Sự khởi đầu của thế hệ “phóng viên quần jeans” thạo smartphone

Phóng viên Yusuf Omar của CNN gọi phong cách báo chí của mình là “báo chí quần jeans,” vì tất cả những gì anh cần, từ quay video, chụp ảnh đến phỏng vấn, đều đựng vừa trong túi quần jeans của anh.
Sự khởi đầu của thế hệ “phóng viên quần jeans” thạo smartphone ảnh 1Phóng viên Yusuf Omar của CNN. (Nguồn: lighthouseinsights.in)

Hầu hết các cuộc thảo luận về báo chí ngày nay đều bao gồm cuộc tranh luận về những lợi ích và bất lợi của truyền thông xã hội. Tương tự, một cuộc thảo luận về mạng xã hội cũng diễn ra không ngừng trong ngày khai mạc Diễn đàn Truyền thông Toàn cầu của DW.

Phóng viên Yusuf Omar của CNN rất thông thuộc thế giới truyền thông xã hội. Anh gọi phong cách báo chí của mình là “báo chí quần jeans,” vì tất cả những gì anh cần, từ việc quay video, chụp ảnh đến phỏng vấn, đều đựng vừa trong túi quần jeans của anh.

Phong cách báo chí của Omar phục vụ cho thế hệ smartphone - những khán giả muốn xem tin tức bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu.

Đúng như phong cách, Omar sử dụng mạng xã hội và những ứng dụng như Snapchat để ghi lại hành trình của mình từ Nam Phi đến Damascus. Trong một chuyến đi tới Ấn Độ, nơi luật pháp cấm các nhà báo sử dụng danh tính của các nạn nhân hiếp dâm, Omar đã sử dụng một bộ lọc của Snapchat để ghi hình cuộc phỏng vấn với các nạn nhân, kể câu chuyện của họ bằng chính ngôn từ của họ.

[Doanh thu quảng cáo trên máy tính, di động lần đầu vượt truyền hình]

Các khán giả di động muốn có những câu chuyện nguyên bản, không chỉnh sửa, không “đánh bóng,” chứ không phải những chương trình theo phong cách truyền hình, anh cho biết.

Theo Omar, truyền thông xã hội giúp các đơn vị tin tức như CNN tiếp cận khách hàng mà không cần yêu cầu họ chủ động tìm đến chương trình của mình.

Mạng xã hội - “mối đe dọa” lớn nhất

“Đối với nhà báo, trước và trên hết, số hóa là một liên kết trực tiếp tới người dùng của chúng tôi... đối với các nhà phát sóng quốc tế, truyền thông xã hội đem lại một cơ hội lớn để tiếp cận người dùng của chúng tôi trực tiếp trên chiến điện thoại di động của họ,” Tổng giám đốc DW Peter Limbourg cho biết.

Ông Limbourg đã trình bày một bài phát biểu quan trọng tại lễ khai mạc Diễn đàn Truyền thông Toàn cầu ở Bonn vừa qua.

Tuy nhiên, truyền thông xã hội và phạm vi tiếp cận sâu rộng của nó cũng đảm bảo con đường tiếp cận các hành lang vận động, các nhóm lợi ích và các nhóm khác tuyên truyền tin tức giả.

Phóng viên người Pakistan Talha Hashmi, khách mời tại Diễn đàn Truyền thông Toàn cầu năm nay tại Bonn, cho rằng xu hướng tin tức giả đồng nghĩa với việc “ ngày nay truyền thông xã hội là một mối đe dọa lớn hơn cả vũ khí hạt nhân.”

“Điều thường xảy ra là những người bình thường thường không được thông tin đầy đủ, họ chưa bao giờ nghiên cứu và cũng không có kinh nghiệm, không có sự tiếp xúc,” ông cho biết. “Họ cũng không có bất kỳ nguồn tin nào để xác minh tin tức mà họ nhận được.”

Hashmi đã nêu ra ví dụ về bức ảnh của một bé gái được lan truyền trên Facebook trong 5 năm qua. Bài viết nói rằng cô bé đã mất tích và cần được đoàn tụ với cha.

“Bé gái này đã bị lạc cách đây 5 năm ở Hyderabad, Ấn Độ,” ông cho biết. “Cô bé đã đoàn tụ với gia đình sau đó 3 tháng. Và 5 năm sau, người ta vẫn lan truyền bức ảnh của cô bé... Cần phải có một cách kiểm soát nào đó.”

Nhận thức tốt hơn

Đó là lúc cần tới người phóng viên. Công việc của một người phóng viên là “cung cấp thông tin”, Tổng giám đốc Limbourg của DW cho biết. Phóng viên có thể giúp củng cố tính xác thực của tin tức vì họ có thể xây dựng lòng tin với khán giả và độc giả của họ. “Chúng tôi muốn cho phép họ, muốn cải thiện nhận thức của họ về thế giới,” ông nói thêm.

Các phóng viên tới dự Diễn đàn năm nay đang cố gắng làm chính điều này - gặp gỡ nhiều người hơn và học hỏi những công cụ mới để tăng cường hiểu biết của họ.

Diễn đàn năm nay kéo dài 3 ngày, tập trung vào “bản sắc và tính đa dạng”, bao gồm một loạt hội thảo, bài phát biểu và thảo luận về quyền tự do ngôn luận, trào phúng, số hóa và báo chí công dân.

Suleman Sadat, một phóng viên chính trị đến từ Pakistan, thường xuyên thực hiện những nhiệm vụ đưa tin di động, đang rất mong đợi được tìm hiểu thêm về những góc nhìn thú vị và những công cụ mới dành cho công việc của anh. “Tôi mong rằng mình có thể thông thạo hơn về công nghệ, rằng tôi sẽ có thể biết thêm những điều mới.”

Loai Ahmed, một phóng viên chính trị đến từ Jordan, đã tới dự Diễn đàn lần đầu tiên. Anh và các đồng nghiệp có mặt tại đây để trưng bày một loạt truyện tranh mang tính phê phán chính trị. “Tôi nghĩ đó là một cơ hội tốt để thể hiện và trưng bày những gì chúng tôi đang làm... Chúng tôi mong đợi có thể thu thập được nhiều thông tin tại đây,” anh cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục