Người biểu tình phát động tổng bãi công ở Ai Cập

Những người biểu tình đã phát động cuộc tổng bãi công trong ngày 31/1 và kêu gọi tổ chức cuộc tuần hành lớn vào ngày 1/2.
Bất chấp lệnh giới nghiêm của chính phủ, hàng nghìn người biểu tình Ai Cập tiếp tục "cắm trại" tại trung tâm Cairo trong ngày 31/1 và thề sẽ cố thủ cho đến khi hạ bệ được Tổng thống Hosni Mubarak - người mà giới quan sát cho rằng hiện vận mệnh chính trị hoàn toàn phụ thuộc vào quân đội.

Những người biểu tình giơ cao biểu ngữ ghi rõ "Quân đội phải lựa chọn giữa đất nước và ông Mubarak."

Kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin những người biểu tình còn phát động cuộc tổng bãi công trong ngày 31/1 và kêu gọi tổ chức cuộc tuần hành lớn vào ngày 1/2 với sự tham gia của hàng triệu người, nhằm đánh dấu một tuần nổ ra làn sóng biểu tình lớn chưa từng có chống chính phủ ở Ai Cập, đồng thời xúc tiến một cuộc biểu tình trường kỳ sau đó.

Họ tiếp tục bất bình về quyết định của ông Mubarak khi ông này bổ nhiệm hai quan chức quân đội làm phó tổng thống và thủ tướng, trong một động thái được cho là nhằm duy trì quyền lực.

Trong ngày 31/1, Tổng thống Mubarak cũng đã bổ nhiệm Tướng Murad Mowafi làm Giám đốc Cơ quan tình báo Ai Cập thay ông Omar Suleiman - người vừa nhậm chức Phó Tổng thống.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn bắt đầu nổ ra ngày 25/1 tại ít nhất 16 thành phố, nhưng biểu tình quy mô lớn thì chủ yếu ở hai thành phố Cairo và Alexandria, đòi Chính phủ Ai Cập đáp ứng những yêu cầu về việc làm, dỡ bỏ Luật khẩn cấp và tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Theo hãng tin BBC, quân đội Ai Cập tối 30/1 đã bắn trả những người biểu tình quá khích tại Quảng trường Tahrir ở thủ đô.

Mỹ - nước đồng minh quan trọng từng rót hàng tỷ USD viện trợ cho Ai Cập kể từ khi ông Mubarak lên nắm chính quyền suốt 30 năm qua, đã công khai thể hiện rằng họ muốn ông Mubarak từ nhiệm.

Trong cuộc điện đàm ngày 30/1 với các nhà lãnh đạo Israel, Arập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ ủng hộ một sự chuyển giao có trật tự cho một chính quyền đáp ứng những nguyện vọng của người dân Ai Cập.

Một liên minh đối lập của Ai Cập, trong đó có đảng "Anh em Hồi giáo," đã giao cho cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei thành lập một chính phủ thống nhất dân tộc và có các cuộc tiếp xúc với quân hội quốc gia. Ông ElBaradei cũng đã hối thúc Tổng thống Mỹ Obama trực tiếp đề nghị ông Mubarak rời bỏ chiếc ghế quyền lực.

Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi sớm lập lại trật tự ở Ai Cập. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: "Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến diễn biến hiện nay ở Ai Cập - nước có mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng Ai Cập sẽ sớm lập lại trật tự, ổn định xã hội."

Trước tình trạng hỗn loạn trên, chính phủ nhiều nước như Trung Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Canada... đã phái máy bay tới Ai Cập để đưa công dân của mình về nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục