Sự kiện quốc tế 11-17/9: iPhone X ra mắt với sự cố FaceID

Lễ ra mắt của iPhone X với một chút trục trặc nhỏ ở tính năng FaceID, vụ nổ ga tàu điện ngầm London làm nhiều người bị thương, Triều Tiên lại thử tên lửa, là 3 trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.
iPhone X chính thức ra mắt
Đêm 12/9, rạng sáng 13/9 (theo giờ Việt Nam), cùng với hai mẫu iPhone 8 và iPhone 8 Plus, Apple đã chính thức ra mắt mẫu iPhone X được đồn đoán từ lâu.

Đây là mẫu iPhone được thiết kế hoàn toàn mới đánh dấu kỷ niệm 10 năm Apple ra mắt mẫu iPhone đầu tiên.

Khung máy iPhone X được làm bằng thép không gỉ thay vì nhôm như các mẫu iPhone trước.

iPhone X có khả năng chống nước và bụi. Máy có hai màu: trắng xám và bạc.

Đáng chú ý, iPhone X sử dụng màn hình vô cực siêu nét "Super Retina Display," 5.8 inches, độ phân giải 458 pixel/inch. Màn hình này được phát triển trên nền công nghệ OLED mang đến hình ảnh có màu sắc, ánh sáng sống động hơn rất nhiều.Màn hình iPhone X cũng hỗ trợ video HDR, 3D Touch.

Để mở iPhone X, người dùng chỉ việc chạm tay vào màn hình điện thoại thay vì nút Home truyền thống đã bị loại bỏ.

Do nút Home bị loại bỏ nên để trở lại màn hình chủ, người dùng cần vuốt màn hình từ dưới lên. Màn hình iPhone X có một thanh màu đen nhỏ ở dưới cùng tượng trưng cho vị trí người cần phải vuốt lên.

iPhone X sử dụng công nghệ Face ID hoạt động nhờ hệ thống camera TrueDepth ở đầu màn hình, trong phần màn hình "bị khoét."

Tuy nhiên, trên sân khấu ra mắt iPhone X hôm 12/9, khi Federighi cố gắng chứng thực khuôn mặt của mình và nó không hiệu quả, ông nhanh chóng chuyển sang thiết bị demo thứ hai và mọi thứ chạy trơn tru.

Apple đã chính thức lên tiếng giải thích về sự cố với màn trình diễn mẫu đầu tiên tính năng Face ID trên iPhone X trong buổi lễ ra mắt mẫu điện thoại này hôm 12/9.

Trong khi nhiều người nhanh chóng gọi nó là "thất bại" thì Apple đã xác nhận sự cố trên trong một tuyên bố ngày 14/9.

Apple giải thích rằng bản thử nghiệm (demo) iPhone X đã được xử lý bởi nhiều người trước khi được cài đặt bảng demo cho Craig Federighi - Phó Chủ tịch phần mềm của Apple - người nhận trách nhiệm "biểu diễn" tính năng Face ID của iPhone X.

Face ID đã cố gắng xác thực khuôn mặt của tất cả những người sử dụng iPhone X và sau khi thất bại, iPhone X đã chuyển sang yêu cầu mã khóa. Do đó, khi Federighi giới thiệu Face ID thì Phone X đã ở chế độ mật mã.

Điều này cũng tương tự như Touch ID - nhận dạng vân tay người dùng - nếu sau nhiều lần thử quét vân tay mà cảm biến không nhận được đúng vân tay người dùng, hệ thống sẽ chuyển sang chế độ bảo mật bằng mật mã (passcode).

Tuy nhiên, với mức giá 999 USD tại Mỹ cho bản 64 GB, 1.149 USD cho bản 256 GB, có một câu hỏi lớn trong tâm trí của mọi người về iPhone X: liệu nó có thực sự đáng giá 1.000 USD?

Sự kiện quốc tế 11-17/9: iPhone X ra mắt với sự cố FaceID ảnh 1Tính năng Face ID trên iPhone X được giới thiệu hôm 12/9. (Nguồn: Wired)
Nổ tại ga tàu điện ngầm London, gần 30 người bị thương
Báo chí Anh ngày 15/9 đưa tin một vụ nổ đã xảy ra trên một tàu điện ngầm ở thủ đô London, khiến một số hành khách bị bỏng mặt.

Một nhân chứng cho biết ngọn lửa bùng lên từ một toa tàu và hiện đang lan ra toàn bộ tàu. Vụ việc khiến hành khách dẫm đạp lên nhau khi bỏ chạy ra khỏi hiện trường. Một nhân chứng khác cho biết bà nhìn thấy một chiếc túi, một ánh sáng lóe lên và nghe thấy tiếng nổ. Vụ cháy đã khiến ít nhất 29 người bị thương đã được đưa tới các cơ sở y tế. Không ai trong số đó bị thương nặng đe dọa đến tính mạng.

Ngày 15/9, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng thừa nhận tiến hành vụ đánh bom. Trang tin Amaq có liên quan tới IS đã đăng thông báo nêu rõ: "Một nhóm thành viên của IS đã tiến hành vụ đánh bom tại một ga tàu điện ngầm ở London."

Vài giờ sau khi xảy ra vụ đánh bom tại ga tàu điện ngầm Parsons Green ở thủ đô London, ngày 15/9, Anh đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất. Đây là lần thứ tư Anh nâng mức đe dọa khủng bố lên cao nhất trong vòng 11 năm qua.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Theresa May cho biết Anh đã nâng mức đe dọa khủng bố từ "nghiêm trọng" lên "nguy cấp" - mức cao nhất, đồng nghĩa với một cuộc tấn công có thể sắp xảy ra. Ngày 16/9, cảnh sát Anh thông báo đã bắt giữ một thanh niên 18 tuổi tình nghi liên quan vụ đánh bom tàu điện ngầm​. Được biết, đối tượng này bị bắt tại thành phố cảng miền Nam Dover. Tuyên bố của Lực lượng cảnh sát chống khủng bố cho biết đây là một vụ bắt giữ "quan trọng" trong quá trình điều tra.

Ngày 17/9, cảnh sát Anh đã bắt giữ nghi can thứ 2 có liên quan đến vụ đánh bom tại nhà ga Parsons Green​.

Trong một tuyên bố, cảnh sát thủ đô London cho biết đối tượng trên là một người đàn ông 21 tuổi, bị bắt hôm 16/9 tại khu ngoại ô Hounslow, phía Tây London.

Đối tượng này bị bắt theo Đạo luật chống khủng bố của Anh và được đưa về một đồn cảnh sát ở phía Nam thủ đô London.

Sự kiện quốc tế 11-17/9: iPhone X ra mắt với sự cố FaceID ảnh 2Nhân viên cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ nổ. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết lần thứ 9 trừng phạt Triều Tiên
Ngày 12​/9, sau nhiều ngày cân nhắc, Hội đồng Bản an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết mới tăng cường trừng phạt Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, sau vụ thử hạt nhân thứ 6 của nước này ngày 3​/9.

Nghị quyết cấm toàn bộ hàng xuất khẩu dệt may của Triều Tiên. Năm 2016, ngành công nghiệp dệt may đã mang lại doanh thu gần 1 tỷ USD cho Bình Nhưỡng.

Bên cạnh đó, Nghị quyết duy trì lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên, song chỉ áp đặt mức trần đối với xuất khẩu dầu đã tinh chế sang Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở mức 500.000 thùng trong vòng 3 tháng tính từ ngày 1​/10 và ở mức 2 triệu thùng trong 12 tháng tính từ ngày 1​/1​/2018.

Ngoài ra, xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên bị giới hạn ở mức hiện nay là 2 triệu thùng một năm.

Đánh giá về nghị quyết mới, các nhà phân tích cho rằng nghị quyết này “nhẹ nhàng” hơn nhiều so với dự thảo nghị quyết mà Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley đưa ra.

Đáng chú ý, nghị quyết mới kêu gọi triển khai các biện pháp ngoại giao, trong đó có việc khôi phục các cuộc đàm phán 6 bên.

Trong một động thái khác, vào hồi 6 giờ 57 phút sáng 15​/9, Triều Tiên đã tiếp tục phóng một tên lửa "không xác định" từ quận Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng hướng về phía Đông bay qua không phận đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản.

Sự kiện quốc tế 11-17/9: iPhone X ra mắt với sự cố FaceID ảnh 3Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)
Quốc hội Anh thông qua dự luật chấm dứt tư cách thành viên của Anh tại EU
Ngày 11​/9, sau hơn 13 giờ thảo luận, Quốc hội Anh đã phê chuẩn dự luật rút khỏi EU với 326 phiếu thuận và 290 phiếu chống. Sau khi được thông qua, dự luật này sẽ tiếp tục được các nghị sỹ Anh nghiên cứu kỹ lưỡng.

Đây là bước tiếp theo trong quá trình thực thi kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử hồi tháng 6​/2016 về việc Anh rời EU sau khi Thủ tướng Anh May chính thức thông báo việc này lên EU hồi tháng 3.

Dự luật rút khỏi EU cho phép Chính phủ Anh sửa đổi 12.000 quy định và luật của EU để đảm bảo các quy định này hoạt động hiệu quả và phù hợp với lợi ích, luật pháp Anh.

Dự luật rút khỏi EU là 1 trong 7 phần quan trọng liên quan đến luật pháp mà Chính phủ Anh cần Quốc hội thông qua nhằm đẩy nhanh tiến trình Brexit, bên cạnh các dự luật về liên minh thuế quan, thương mại, nhập cư, phòng vệ hạt nhân, nông nghiệp, nghề cá và các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Việc Quốc hội Anh thông qua dự luật rút khỏi EU lần này được coi là một sự khích lệ đối với chính quyền của Thủ tướng May.

Mặc dù vậy, dự luật Brexit cũng đang vấp phải sự phản đối từ các đảng đối lập và ngay cả trong nội bộ đảng Bảo thủ.

Các ý kiến phản đối cho rằng việc trao quá nhiều quyền lực cho các bộ trưởng trong Chính phủ Anh có thể kéo theo nhiều thay đổi lớn trong tiến trình đàm phán với EU.

Sự kiện quốc tế 11-17/9: iPhone X ra mắt với sự cố FaceID ảnh 4Tuần hành khắp khu vực trung tâm thủ đô London nhằm kêu gọi Chính phủ Anh xem xét lại và từ bỏ Brexit. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời chất vấn trên truyền hình
Ngày 11-9, bà Angela Merkel - ứng viên Thủ tướng Đức nhiệm kỳ tới, đã có cuộc trả lời chất vấn trên truyền hình trước 150 người đại diện cho khoảng 60 triệu cử tri Đức tham gia bỏ phiếu bầu Quốc hội Liên bang vào ngày 24/9 tới.

Với thời lượng 75 phút, bà Merkel đã trả lời rất nhiều câu hỏi chất vấn.

Các vấn đề được đề cập khá đa dạng, từ lương hưu, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người tàn tật, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, người tị nạn, phân biệt chủng tộc, vụ bê bối khí thải xe động cơ diesel, quân đội Đức hay quan hệ căng thẳng giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau cuộc chất vấn, nhìn chung truyền thống Đức đánh giá bà Merkel đang tiến gần hơn đến nhiệm kỳ Thủ tướng Đức thứ 4 liên tiếp.

Ưu tiên của bà Merkel trong nhiệm kỳ tới vẫn là tiếp tục thực hiện tốt những gì mà bà đã theo đuổi trong suốt 12 năm qua, qua 3 nhiệm kỳ giữ cương vị người đứng đầu chính phủ.

Sự kiện quốc tế 11-17/9: iPhone X ra mắt với sự cố FaceID ảnh 5Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: Reuters)
Mỹ vẫn tham dự hội nghị về thúc đẩy thực thi Hiệp định Paris
Ngày 16/9, các bộ trưởng môi trường đến từ khoảng 30 quốc gia trên thế giới đã nhóm họp tại thành phố Montreal​ của Canada để tham dự một hội nghị đặc biệt nhằm thúc đẩy việc thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Mỹ vẫn cử đại diện tham dự sự kiện này, mặc dù Nhà Trắng trước đó đã ra tuyên bố tái khẳng định lập trường của Washington sẽ rút khỏi thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu lịch sử này.

Với sự thúc đẩy của Canada, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), hội nghị lần này diễn ra vào đúng thời điểm cách đây 30 năm Nghị định thư Montreal đã được ký kết nhằm bảo vệ tầng ozone.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna nhấn mạnh thế giới vẫn còn cơ hội để thực thi việc bảo vệ môi trường thậm chí hơn nữa với Hiệp định Paris.

Viện dẫn sự tàn phá khủng khiếp của các siêu bão như Harvey và Irma - vốn được các nhà khoa học nhận định là hậu quả của tình trạng ấm lên toàn cầu - tại Mỹ và các nước vùng Caribe, Bộ trưởng McKenna nêu rõ: "Những thay đổi là có thật, những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, dữ dội và nguy hiểm hơn."

Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP23) tại thành phố Bonn của Đức vào tháng 11 tới, Hội nghị Montreal được xem là cơ hội để bộ trưởng các nước nỗ lực thu hẹp bất đồng và khác biệt nhằm hướng đến việc thực thi Hiệp định Paris vốn đang gặp thách thức sau khi Mỹ tuyên bố rút lui.

Trước thềm hội nghị này, nhiều cường quốc đã có một số quyết định đột phá trong nỗ lực chuyển đổi sang kinh tế không sử dụng năng lượng hóa thạch.

Sự kiện quốc tế 11-17/9: iPhone X ra mắt với sự cố FaceID ảnh 6Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna (giữa) phát biểu khai mạc hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Venezuela niêm yết giá dầu bằng đồng NDT thay thế đồng USD
Venezuela​ đã bắt đầu niêm yết giá dầu bằng đồng nhân dân tệ​. Theo Bộ Xăng dầu Venezuela, trong phiên cuối tuần 15/9 giá dầu được niêm yết trên trang điện tử của Bộ là 306,26 nhân dân tệ/thùng (46,7 USD/thùng), tăng so với mức tương ứng 300,91 ​nhân dân tệ/thùng (46,15 USD/thùng) của tuần trước.

Động thái trên diễn ra sau khi Tổng thống Venezuela tuyên bố hồi tuần trước rằng sẽ ngừng sử dụng đồng USD trong các giao dịch hàng hóa.

Đây cũng là một trong những nỗ lực của Caracas nhằm đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào quốc gia Nam Mỹ này.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Cesar Aristimuno cho rằng việc niêm yết giá dầu bằng đồng nhân dân tệ không có “nhiều ý nghĩa,” bởi đến cuối ngày, thị trường sẽ tiếp tục định giá lại bằng đồng USD.

Ngày 25/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm mua bán các khoản nợ và cổ phần mới được phát hành bởi Chính phủ Venezuela hay Tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA của nước này, đồng thời cũng cấm mua bán các trái phiếu hiện hành thuộc sở hữu của khu vực công cũng như các khoản chi trả cổ tức cho chính phủ quốc gia Nam Mỹ.

Chính phủ của ông Maduro tố cáo mục đích của Mỹ là nhằm chiếm đoạt nguồn tài nguyên giàu có của nước này.

Sự kiện quốc tế 11-17/9: iPhone X ra mắt với sự cố FaceID ảnh 7Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ecuador khôi phục được loài rùa bị coi là tuyệt chủng 150 năm trước
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, bằng chương trình hỗ trợ sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt tại môi trường tự nhiên, các nhà khoa học Ecuador đã khôi phục thành công một loài rùa bị coi là tuyệt chủng từ cách đây 150 năm tại quần đảo nổi tiếng Galápagos.

Giám đốc Vườn quốc gia Galápagos, Walter Bustos cho biết trong một cuộc thám hiểm khoa học, các nhà nghiên cứu của trung tâm này đã phát hiện ra những cá thể mẫu mang đặc điểm di truyền của loài rùa khổng lồ trên và sau đó đã bắt đầu chương trình nhân giống nói trên.

Theo ông Bustos, trong 5 năm tới, những cá thể rùa của đảo Floreana này sẽ khôi phục được môi trường sống tự nhiên của mình và đây là lần đầu tiên chương trình phục hồi môi trường sống được thực hiện với một loài rùa vốn bị coi là tuyệt chủng.

Nằm tại Thái Bình Dương cách phần đất liền của Ecuador khoảng 1.000 km, Galápagos nổi tiếng với môi trường sinh thái khép kín, giúp cho nhà sinh vật học lỗi lạc người Anh Charles Darwin phát triển Thuyết tiến hóa.

Ngoài các loài rùa đất khổng lồ đặc trưng, quần đảo này cũng sở hữu sự đa dạng sinh học rất phong phú, điển hình là các loài hạc, chim điên (Sulidae), hải âu mày đen (Diomedeidae) và chim cốc (Phalacrocorax), trong đó có nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Hồi năm 1979, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Galápagos là Di sản thiên nhiên của nhân loại./.

Sự kiện quốc tế 11-17/9: iPhone X ra mắt với sự cố FaceID ảnh 8Ảnh minh họa. (Nguồn: San Diego Zoo)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục