Rừng đào xuân miền cao ào ào rủ nhau về phố thị

Những ngày cuối năm, người dân Thủ đô ngỡ ngàng khi thấy thành phố biến thành những rừng hoa, vạt hoa rừng rực rỡ, nhiều sắc màu.
Chỉ trong một vài ngày cuối năm, một loạt đường phố của Thủ đô Hà Nội bỗng biến thành những rừng hoa, vạt hoa rực rỡ. Đào rừng lại thêm một mùa lũ lượt tìm đường về phố thị.

Thú chơi củi… bạc triệu

Gã thương lái miền ngược tên Miến người dân tộc tận cao nguyên Mộc Châu, Sơn La từ mấy ngày nay đã dựng lều ngay một khúc vỉa hè ngã tư Đội Cấn-Liễu Giai để dựng “rừng đào phai" của mình.

Chỉ tay vào dãy hoa đang dựng trên vỉa hè, Miến cười rổn rảng bảo: “Năm nay rét quá, nên đào cũng hiếm lắm. Chỉ 50 gốc ở đây, phải quen biết trước tôi mới mang được về đây.”

Cũng vì trời rét đậm, cánh lái đào được dịp hét giá trên trời cho những khách hàng có thú chơi củi… bạc triệu. Chỉ tay vào một khúc cây khẳng khiu, cao ngang đầu người, không lá, không hoa, Miến cho hay, đây là loại… rẻ nhất trong “rừng đào” của mình.

“Nói rẻ nhưng cũng phải 700.000 đồng/cây tôi mới bán được,” Miến quả quyết.

Trong khi vào năm trước, cũng với số tiền này, khách hàng có thể sở hữu cả một cành đào lớn có cả lộc, hoa và… thế.

Dọc các tuyến đường như Hoàng Minh Giám, Giải Phóng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Nguyễn Khánh Toàn… các hàng hoa đào rừng dã chiến đã mọc lên san sát.

Ngồi “canh” dãy hoa xếp dọc đường Hoàng Đạo Thúy, gã lái buôn miệt rừng tên Lâm mời chào: “Cây đào đắt nhất của em giá 7 triệu đồng nhưng mà khách lấy rồi, còn mấy cây cũng đẹp nhưng giá cũng phải trên 2 triệu, anh thích thì chọn ngay đi, để vài hôm nữa chắc em cũng bán hết, không có nữa mà mua”.

Theo Lâm, năm nay vì trời rét đậm, nhiều vùng cao như Mẫu Sơn, Sapa còn xuất hiện băng giá nên hoa không kịp nở. Những cánh mối lái người Hà Nội năm nay đều khó có thể “chen chân” để mua được đào với giá gốc từ địa phương mà đều phải qua tay mối lái người địa phương. Vì vậy, càng về tới gần Hà Nội, giá lại càng cao hơn.

Nhưng dường như càng khó khăn, giá càng cao, người Hà Nội càng háo hức với đào rừng. Lâm cho hay, “vườn” vừa được dựng lên hai ngày nhưng đã bán được đến 1/3.

Theo ông chủ của các "rừng đào" này, giá đào phụ thuộc vào năm tuổi, dáng cây, hoa và rêu mốc trên thân cây, những cây đào có tầm gửi sống kèm sẽ đắt hơn so với cây đào khác. Đặc biệt, đào miền Tây Bắc thuộc các vùng như Sa Pa, Tú Lệ, Mù Căng Chải, Mộc Châu… với dáng tự nhiên thường đắt hơn đào Đông Bắc.

Nhiều lái buôn năm nay còn “chơi trội” khi bứng nguyên cả cây đào từ các cao nguyên Mộc Châu, Thuận Châu (Sơn La) về bày bán tại Hà Nội. Nhìn cây đào Tây Bắc cao gấp đôi đầu người, thân xù xì, to như bắp đùi người lớn được bày trên đường An Dương Vương, người bán đào tên Hùng ra giá: “Cây này, sau Tết vẫn có thể trồng tiếp, nên phải 13 triệu mới bán.”

Mặc dù đào rừng năm nay chậm ra hoa do trời quá lạnh, nhưng nhiều người vẫn quyết phải chọn cho mình một cành để đón Xuân. Bác Sơn (Xuân Thủy, Cầu Giấy) bày tỏ: “Mọi năm, nhà tôi đều chọn đào Nhật Tân, Quảng Bá, hoa đỏ thắm hơn. Nhưng năm nay, tôi muốn bày đào rừng, hoa phai, cánh mỏng nhưng lâu tàn nên dù có đắt hơn một chút cũng không sao.”

Dựng lều, đốt lửa canh đào

Với những gã lái buôn dịp này từ miền cao về, rừng đào mấy chục gốc là cả gia tài vốn liếng của họ. Vì thế, mặc dù Hà Nội đang ở trong đợt rét kỷ lục, nhưng họ vẫn dựng lều, hứng gió để canh đào.

Thắng vốn là một lái buôn từ tận Mù Căng Chải, Yên Bái. Năm nào cũng vậy, cứ đến độ 17 tháng Chạp, gã lại dắt díu cả gia đình ngược ngàn “săn” đào núi. Khi gom được chừng trăm cành, cả tiểu đội thương lái gia đình gã mới lên xe tải, về xuôi… dựng trại.

Gã bảo, ngần ấy gốc đào trị giá hơn cả con trâu đang vào sức nhà gã. Vì thế, nhà trên Mù Căng Chải, gã có thể đi mà không khóa cửa, nhưng gã chẳng thể bỏ đào đá giữa Hà Nội mà không trông.

Do đó, khi vừa bước chân vào cửa ngõ Hà Nội, gã đã kiếm ngay một khoảnh vỉa hè rộng rãi, thoáng gió, dựng vườn. Xong xuôi, Thắng mới dùng vải bạt quây vào một góc nhỏ chừng 3m2 để ở tạm trong mấy ngày.

Thường, địa điểm bán đào rừng nằm giữa những con đường lớn, nhiều người lại qua. Mặt phố càng thoáng lại càng đông khách. Nhưng cũng vì thế, gió càng thông thống hơn và người buôn đào lại càng phải trân mình… chịu lạnh.

“Miền cao đã rét, về đây lại càng rét vì lúc nào cũng vẫn phải ở ngoài đường trông cây,” Thắng thật thà.

Cực nhất là vào đêm, người mua không có, nhưng những lái buôn như Thắng vẫn phải bám trụ “trận địa hoa” của mình. Để chống lại tiết đại hàn, Thắng học cánh xe ôm, cũng gom củi về lều đốt lửa sưởi ấm.

Cực là thế, nhưng mỗi lúc bán được cây, Thắng lại cười như trúng lớn. Gã bảo, cả năm, những người sống nhờ đào rừng, đào đá như gã chỉ mong có ngày này.

Bởi vậy, những ngày giáp Tết này, những con đường lớn của Hà Nội đang dần dần biến thành những con đường hoa, rừng hoa, phố hoa. Nhưng lúc nào cũng thế, ẩn sâu trong rừng và phố ấy cũng là những túp lều xiêu vẹo làm nhiệm vụ canh xuân./.

Lưu Thành (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục