Việt Nam tiến lên mạng 4G: "Ai cũng thích đi xe ôtô Audi, BMW"

Việt Nam cần phải xem công nghệ đã chín muồi chưa, có phù hợp với nhu cầu thị trường không và cần xây dựng một hệ sinh thái đủ mạnh… chứ không chạy theo thương hiệu khi làm 4G.
Việt Nam tiến lên mạng 4G: "Ai cũng thích đi xe ôtô Audi, BMW" ảnh 1Nhiều chuyển gia cho rằng, năm 2016 mới cấp phép 4G là hợp lý. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Khi triển khai mạng di động 4G, Việt Nam cần phải xem công nghệ đã chín muồi chưa, có phù hợp với nhu cầu thị trường không và cần xây dựng một hệ sinh thái đủ mạnh… Nhà mạng không nên triển khai chỉ để làm thương hiệu.

Yếu tố tiên quyết

Chia sẻ tại tọa đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức ngày 21/10, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng, thời điểm quyết định triển khai 4G dựa vào ba yếu tố.

Theo ông Thắng, điều đầu tiên là phải xem công nghệ đã chín muồi và phổ biến chưa. Bởi nếu triển khai sớm quá thì giá thành thiết bị sẽ đắt, cước phí sẽ đắt. Ngược lại, nếu triển khai giữa chừng thì lại bị lỡ nhịp vì thế giới đã chuyển sang công nghệ khác.

Tính đến quý III/2014, tổng số thuê bao 4G LTE và LTE Advanced trên toàn thế giới đạt trên 700 triệu thuê bao, chiếm 10,4% số thuê bao di động toàn cầu. Và, trên lý thuyết, khi số lượng thuê bao ở mức 10-15% thì công nghệ ấy được xem là có khả năng trở thành phổ biến.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã từng trả giá khi đưa công nghệ vào không phù hợp với thời điểm hoặc lạc hậu (như CityPhone, CDMA2000…). Những công nghệ này phát triển trên thế giới một thời gian, song không kéo dài.

Bên cạnh yếu tố công nghệ, cần có băng tần phù hợp và cuối cùng chính là việc phải xét đến cung cầu của thị trường.

Vị chuyên gia phụ trách viễn thông trong nhiều năm cho rằng, người dùng ai cũng muốn có công nghệ tốt, chất lượng cao, vùng phủ sóng rộng. Điều này cũng giống như chuyện ai cũng thích đi ôtô Audi, BMW… nhưng cần phải xem trình độ phát triển chung của xã hội ra sao.

Ông Thắng cũng nói về câu chuyện của 3G. Về bản chất, công nghệ 3G rất tốt nhưng việc đưa công nghệ đạt chuẩn thì chưa làm được. Và, "nếu triển khai 4G mà vẫn làm theo kiểu 3G thì cũng giống như trên đường từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh có đoạn cao tốc, đoạn tỉnh lộ, huyện lộ," như một số chuyên gia ví von,… thì sẽ không đạt được tốc độ như kỳ vọng.

Cũng theo ​ông Thắng, các nhà sản xuất đăng đàn nhiều về việc đã đến lúc triển khai 4G, nếu không sẽ bị tụt hậu. Song, ông cho rằng các nhà mạng không nên cuốn theo tuyên bố của nhà sản xuất. Chiến lược 3G của Việt Nam là một ví dụ điển hình khi các nước triển khai từ những năm 2010, nhưng 9 năm sau đó Việt Nam mới làm khi lượng smartphone, tablet đã trở nên phổ biến.

Hiện, các thiết bị 4G ở Việt Nam hiện còn khá đắt đỏ, chưa phù hợp với đa số túi tiền của người dân. Bởi vậy, nhà mạng cần lắng nghe nhu cầu của phía người dùng. Nếu không có nhu cầu mà vẫn làm thì chỉ để lấy tiếng.

Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đã xác định rõ sau năm 2015 mới cấp phép cho doanh nghiệp triển khai thế hệ di động tiếp theo. Và, nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là thời điểm thích hợp.

Việt Nam tiến lên mạng 4G: "Ai cũng thích đi xe ôtô Audi, BMW" ảnh 2Theo Qualcomm, hiện có 422 mạng 4G ở 143 quốc gia được thương mại hóa, cung cấp dịch vụ tới người dân trong tổng số 670 nhà mạng ở 181 quốc gia đầu tư cho 4G. (Ảnh: VNP)

Hệ sinh thái phải đủ mạnh

Tại buổi tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh, đại diện Cục Viễn thông cho hay Bộ Thông tin và Truyền thông đang xem xét cấp phép cho 3 doanh nghiệp xin phép cung cấp thử nghiệm dịch vụ 4G.

Đại diện của VNPT-NET và Viettel đều cho biết đã sẵn sàng cung cấp thử nghiệm 4G khi nhận được giấy phép nói trên.

Ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc công nghệ của Viettel cho biết, đơn vị này sẽ rút kinh nghiệm từ việc triển khai 3G để đưa ra những dịch vụ tốt nhất dựa trên việc tiếp cận với trải nghiệm người dùng và các dịch vụ data mang tính sáng tạo cao.

Trong khi đó, ông Nguyễn ​Nam Long, Phó Tổng Giám đốc VNPT-NET cũng khẳng định công nghệ 4G đã chín muồi và đơn vị này đang đợi giấy phép thử nghiệm để cung cấp dịch vụ ra thị trường.

“VNPT không thử nghiệm về công nghệ, mà thử nghiệm về thương mại, trải nghiệm và phản hồi từ người dùng,” ông Long nói.

Về giá, đại diện của 2 nhà mạng nói trên đều cho biết chưa có phương án giá. Song, rất có thể giá cước sẽ không đổi so với 3G.

Ông Phạm Anh Chiến, Giám đốc VTV Digital cho rằng bên cạnh yếu tố thiết bị đầu cuối rẻ, để triển khai 4G thành công thì cần phải có hệ sinh thái, nội dung đủ mạnh. Nếu như 2G, hệ sinh thái là gọi và SMS, 3G là truy cập Internet thì 4G hệ sinh thái phải là media.

Ông Chiến cũng chia sẻ, video là tương lai của 4G, cũng như tương lai của truyền hình là 4K, 8K… Do đó, vấn đề nội dung sẽ quyết định bài toán​ 4G và đây cũng chính là lý do các nhà mạng nhảy vào lĩnh vực truyền hình.

Đồng tình, ông Nguyễn Nam Long cho rằng khi đường truyền lớn thì việc trải nghiệm sẽ là quan trọng nhất. Đơn vị này dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình, thoại chất lượng cao và rất cần sự bắt tay chặt chẽ với những nhà cung cấp nội dung để có thể đưa ra dịch vụ tốt nhất.

Phía Viettel thì cho hay đã xác định thiết kế 4G LTE trước hết để dùng dịch vụ video. Bên cạnh đó, nhà mạng sẽ tạo môi trường để các nhà cung cấp nội dung, người dùng sáng tạo ra nội dung để tạo ra sự thành công của 4G trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục