Nông dân Cao Phong kiếm hàng chục tỷ đồng nhờ cam

Người trồng cam ở thị trấn huyện Cao Phong (Hoà Bình) đạt doanh thu từ 0,5-3 tỷ đồng có hơn 20 hộ, còn từ 100-500 triệu nhiều vô kể.
Những ngày cuối năm 2011, đi dọc quốc lộ 6 qua thị trấn huyện Cao Phong( Hòa Bình), cam quýt được bày bán chồng chất bên đường, xe tải từ nhiều tỉnh thành phố cũng tập kết về đây lấy cam chuẩn bị bán trong dịp Tết.

Cán bộ và nhân dân huyện Cao Phong đều phấn khởi vì cam được giá, được mùa. Giá cam nhỉnh hơn năm trước. Cam Xã Đoài có giá bán 12.000 đồng/kg, cam lòng vàng từ 12.000-14.000 đồng/kg, cam V2 20.000 đồng, cam Canh từ 34.000-35.000 đồng/kg.

Theo anh Vũ Đình Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện: Sản lượng cam của Cao Phong vụ này cỡ từ 7.000-8.000 tấn, doanh thu xấp xỉ 90 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư từ 25-30%. Như vậy cũng tương đương năm trước, nông dân bỏ túi cỡ vài chục tỷ đồng.

Anh Khương Xuân Lịch Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Cao Phong cho biết: Mấy năm nay, người dân Cao Phong giàu lên từ trồng cam. Doanh thu từ cam góp phần nâng thu nhập của bình quân của thị trấn lên 22 triệu đồng/người/năm. Người trồng cam ở thị trấn đạt doanh thu từ 0,5-3 tỷ đồng có hơn 20 hộ, còn từ 100-500 triệu nhiều vô kể. Tính ra, từ trồng cam, người dân thị trấn mấy năm nay có hàng chục xe ô tô đời mới. Anh Lịch cho biết thêm: Như gia đình tôi chỉ có 3.000 m2 , trồng 150 cây, vụ này cũng thu cỡ 10 tấn, doanh thu khoảng từ 120-125 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi từ 50-70 triệu đồng.

Đối với người dân Cao Phong trồng cam như một sự cứu cánh, thoát khỏi cuộc sống bần hàn để trở thành tỷ phú. Phần lớn người trồng cam đã bươn trải đủ nghề, sau đó trụ lại với cây cam và được đền đáp xứng đáng. Ở tiểu khu 2, gia đình chị Đặng Thị Thu là một trong tốp đầu những gia đình trồng cam quy mô lớn của thị trấn. Gia đình chị có tới 7 ha cam các loại, trong đó có 2 ha đã đi vào kinh doanh, mấy năm nay, doanh thu đều đặn 1,5 tỷ đồng. Trúng cam vụ trước, chị vừa tậu một xe ôtô mới giá 32.000 USD.

Còn ông Nguyễn Văn Tiến, tiểu khu 5 đã có 5 ha cam, trong đó có tới 2 ha kinh doanh. Năm 2009 cho thu tới 2 tỷ đồng. Ông xây nhà cửa đàng hoàng, tiện nghi đắt tiền đủ cả và mua thêm chiếc xe Foture 1,3 tỷ đồng. Ông Tiến cũng phải mua và đầu tư cải tạo đất để trồng cam. Vườn cam của ông giáp với chân núi, nước không có phải đào giếng đưa lên đỉnh núi tưới cam. Công sức đầu tư, chăm bón mấy năm dài đằng đẵng tạo cho vườn cam của gia đình ông xanh mướt, trái cam căng tròn mọng nước, năng suất cao ở trong vùng.

Ông Tiến cho biết, chắc chắn năm nay gia đình thu 2 tỷ “đổ ngược”. Với 5 ha đưa vào khai thác, sản lượng ước khoảng 200 tấn, giá bán hiện nay thu không dưới 3 tỷ đồng, tính ra đạt từ từ 300-400 triệu đồng/ha.

Cam Cao Phong ngày càng chứng tỏ ưu thế vượt trội so với các loại cam trên thị trường. Cam Cao Phong đẹp mã, mọng nước, có vị ngọt, thơm, dòn ăn đứt nơi khác. Vì thế, quỹ đất Cao Phong đang được người dân tận dụng tối đa để trồng cam. Đó chính là kết quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng (ngay từ năm 2006 Huyện  ủy đã ra Nghị quyết số 04 về phát triển vùng cây ăn quả, cây công nghiệp giai đoạn 2006-2010). Để giữ chất lượng, uy tín loại cây có múi này, huyện Cao Phong đang thực hiện đề án xây dựng thương hiệu cam Cao Phong, giúp dân làm giàu từ vườn cam./.

Nhan Sinh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục