Tái cấu trúc loại hình vận tải hành khách công cộng TP.HCM

TP.HCM sẽ triển khai Đề án Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 để hình thành mạng lưới xe buýt liên thông, phủ khắp.
Tái cấu trúc loại hình vận tải hành khách công cộng TP.HCM ảnh 1Hành khách đón xe buýt tại Bến Thành (Quận 1). (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, quy mô dân số hơn 10 triệu người, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã khiến nhu cầu vận tải hành khách công cộng (bằng xe buýt, taxi) tại Thành phố Hồ Chí Minh trở nên bức thiết.

Thế nhưng, trên thực tế vận tải hành khách công cộng cũng chỉ mới đáp ứng được hơn 5,4% nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Việc tái cấu trúc loại hình vận tải công cộng đang được thành phố đặt ra.

Chưa mặn mà với xe buýt truyền thống

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Minh, giai đoạn 2011-2015, hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố bằng xe buýt và taxi vẫn đóng vai trò chủ lực. Mạng lưới tuyến xe buýt khá đa dạng, gồm xe buýt trợ giá và không trợ giá, xe buýt chạy ban đêm, xe chạy tuyến chuyên phục vụ học sinh, sinh viên và công nhân.

Ngoài ra, còn có xe buýt chở học sinh, sinh viên và công nhân đi học, đi làm theo hình thức hợp đồng từ nhà đến trường học, doanh nghiệp. Trong thời gian qua, mạng lưới tuyến buýt đã kết nối được giữa trung tâm thành phố với khu vực ngoại thành và một số tỉnh liền kề. Hành khách chỉ cần chuyển tuyến từ 1-2 lần là đến được điểm cần đến.

Tuy nhiên, vận tải hành khách công cộng đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Tính riêng xe buýt, dự kiến cả năm 2015 cũng chỉ đạt gần 367,7 triệu lượt, thấp hơn năm 2013 là 411 triệu lượt. Riêng tháng 8/2015, doanh thu vận tải hành khách; trong đó có vận tải xe buýt, taxi đạt hơn 1.800 tỷ đồng, giảm 4,8% so với tháng trước.

Đối với hoạt động taxi, từ năm 2010 đến nay, số lượng tham gia hoạt động giảm từ 31 còn 26 đơn vị; trong đó 80% số xe taxi trên địa bàn tập trung ở 2 đơn vị lớn là Vinasun Taxi (4.983 xe, chiếm 49%) và Mai Linh Taxi (3.128 xe, chiếm 31%). Mới đây, thành phố cho phép Công ty Phương Trang bổ sung từ 451 xe taxi lên 2.000 chiếc.

Tính đến ngày 31/12/2014, tổng số xe buýt đang hoạt động trên địa bàn thành phố là 2.797 xe, giảm 74 xe so với cuối năm 2013; trong đó có đến 75% số xe buýt được đầu tư từ năm 2002, đã trở nên lạc hậu, không hấp dẫn người dân. Mặt khác, tiền trợ giá xe buýt liên tục giảm, từ 1.422 tỷ đồng trong năm 2011 và đến năm 2015 chỉ còn 1.180 tỷ đồng.

Chính sách hạn chế xe cá nhân vẫn chưa được thực hiện. Đến ngày 15/7, thành phố đang quản lý hơn 7,2 triệu phương tiện; trong đó hơn 6,5 triệu xe môtô, chưa kể khoảng 1 triệu xe gắn máy vãng lai của các tỉnh lưu thông hàng ngày, tạo nên sự cạnh tranh và làm giảm đáng kể sản lượng hành khách đi xe buýt. Cùng với đó, hạ tầng phục vụ xe buýt còn yếu kém, chưa có làn đường dành riêng, dẫn đến dòng phương tiện lưu thông hỗn hợp cùng xe máy và ôtô.

Một cuộc khảo sát về tâm lý người đi xe buýt do Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện năm 2013 cho thấy, vẫn còn nhiều nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà đi xe buýt vì xe chạy quá nhanh, chạy ẩu, chưa an toàn, xe buýt không dừng hẳn và không dừng sát lề để đón trả khách, nhân viên có thái độ hách dịch, khó chịu…

Các xe buýt phải chiếm dụng mặt đường để lưu đậu qua đêm hoặc tại nhà của các chủ xe, không thực hiện được chế độ sửa chữa bảo dưỡng, bảo trì, bàn giao ca… ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động. Mạng lưới tuyến xe buýt xảy ra tình trạng trùng lắp do thiếu các điểm trung chuyển dẫn đến ùn tắc giao thông, gây lãng phí ngân sách.

Trong khi đó, hạ tầng giao thông đang quá tải, phương tiện cá nhân tăng mạnh khiến xe taxi phải chạy lòng vòng, thậm chí cố tình vi phạm luật giao thông để thực hiện đón trả khách hoặc lưu đậu dẫn đến tình trạng kẹt xe ở khu vực trung tâm…


Tích cực làm metro, BRT

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020, hoạt động vận tải hành khách công cộng vẫn giữ vai trò chủ lực, nhưng sẽ bão hòa và tăng chậm. Để phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu ùn tắc giao thông, thành phố đã triển khai một số giải pháp trọng tâm như tổ chức giao thông theo hướng hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, thực hiện một số tuyến đường có làn đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt, tổ chức các tuyến xe buýt nhanh (BRT, quy hoạch thành phố có 6 tuyến) và xây dựng hệ thống tàu điện ngầm (metro).

Mới đây Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (UCCI) ra mắt dự án tuyến BRT số 1 với tổng vốn đầu tư 137,5 triệu USD. Dự án chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ dài 23km; qua địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Từ tháng 12/2015-12/2016, dự án sẽ hoàn thành khâu đấu thầu xây lắp, sau đó khởi công xây dựng và đưa vào khai thác từ tháng 12/2018, đáp ứng khoảng 23.000 lượt hành khách/ngày.

Ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban UCCI, cho biết dự án BRT nhằm góp phần giải quyết một số vấn đề liên quan đến vận tải hành khách công cộng, thông qua việc tái cấu trúc lại mạng lưới tuyến xe buýt, kết hợp với các tuyến tàu điện ngầm hình thành mạng lưới vận tải hành khách công cộng đô thị khối lượng lớn, tốc độ cao, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, xe buýt nhanh cũng sẽ cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng nhanh hơn, an toàn, tiện nghi và chính xác hơn.

Với hệ thống metro, theo quy hoạch điều chỉnh, thành phố sẽ có 8 tuyến dài 172,6km và 3 tuyến xe điện chạy trên mặt đất và đường sắt 1 ray (monorail). Tuyến số 1 Bến Thành-Suối Tiên với tổng vốn đầu tư gần 2,5 tỷ USD đang được khẩn trương xây dựng, “hình hài” đang ngày càng hiện rõ. Các đơn vị đang thi công trụ móng, đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã ba Cát Lái đã nối ghép thành công 5 dầm đường.

Tuyến metro số 1 dài 19,7 km dự kiến hoàn thành vào năm 2019 chạy thử và khai thác thương mại từ năm 2020 với 17 đoàn tàu (3 toa/đoàn, chuyên chở 930 hành khách), từ năm 2025 về sau nâng lên 6 toa/đoàn, đến năm 2040 nâng lên 32 đoàn.

Trong khi đó, tuyến metro số 2 - giai đoạn 1 (Bến Thành-Tham Lương, dài 11,3km, tổng vốn đầu tư gần 1,4 tỷ USD) cũng vừa được triển khai với việc khởi công gói thầu CP1 - Tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại Depot Tham Lương.

Ước tính đến cuối năm 2020, tuyến metro số 1 và tuyến metro số 2 (giai đoạn 1) bắt đầu hoạt động với khối lượng dự kiến đạt khoảng 50 triệu lượt hành khách/năm. Các tuyến còn lại đang kêu gọi đầu tư, hoặc đang hoàn thành các thủ tục cần thiết để xây dựng.

Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sẽ triển khai Đề án Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 để hình thành mạng lưới xe buýt liên thông, phủ khắp như điều chỉnh lộ trình 12 tuyến xe buýt, mở mới bến xe Củ Chi, tuyến dọc đại lộ Phạm Văn Đồng, 2 tuyến phục vụ huyện Cần Giờ…

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ đầu tư đổi mới phương tiện vận tải xe buýt phù hợp với đặc tính đô thị, điều kiện đường giao thông trên địa bàn, thực hiện đấu giá cho thuê quảng cáo bên ngoài thân xe buýt để tạo nguồn thu bù đắp kinh phí trợ giá xe buýt (hàng trăm tỷ đồng mỗi năm). Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng bến xe miền Đông mới, bến xe miền Tây mới; chỉnh trang một số ga hành khách xe buýt theo hướng văn minh, hiện đại, tiện nghi để thu hút hành khách đi xe buýt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục