Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá có tạo ra "cuộc chiến tiền tệ"?

Điều chỉnh chính sách tỷ giá không chỉ là chuyện riêng của một quốc gia, nhất là khi đó lại là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như Trung Quốc, bởi nó sẽ gây ra nhiều tác động.
Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá có tạo ra "cuộc chiến tiền tệ"? ảnh 1Kiểm tiền NDT tại ngân hàng ở Liên Vận Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 11/8. (Nguồn: THX/TTXVN)

Điều chỉnh chính sách tỷ giá không chỉ là chuyện riêng của một quốc gia, nhất là khi đó lại là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như Trung Quốc, bởi nó sẽ gây ra những tác động đến các thị trường tài chính cũng như các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu.

Động thái giảm giá đồng nội tệ trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng khiến người ta nghi ngại liệu đó có phải để thúc đẩy xuất khẩu và cứu vãn nền kinh tế hay không. Vì thế, nỗi lo về một cuộc chiến tiền tệ cũng nảy sinh từ đó, khi các quốc gia khác cũng có hành động tương tự.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có nhiều lý do để không giảm giá đồng tiền nhằm tạo lợi thế cho xuất khẩu.

Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) ngày 11/8 đã có một động thái gây bất ngờ là điều chỉnh giảm gần 2% tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ với đồng USD, xuống mức thấp nhất trong ba năm. Cụ thể là PboC đã ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày của đồng nhân dân tệ ở mức 6,2298 nhân dân tệ = 1 USD, giảm 1,86% so với 6,1162 nhân dân tệ của ngày 10/8.

Và trong ba ngày liên tiếp kể từ ngày 11/8, tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD đã giảm gần 5%. Đây là đợt giảm giá mạnh nhất của đồng nhân dân tệ trong hơn hai thập niên. PboC, Ngân hàng trung ương Trung Quốc, lý giải việc tỷ giá của đồng nhân dân tệ giảm mạnh như vậy là do cách tính toán mới dựa trên giá chốt phiên ngày hôm trước, yếu tố cung cầu cũng như biến động tỷ giá đồng tiền của các nền kinh tế lớn khác, và cho đây là một phần của những cải cách cơ chế tỷ giá nhằm cho phép thị trường có vai trò lớn hơn trong việc xác định tỷ giá.

Có lẽ sẽ khó có thể đánh giá tác động của việc phá giá đồng nhân dân tệ nếu không hiểu về cơ chế hoạt động của thị trường ngoại hối Trung Quốc. Lo ngại về tình trạng thoái vốn mất kiểm soát, nước này vẫn giám sát chặt chẽ sự chuyển đổi của đồng nhân dân tệ.

Hàng ngày, các nhà điều hành và PBoC đặt ra một tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ so với đồng USD và tỷ giá giao dịch chỉ được phép dao động trong biên độ 2% so với tỷ giá tham chiếu, cho phép tỷ giá biến động theo cung cầu, nhưng không để xảy ra biến động mạnh.

Điều này là khác biệt so với các động tiền mạnh khác đang được giao dịch tự do, như đồng USD và đồng euro. Nhưng biện pháp này làm cho đồng nhân dân tệ ổn định hơn nhiều so với các đồng tiền mạnh khác.

Vì thế, mức giảm gần 2% vào ngày 11/8 đối với đồng tiền này là lớn, bởi trước đó đồng nhân dân tệ dao động trong biên độ gần 0,4% trong bốn tháng.

Đối với những nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Trung Quốc, cải cách chế độ tỷ giá mà vẫn phải bảo đảm không để giá giảm ngoài tầm kiểm soát là một thách thức vô cùng lớn.

Theo đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Trung Quốc, Markus Rodlauer, các động thái quản lý đồng nhân dân tệ mới đây của Chính phủ Trung Quốc cho thấy nước này "đang tiến gần hơn tới cơ chế thả nổi tỷ giá" giữa đồng nhân dân tệ với đồng USD.

Ông cho rằng Chính phủ Trung Quốc vẫn có thể sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ, song điều đó sẽ chỉ đặt nền tảng cho một sự linh hoạt lớn hơn. Theo ông, IMF không kỳ vọng Trung Quốc có thể hoàn tất ngay cơ chế thả nổi tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ với đồng USD, mà vẫn sẽ duy trì chính sách “thả nổi có kiểm soát” và sẽ hoàn thiện cơ chế này trong vòng từ hai đến ba năm tới.

Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào cuối tháng Tám khẳng định rằng không có cơ sở cho thấy đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục giảm giá thêm nữa, và tỷ giá hối đoái sẽ được giữ ở mức "ổn định cơ bản" ở mức có thể thích ứng và cân bằng.

Vào cuối tháng Chín, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng cải cách cơ chế tỷ giá theo hướng thị trường sẽ vẫn được triển khai và không có cơ sở nào để đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm giá lâu dài, đất nước đang có những điều chỉnh giúp đồng nhân dân tệ có thể chuyển đổi một cách ổn định và trật tự.

Các thị trường và các nền kinh tế bị tác động

Quyết định điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc dường như đã khiến cho thị trường tài chính thế giới bị tác động khá mạnh. Chốt phiên 11/8, các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới sụt giảm, các chỉ số chứng khoán chính trên Phố Wall đồng loạt đi xuống.

Quyết định trên gây tổn thương cho đồng AUD của Australia, đồng NZD của New Zealand, đồng won của Hàn Quốc và là nguyên nhân khiến tỷ giá hối đoái của đồng ringgit Malaysia rơi xuống mức thấp kỷ lục mới. Ngày hôm sau, khi đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm tất cả các thị trường chứng khoán châu Âu đều giảm mạnh, trong đó cổ phiếu của các công ty có liên quan với Trung Quốc giảm mạnh nhất.

Tại Nhật Bản, chỉ số chứng khoán đã lao xuống mức thấp nhất trong một tháng khi Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ. Dư luận lo ngại rằng đồng nhân dân tệ yếu hơn sẽ làm giảm sức chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh số bán lẻ.

Tại Ấn Độ, đồng nhân dân tệ giảm giá đã tác động mạnh đến đồng rupee, đẩy đồng nội tệ của Ấn Độ xuống còn 64,77 rupee = 1 USD chiều 12/8, mức thấp nhất trong vòng gần hai năm.

Hãng tin Zee News nhận định việc phá giá đồng nhân dân tệ không chỉ ảnh hưởng tới đồng rupee mà còn làm cho đầu tư vào Trung Quốc trở nên rẻ hơn và khiến nhà đầu tư nước ngoài "né tránh" Ấn Độ. Thêm vào đó, lĩnh vực xuất khẩu của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng.

Các nước châu Á được cho là phải chịu tác động lớn nhất từ quyết định của Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ yếu sẽ khiến hàng hóa của vùng lãnh thổ Đài Loan, Singapore, Việt Nam và Thái Lan giảm khả năng cạnh tranh.

Theo một số nhà phân tích ở Credit Suisse, Thái Lan, Malaysia, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc) có thể nằm trong số những nền kinh tế dễ bị tác động nhất, bởi vừa phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc cho việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, vừa cạnh tranh với Trung Quốc ở các thị trường xuất khẩu khác.

Ngành du lịch Thái Lan sẽ đứng trước rủi ro khi du khách Trung Quốc sẽ thấy rằng việc du lịch nước ngoài tốn kém hơn, trong khi du lịch dự kiến sẽ đóng góp khá lớn cho tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm nay.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá lại là tin mừng với một số nước như Hàn Quốc. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Kyung-hwan nói việc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ được kỳ vọng là sẽ có ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế Hàn Quốc, nếu chính sách này dẫn đến sự gia tăng trong lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Ông Choi cho rằng đồng nhân dân tệ yếu có thể thực sự có lợi cho Hàn Quốc vào lúc này, và nếu xuất khẩu của Trung Quốc gia tăng thì có thể làm cho nhu cầu với các loại hàng bán thành phẩm do Hàn Quốc sản xuất cũng tăng theo.

Liệu có cuộc chiến tiền tệ?

Trước động thái của Trung Quốc, nhiều người bi quan cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ. Những người khác tiên đoán rằng kỷ nguyên mới của cuộc chiến tiền tệ sắp bắt đầu. Phải thừa nhận rằng kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại và có sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu.

Việc điều chỉnh giảm tỷ giá của đồng nhân dân tệ có thể được xem như là một động thái để thúc đẩy xuất khẩu vốn đang trên đà suy giảm và phục hồi tăng trưởng trong nước.

Động thái này cũng có thể thúc đẩy các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc ở châu Á và các nơi đi khác đến quyết định đẩy tỷ giá hối đoái xuống, châm ngòi cho một cuộc chiến tiền tệ. Vì vậy trong vấn đề này, các nhà đầu tư lo ngại là hoàn toàn có lý.

Tuy nhiên, nhật báo Straits Times cho rằng sự hỗn loạn ở các thị trường tiền tệ thế giới, nhất là ở châu Á, phản ánh sự hiểu nhầm của nhà đầu tư và một số chính trị gia về động thái Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ.

Ở một mức độ nào đó, đây là phản ứng thái quá về tác động của động thái này. Thực tế cho thấy những gì đang xảy ra không cho thấy một cuộc chiến tiền tệ giữa các thị trường đang nổi, như nhiều người phỏng đoán.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s cũng cho rằng việc Trung Quốc điều chỉnh cách tính tỷ giá hối đoái là khá hợp lý về mặt kinh tế và không giống như sự khởi đầu cho một cuộc chiến tiền tệ hay một nỗ lực nhằm phục hồi tăng trưởng.

Trước hết, mức giảm giá của đồng nhân dân tệ như gần đây là không lớn, nếu so với mức giảm 23% của đồng euro so với đồng USD và đồng nhân dân tệ từ giữa tháng 3/2014 đến tháng 3/2015 và mức giảm 35% của đồng yen trong ba năm, kể từ khi chính sách kích thích kinh tế được thực hiện.

Trung Quốc thực sự muốn giành một thị phần lớn hơn thương mại toàn cầu nên rất khó để thuyết phục rằng Trung Quốc muốn thực hiện tham vọng đó thông qua những điều chỉnh tỷ giá khiêm tốn như vậy.

Ngoài ra, việc hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn phần nào do đồng nhân dân tệ yếu thì cũng không có nghĩa hàng xuất khẩu Trung Quốc sẽ tăng mạnh về khối lượng, bởi điều này không chỉ phụ thuộc vào giá mà còn phụ thuộc vào nhu cầu của bên ngoài.

Chưa kể, một đồng tiền yếu hơn không có nghĩa là sẽ hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ giảm giá có tác động hai chiều đến các nhà sản xuất Trung Quốc, khi tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu với giá rẻ hơn, nhưng lợi thế này sẽ không còn nếu một nhà máy phải nhập nhiều nguyên liệu thô được thanh toán bằng đồng USD hoặc các ngoại tệ khác.

Lạm phát tại Trung Quốc cũng có thể tăng do chi phí nhập khẩu tăng, kéo theo nguy cơ thoái vốn tăng lên do các nhà đầu tư lo lắng tài sản bị mất giá theo đà giảm của nhân dân tệ. Theo Tom Orlik, văn phòng Bloomberg Intelligence, giá trị nhân dân tệ cứ giảm 1% thì sẽ làm tăng xuất khẩu 1%, nhưng cũng làm 40 tỷ USD vốn chạy khỏi Trung Quốc.

Bên cạnh đó, khi đồng nhân dân tệ giảm giá các doanh nghiệp Trung Quốc vay mượn nước ngoài sẽ phải đối mặt với gánh nặng nợ cao hơn, từ đó tăng chi phí và giảm lợi nhuận. Các khoản vay nước ngoài của các công ty phi tài chính Trung Quốc lên tới 1.000 tỷ USD.

Việc giảm giá đồng nhân dân tệ sẽ làm tăng gánh nợ cho các doanh nghiệp, tăng mức độ rủi ro của các khoản nợ xấu và nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục