Trang Hạ: “Cần những cột mốc để biết mình không dừng lại”

Nữ nhà văn-dịch giả Trang Hạ cho rằng, thực tế không ai sống được với đam mê bằng một cái bụng rỗng và một cái đầu trống trải.
Trang Hạ: “Cần những cột mốc để biết mình không dừng lại” ảnh 1Nhà văn Trang Hạ (Ảnh: FHV)

Với phong cách hoạt bát, lối nói liên hồi như sợ những quãng ngưng sẽ làm lãng phí thời gian, nữ nhà văn-dịch giả Trang Hạ cởi mở chia sẻ quan niệm của chị về những câu chuyện “sống” và “viết,” “đam mê” và “cơm, áo, gạo, tiền”… trong buổi trò chuyện với chủ đề “Tôi sống-tôi viết” cùng giới trẻ diễn ra tối 30/6 tại Hà Nội.

“Bụng rỗng không nuôi được đam mê”

Trang Hạ chia sẻ, nhiều bạn trẻ nhầm tưởng rằng, đam mê là những việc ta làm hằng ngày hay gắn bó dài lâu. “Đừng vội đặt tên cho cảm xúc trong lòng mình và đừng gọi cái gì đó là đam mê khi bạn chưa cảm thấy rằng, mình không thể sống thiếu nó,” chị nói.

Nhà văn kể, mặc dù viết văn từ khi còn là học sinh trung học và hiện nay, chị vẫn tiếp tục cầm bút nhưng đam mê của Trang Hạ lại không phải là việc viết lách. Chị bảo, đọc sách mới là đam mê thực sự của chị. Năm 27 tuổi, người phụ nữ ấy mới nhận ra điều này. Trước đó, chị cũng lầm tưởng rằng mình say sưa với việc viết hơn là việc đọc.

Trước câu hỏi của một khán giả trẻ về việc cân đối giữa đam mê và chuyện “cơm, áo, gạo, tiền,” Trang Hạ thẳng thắn bày tỏ, thực tế, không ai sống được với đam mê bằng một cái bụng rỗng và một cái đầu trống trải bởi “Cơm áo không đùa với khách thơ!”

“Đam mê thường đi liền với ước mơ. Tôi nghĩ, để thành công, các bạn trẻ hãy biến ước mơ thành kế hoạch công việc cụ thể; đừng mơ hồ chung chung kiểu ‘tôi ước mơ trở thành ngôi sao’ mà không hiểu những bước đi cụ thể để đến được đích,” Trang Hạ chia sẻ.

Nhà văn bày tỏ sự tiếc nuối khi hiện nay, nhà trường chưa dạy cho học sinh cách hoạch định cuộc sống, tương lai (ví dụ như 20 tuổi, tôi phải có chuyến xuất ngoại đầu tiên; 25 tuổi, tôi phải tự mua được một chiếc xe mới…).

“Tôi quan niệm rằng, trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn phải có những cột mốc tự mình đặt ra để biết rằng, bản thân không dừng lại so với ngày hôm qua. Đó cũng là cách để cân bằng cuộc sống, không để những nỗi lo vật chất đời thường bóp méo đam mê. Hãy tưởng tượng, sau 10 năm, nếu bạn vẫn chỉ chơi được một bản nhạc như ngày đầu thì dù có trình diễn hay tới đâu, người hâm mộ cũng xa dần; chính bạn cũng sẽ cảm thấy chán nản,” Trang Hạ bày tỏ suy nghĩ.

Chị tin, mỗi người có đam mê, ước mơ và đó không nhất thiết phải là những điều lớn lao, cầu kỳ (kiểu như được trở thành người nổi tiếng...). “Làm bánh, trồng cây… cũng là những đam mê thú vị. Hãy tự tin sống với những đam mê đó và đừng ngại thể hiện ra với mọi người xung quanh về điều đó. Nó sẽ mang đến cho bạn những cơ hội mà nếu không chia sẻ, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy được,” Trang Hạ đưa ra lời khuyên với những khán giả trẻ.

Tuổi 20 và tuổi 30

Nghe cách Trang Hạ trò chuyện sẽ thấy, ẩn sau vẻ ngoài vội vã, tưởng chừng như vượt qua mọi giới hạn để níu giữ thời gian ấy của chị là một quan niệm sống hoàn toàn khác: “Tôi luôn đặt ra cho mình những giới hạn.” Chị bảo, cuộc sống xoay vần và mọi thứ ta có (đặc biệt là tuổi trẻ, thời gian…) đều là những tài sản vô giá, không thể đánh đổi: “Đừng lấy đam mê, sở thích là cái cớ mà coi thường những gì mình đang có.”

Trang Hạ chia sẻ, trước mỗi công việc, cơ hội, thử thách… mới, chị thường đặt ra cho mình giới hạn là sáu tháng. “Sau thời gian ấy, nếu cảm thấy không có hy vọng, tiến triển gì thì tôi sẽ dừng lại,” dịch giả nói.

Cũng trong buổi trò chuyện tối qua, Trang Hạ bày tỏ quan điểm sáng tác của mình: “Trong những truyện ngôn tình ta đọc, những bộ phim lãng mạn ta xem vẫn luôn tồn tại những sự thật trần trụi nhưng chúng được bọc đường bên ngoài. Cách viết của tôi thì ngược lại, tôi luôn cố bóc đi những lớp vỏ bọc; để mang đến cảm giác chân thực nhất.”

Những trải nghiệm cuộc sống, việc tích lũy tri thức qua sách vở… làm thay đổi cách viết của chị theo thời gian. Nhà văn chia sẻ, ở giai đoạn 20 tuổi, chị thường viết viết những câu chuyện tình cảm lãng mạn, đẹp như tranh. Ở độ tuổi ngoài 30, chị viết những thứ trần trụi, không thể né tránh cuộc sống (như vấn đề bản năng, dục vọng...) để độc giả nhận ra mình trong đó.

“Nếu chỉ viết bằng cảm xúc, không có tri thức, lý trí thì người viết sẽ không đi được tới tận cùng, bản chất của vấn đề. Những dòng chữ đó chỉ thể hiện được cảm xúc cá nhân của người viết mà không có tính phổ quát, không chuyển tải được nhịp độ, sắc màu cuộc sống,” diễn giả chia sẻ.

Trang Hạ nhắn gửi tới những khán giả trẻ muốn bắt đầu hành trình cầm bút: khi có cảm xúc, hãy viết và đừng ngại chia sẻ với những người xung quanh. “Ban đầu, bạn hãy viết ‘chuyện’ - những câu chuyện của cuộc sống đời thường với cảm xúc cá nhân; đừng nghĩ cứ cầm bút là phải viết ‘truyện’ - tác phẩm hoàn chỉnh với cốt truyện, giá trị nghệ thuật…,” nhà văn chia sẻ./.

Buổi trò chuyện “Tôi sống-tôi viết” nằm trong chuỗi hoạt động “Live.Act.Inspire” do Free Hugs Vietnam (FHV) khởi xướng. FHV là một tổ chức phi lợi nhuận dành cho các thành viên trẻ hướng tới các hoạt động vì cộng đồng.

Nội dung xuyên suốt của dự án “Live.Act.Inspire” là các buổi trò chuyện của các diễn giả từ nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội, các bạn trẻ đang thành công với chính hướng đi mới mẻ mà họ lựa chọn.

Trước “Tôi sống-tôi viết,” “Live.Act.Inspire” đã triển khai bốn buổi trò chuyện với các chủ đề: “Đi để trưởng thành,” “Nét vẽ không giới hạn,” “Sống là sống với…” và “Đam mê liệu đã đủ?”
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục