Pháp và Đức hối thúc tổ chức hội nghị hòa bình mới về Syria

Tổng thống Hollande cho biết ông đã kêu gọi tổ chức hội nghị hòa bình mới về Syria để tất các quốc gia muốn hòa bình được lập lại tại quốc gia này có thể tham gia.
Pháp và Đức hối thúc tổ chức hội nghị hòa bình mới về Syria ảnh 1Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi tổ chức hội nghị hòa bình mới về Syria. (Nguồn: AP)

Ngày 23/9, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi tổ chức hội nghị hòa bình mới về Syria, nhằm nhằm giúp chấm dứt cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của khoảng 250.000 người, gây bất ổn cho toàn khu vực Trung Đông và kéo theo làn sóng người di cư tràn sang châu Âu.

Phát biểu với báo giới tại Brussels (Bỉ) nhân hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Hollande cho biết ông đã kêu gọi tổ chức hội nghị hòa bình mới về Syria để tất các quốc gia muốn hòa bình được lập lại tại quốc gia này có thể tham gia.

Cùng chia sẻ quan điểm với ông Hollande còn có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond và các nhà lãnh đạo khác của EU.

Thủ tướng Đức cho rằng không chỉ Mỹ, Nga mà các đối tác quan trọng tại Trung Đông như như Iran và Saudi Arabia đều có thể tham gia hội nghị hòa bình này. Bà Merkel cũng tuyên bố Tổng thống Bashar al-Assad cũng cần phải tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình của Syria.

Trước đó, hai hội nghị hòa bình Geneva về Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc diễn ra hồi năm 2012 và 2014 đã thất bại do sự chia rẽ của phe đối lập và các quốc gia phương Tây luôn muốn Tổng thống Assad từ chức và không đóng vai trò nào trong tương lai của quốc gia Trung Đông này.

Việc các nhà lãnh đạo Pháp và Đức gần đây liên tục hối thúc nối lại tiến trình hòa bình tại Syria diễn ra giữa lúc cả châu Âu đang lâm vào cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

 ​

Theo ước tính, khoảng nửa triệu người di cư đã tràn vào châu Âu trong năm nay, trong đó chủ yếu là người Syria. Cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người và khiến hàng triệu người dân Syria phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad là điểm mấu chốt trong những nỗ lực ngoại giao của các bên trong khu vực và quốc tế nhằm chấp dứt cuộc khủng hoảng Syria. Các nhóm đối lập tại Syria, các nước Arab vùng Vịnh cùng phương Tây đều muốn ông này từ chức.

Trong khi đó, Iran và Nga hiện là hai đồng minh chính của chính quyền Damacus kiên quyết phản đối điều này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục