Palestine trình LHQ dự thảo chấm dứt sự chiếm đóng của Israel

Ngày 29/12, Palestine đã trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự thảo nghị quyết mới nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine.
Palestine trình LHQ dự thảo chấm dứt sự chiếm đóng của Israel ảnh 1Binh sỹ Israel trong cuộc xung đột với người biểu tình Palestine phản đối việc xây dựng các khu định cư trên vùng đất chiếm đóng ở làng Bilin, phía tây Ramallah, Khu Bờ Tây ngày 26/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 29/12, Palestine đã trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự thảo nghị quyết mới nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine và công nhận các đường giới tuyến năm 1967, mở đường cho việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập.

Văn kiện trên, với những lập luận cứng rắn hơn, dự kiến sẽ được Hội đồng Bảo an tiến hành biểu quyết trong tuần này bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Bản dự thảo được Jordan, đại diện cho nhóm nước Arab tại Hội đồng Bảo an, trình lên cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc nhân danh Palestine.

Dự thảo nghị quyết - được các nước Arab hậu thuẫn - kêu gọi Hội đồng Bảo an hỗ trợ thiết lập lộ trình 3 năm, đến năm 2017, đối với việc chấm dứt sự chiếm đóng của Israel trên các vùng lãnh thổ Palestine.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung gồm 8 điều khoản, trong đó kêu gọi Liên hợp quốc công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine và ra tuyên bố khẳng định rào chắn của Israel ở khu Bờ Tây là "bất hợp pháp."

Văn kiện cũng hối thúc Liên hợp quốc kêu gọi Israel giải quyết vấn đề trả tự do cho tù nhân Palestine và chấm dứt các hoạt động xây dựng các khu định cư Do Thái.

Phản ứng trước động thái này, các đại sứ các nước Arab tại Liên hợp quốc đã thể hiện quan điểm tán thành.

Phát biểu sau cuộc họp kín của 22 Đại sứ Arab tại Liên hợp quốc, Đại sứ Jordan tại Liên hợp quốc Dina Kawar xác nhận tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an đang tham vấn để tìm kiếm một giải pháp cũng như thời điểm hợp lý nhất để tiến hành biểu quyết thông qua bản dự thảo nghị quyết của Palestine.

Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour cho biết cuộc bỏ phiếu có thể sẽ diễn ra trong ngày 30/12.

Trong khi Palestine hối thúc Hội đồng Bảo an hành động, cả Mỹ và Israel đều bày tỏ phản đối các nỗ lực đơn phương này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke khẳng định dự thảo nghị quyết của Palestine trình Liên hợp quốc "không mang tính xây dựng, không thúc đẩy thỏa thuận hòa bình về giải pháp hai nhà nước và không giải quyết các vấn đề an ninh của Israel."

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tái khẳng định quan điểm phản đối bản dự thảo nghị quyết mở đường cho việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế đưa ra quan điểm tương tự.

Theo giới phân tích, nếu Mỹ bác bỏ nghị quyết này sẽ khiến các đồng minh Arab của Mỹ tức giận, trong đó có cả những đối tác đang tham gia chiến dịch không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.

Giới phân tích cũng cho rằng, với cơ cấu thành viên hiện nay của Hội đồng Bảo an, dự thảo nghị quyết của Palestine khó có thể đạt được sự đồng ý của 9 thành viên. Nếu viễn cảnh này xảy ra, Mỹ có thể không cần dùng đến quyền phủ quyết để "dìm" văn kiện này.

Tuy nhiên, nếu nỗ lực tìm kiếm một cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc về nghị quyết trên thất bại, Palestine dự kiến sẽ tìm kiếm tư cách thành viên tại những tổ chức và cơ quan quốc tế khác, trong đó có Tòa án Hình sự Quốc tế.

Trước đó, ngày 17/12, Palestine cũng đã trình Liên hợp quốc dự thảo nghị quyết đề xuất giải pháp toàn diện, lâu dài và công bằng nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel song văn kiện này đã nhanh chóng bị Mỹ bác bỏ.

Văn kiện, được soạn thảo sau khi Palestine thảo luận với Pháp, đề ra một loạt giới hạn trong đó có việc quân đội Israel rút khỏi Palestine không muộn hơn cuối năm 2017.

Ngoài ra, văn kiện cũng quy định thời hạn đàm phán 2 năm cho tiến trình đàm phán Israel-Palestine nhằm đi tới một thỏa thuận cuối cùng.

Dự thảo nghị quyết Liên hợp quốc chấm dứt sự chiếm đóng của Israel được công bố trong bối cảnh tình hình căng thẳng giữa Palestine và Israel tại Bờ Tây đã gia tăng đáng báo động trong thời gian gần đây.

Căng thẳng leo thang nghiêm trọng hơn kể từ khi Israel thực hiện chiến dịch tấn công kéo dài 50 ngày tại Dải Gaza.

Chiến dịch "Vành đai bảo vệ" do quân đội Israel phát động là khiến hơn 2.100 người Palestine thiệt mạng, khoảng 11.000 người bị thương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục