Tiêu thụ yếu, doanh nghiệp chật vật duy trì sản xuất

Trong 4 tháng đầu năm, do tiêu thụ chậm đã đẩy hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp tăng cao, tác động tiêu cực tới việc duy trì và ổn định sản xuất.

Tiêu biểu là dệt may, ngành luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, nhưng trong 4 tháng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng đã rơi vào cảnh "chợ chiều", thậm chí hoạt động cầm chừng. Chi phi đầu vào tăng cao cộng với sức mua giảm sút, nhiều doanh nghiệp đang chật vật duy trì sản xuất và giữ chân người lao động.
Chi phi đầu vào tăng cao cộng với sức mua giảm sút, nhiều doanh nghiệp đang chật vật để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động.

Sản xuất cầm chừng

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 4, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 2/5, thứ trưởng Nguyễn Nam Hải nhận định, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay đã có biểu hiện suy giảm, thậm chí có dấu hiệu suy thoái kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm, do tiêu thụ chậm đã đẩy hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp tăng cao, tác động tiêu cực tới việc duy trì và ổn định sản xuất.

Tiêu biểu là dệt may, ngành luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, nhưng trong 4 tháng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng đã rơi vào cảnh "chợ chiều", thậm chí hoạt động cầm chừng.

Trao đổi với Vietnam+, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, dù kết thúc quý I/2012, ngành dệt may vẫn giữ đà tăng trưởng, kim ngạch đạt 3,23 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2011, nhưng chủ yếu lại rơi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

"Tuy nhiên, đây chỉ là mức tăng cơ học, hiện các doanh nghiệp lớn mới ký được đơn hàng đến hết quý II/2012, một số ít ký được sang quý III hoặc đang đàm phán hợp đồng, còn lại hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang phải cầm cự," bà Dung nhấn mạnh.

Theo bà Dung, hầu hết tại các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ và EU đều suy giảm, do người dân thắt chặt chi tiêu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lượng hàng xuất khẩu mà các doanh nghiệp của Việt Nam còn bị ép giá.
 
Trong bức tranh tổng thể của ngành Công Thương, thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cũng chỉ rõ, khó khăn hiện đã lan sang nhiều ngành khác, đơn cử thị trường điện máy, dù đã bước sang mùa nắng nóng nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nhu cầu mua sắm các mặt hàng điện lạnh, các sản phẩm giải nhiệt của người tiêu dùng trong nước không cao do người dân thắt chặt chi tiêu và khan hiếm tiền mặt.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ điện máy đã nỗ lực mở mạng lưới bán hàng ở các tỉnh với hy vọng tăng doanh số. Tuy nhiên, trong tháng 4 sức mua của nhóm hàng điện máy tại các tỉnh vẫn giảm khoảng 10%-20% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng, điều hòa nhiệt độ giảm 69,4%; tủ lạnh, tủ đá giảm 3,5%...

Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc cắt giảm đầu tư công và bức tranh ảm đạm của thị trường bất động sản thời gian qua, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) băn khoăn khi những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô một mặt đã có những tác động tích cực.

Nhưng trên thực tế, việc thực hiện những giải pháp này trong thời gian qua đã làm nảy sinh một số vấn đề gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh bởi ngành thép chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc điều hành kinh tế của Nhà nước để kiềm chế lạm phát.

Sản lượng thép tháng 4 ước đạt 528.000 tấn, giảm 1,4% so với tháng 3 và tăng 12,0% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất thép vẫn phải tiết giảm sản xuất, chỉ chạy 50-60% công suất. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu, điện, xăng, dầu đều tăng cao đã làm cho chi phí sản xuất tăng, buộc các doanh nghiệp thép phải giữ giá thép thành phẩm ở mức cao.

"Ngay trong năm trước, các biện pháp mạnh của Nhà nước về cắt giảm đầu tư công, nhất là những chính sách về tài khóa, đầu tư những công trình bất động sản, hạ tầng cơ sở cũng bị cắt giảm rất nhiều. Thế nên, đầu ra của ngành thép gặp khó khăn rất lớn," ông Cường nói.

Theo Bộ Công Thương, sức mua hàng hóa trên thị trường trong tháng Tư có xu hướng tăng so với tháng 3, tuy nhiên mức tăng không đáng kể và thị trường tiếp tục kém sôi động dù giá một số mặt hàng đã giảm.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng Tư ước đạt trên 192 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng Ba và tăng 21,1% so với tháng 4/2011. 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 762 nghìn tỷ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ. Nếu loại bỏ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 4 tháng chỉ tăng 6,1%.

"Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp do hầu hết các ngành công nghiệp đều chịu ảnh hưởng những khó khăn chung của nền kinh tế, chí phí sản xuất cao nhưng tiêu thụ sản phẩm rất chậm," Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

Sẽ giải quyết vướng mắc nhanh nhất có thể

Nhận xét về thực trạng hàng tồn kho hiện nay, Hiệp hội thép cho biết, hiện lãi suất vay đã giảm, nhưng để thấm đến doanh nghiệp thì phải có độ trễ nhất định.

Để "giải vây" cho các doanh nghiệp trong ngành, đại diện Hiệp hội Thép cũng kiến nghị, đối với các dự án đầu tư công thì những công trình nào thật cần thiết cũng cần được đẩy nhanh. Những công trình xây dựng cơ bản cũng cần được kích hoạt, giúp cho các doanh nghiệp trong ngành phát huy hiệu quả sản xuất.

Ngoài ra, với tốc độ tiêu thụ hàng chậm như hiện nay, do nhiều công trình bị cắt giảm, các doanh nghiệp cần thực hành tiết kiệm, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất để thích ứng với sức mua từ thị trường.

Thị trường ngách, sức mua dẫu nhỏ nhưng sẽ là chỗ để doanh nghiệp khai thác nhằm cầm cự, cố chờ đợi sự biến chuyển tích cực từ thị trường nội địa, cùng các chính sách mới với hy vọng đẩy mạnh được tiêu dùng để hàng hóa sản xuất ra được lưu thông.

Trước tình hình trên, Bộ Công thương đang phối hợp với các Bộ, ngành tích cực xúc tiến các biện pháp nhằm tạo môi trường vĩ mô để các doanh nghiệp đỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn tốt, lãi suất thấp; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm bảo đảm ổn định và phát triển sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến và các ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu.

Ưu tiên hàng đầu hiện nay của doanh nghiệp là tìm vốn để cầm cự và vượt qua khó khăn. Vì vậy, Thứ trưởng Hải cho biết, liên Bộ sẽ cố gắng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn bằng cách giải quyết những vướng mắc nhanh nhất có thể.

"Tất cả mọi thủ tục hành chính đều được rút ngắn hết mức, nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí, tập trung xử lý việc kinh doanh," Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

Phía Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia nhằm tìm kiếm, mở rộng và khai thông thị trường, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và đẩy nhanh việc lưu chuyển hàng hóa trên thị trường nội địa.

Bộ sẽ phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và các chương trình bình ổn giá, giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng.../.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục