điều khoản của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu trong khu vực.

Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đối mặt với vấn đề về sự tồn tại khi các nhà sản xuất ôtô nước ngoài trì hoãn các khoản đầu tư mới.

Đơn cử là việc Honda có thể giảm rất mạnh sản xuất và tăng nhập khẩu. Việt Nam đang cân nhắc việc miễn giảm thuế cho xe nội địa như một giải pháp để bảo vệ sản xuất trong nước.

Theo nhận định mới đây của EIU, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang ở "ngã ba đường" khi các nhà nhập khẩu ôtô nguyên chiếc cạnh tranh gay gắt với các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước khi tiến trình tự do hóa nền kinh tế.

Các công ty lắp ráp xe trong nước lo ngại về việc thực thi điều khoản của ATIGA về bãi bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Đến lúc đó, hàng loạt mẫu xe từ các nước Indonesia, Philippines hay Thái Lan sẽ sớm xuất hiện tại Việt Nam với giá thành rẻ hơn nhiều.

Cuối tháng Tư vừa qua, hãng sản xuất ôtô Toyota của Nhật Bản đã gửi thư lên Chính phủ Việt Nam, nêu lên những khó khăn mà các nhà sản xuất trong nước phải đối mặt trong tiến trình tự do hóa nền kinh tế và đề xuất một số giải pháp về thuế và tài chính để có thể duy trì hoạt động tại Việt Nam.

Theo Toyota, việc triển khai các giải pháp được đề xuất chỉ mang tính tạm thời trong khoảng 10 năm.

Trong thời gian đó, Toyota sẽ tìm cách tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng sản lượng hàng năm và xây dựng thêm một nhà máy mới.

Nếu Chính phủ Việt Nam không có giải pháp hỗ trợ, công ty này sẽ thu hẹp quy mô hoạt động trước khi rút hẳn khỏi Việt Nam vào năm 2025.

Trong khi đó, Philippines- quốc gia là thành viên ban đầu của Khu vực thương mại tự do ASEAN, tiền thân của AEC, nơi thuế đánh vào đa phần các hàng hóa đã được dỡ bỏ vào năm 2010- cũng đã sẵn sàng cho việc trợ giá và các biện pháp khác để hỗ trợ ngành này phát triển.

Ở Philippines, ôtô nhập khẩu đã tràn ngập thị trường. Nhập khẩu xe ở nước này đã tăng 10 lần trong vòng năm năm.

Doanh số bán xe hơi và xe tải mới ở Philippines tăng 15% lên mức kỷ lục 212.000 chiếc năm 2013, với xe nhập khẩu chiếm 60%.

Honda đã dừng lắp ráp xe Civic ở Philippines vào năm 2012, chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan. Ford Motor đã quyết định rút khỏi nước này.

Chính phủ Malaysia cũng có kế hoạch tiếp tục bảo vệ sản xuất ôtô trong nước, dù việc đảm bảo tính công bằng của các biện pháp hỗ trợ vẫn là một thách thức.

Malaysia kỳ vọng những chính sách mới trong lĩnh vực ôtô có thể giúp nước này bắt kịp Thái Lan, quốc gia sản xuất ôtô lớn nhất trong khu vực và có sản lượng xe hiện lớn gấp đôi Malaysia.

Để bảo vệ ngành công nghiệp ôtô quốc gia, Malaysia đang duy trì mức thuế sản xuất và bán xe trong nước cùng mức thuế nhập khẩu cao với các dòng xe nước ngoài, ở mức 30% đối với ôtô nhập khẩu từ các nước khác trong khu vực.

Chính phủ nước này dự kiến sẽ giảm thuế sản xuất và bán xe trong nước, song cũng lưu ý rằng giá xe ôtô có thể sẽ giảm từ 20% đến 30% vào năm 2017 khi thị trường được tự do hóa tạo điều kiện cho cạnh tranh nhiều hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục