Trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên VietnamPlus về việc triển khai mạng di động 4G tại Việt Nam, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho biết, thông thường giá thành của 1GB data 3G sẽ đắt hơn 4G.
- Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng năm 2016 sẽ là thời điểm 4G được triển khai ở Việt Nam. Ông có nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Ông Thiều Phương Nam: Theo tôi, ý kiến này là xác đáng. Hiện giờ mọi thứ đã sẵn sàng từ mặt chính sách, công nghệ (hạ tầng mạng và sự sẵn sàng của các thiết bị đầu cuối). Thêm vào đó, Việt Nam có số người dùng dữ liệu trên mạng 3G tăng mạnh [tính đến hết tháng Sáu, cả nước có 34,8 triệu thuê bao-pv]. Do đó, việc triển khai 4G đã hội tụ yếu tố thiên thời, địa lợi…
- Có một thực tế là giá các thiết bị đầu cuối 4G hiện còn khá cao so với thu nhập của người Việt và được cho là mối lo chính trong việc triển khai dịch vụ này, thưa ông?
Ông Thiều Phương Nam: Trên thị trường, giá thành thiết bị di động nói chung và thiết bị hỗ trợ công nghệ 4G liên tục đi xuống và xuất hiện nhiều trên thị trường.
Về phía Qualcomm, hiện 4G được đưa vào tất cả các dòng chipset kể cả các dòng chipset dành cho các thiết bị giá bình dân (Snapdragon 200). Các điện thoại dùng Snapdragon 200 thì giá đến người tiêu dùng chỉ tầm 100 USD. Trong chiến lược của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào phân khúc giá rẻ. Bởi vậy, những thiết bị hỗ trợ 4G có giá thành thấp sẽ ngày càng nhiều. Cho nên, băn khoăn của Việt Nam về giá thành thiết bị hỗ trợ 4G có lẽ sẽ được giải quyết…
- Ông đánh giá thế nào về mức độ sẵn sàng của các nhà mạng tại Việt Nam trong việc triển khai 4G ở Việt Nam?
Ông Thiều Phương Nam: Tôi thấy các nhà mạng khá hào hứng. 4G sẽ đem lại cơ hội cho nhà mạng, tạo ra một làn sóng mới để họ đưa ra những dịch vụ mới cung cấp cho khách hàng.
Kinh nghiệm cho thấy, những thị trường phát triển 4G thành công sẽ tạo cú hích cho cả ngành di động, kể cả sự tăng trưởng của các thiết bị đầu cuối, số lượng người dùng data và doanh số của các nhà mạng. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
- Khi triển khai 4G, nhà mạng có thay đổi giá thành của dịch vụ 3G không, thưa ông?
Ông Thiều Phương Nam: Việc này tùy theo mô hình của các nhà mạng. Tuy nhiên, đa phần các nhà mạng bán những gói cước data theo dung lượng chứ không phân biệt bán data này theo 4G hay 3G.
Cái lợi của nhà mạng là 4G có tốc độ download rất nhanh nên lượng tiêu thụ data tăng vọt. Bởi thế, thay vì trước kia dùng 3G không xem được Video HD hay những ứng dụng cần data nhiều, thì khách hàng chỉ cần mua gói cước dung lượng nhỏ thôi. Khi dùng 4G thì lập tức cách người ta dùng dữ liệu trên smartphone sẽ khác và gói cước dung lượng nhỏ sẽ hết rất nhanh nên họ sẽ mua gói cước lớn và việc này sẽ đem lại doanh thu cho nhà mạng chứ vấn đề không phải là bán 4G đắt hơn 3G…
- Thông thường, giá thành để có 1Gb 4G cung cấp cho khách hàng đắt hay rẻ hơn 3G?
Ông Thiều Phương Nam: Giá thành đầu tư hạ tầng mạng, bảo trì, chi phí… cho 1Gb của 4G rẻ hơn 3G.
- Vậy giá thành dịch vụ 4G của các nhà mạng trên thế giới có rẻ hơn 3G không?
Ông Thiều Phương Nam: Tốc độ nhanh hơn mà rẻ hơn thì khó có thể đáp ứng được cùng một lúc cả hai yêu cầu. Tuy nhiên, điều quan trọng là 4G sẽ đem lại trải nghiệm người dùng cao hơn, người dùng chuyển qua 4G thì sẽ dùng nhiều data hơn… đem lại doanh thu cho nhà mạng.
- Ông có lời khuyên nào cho các nhà mạng Việt Nam trong việc xác định giá cước 4G khi dịch vụ này được triển khai?
Ông Thiều Phương Nam: Tôi nghĩ mỗi nhà mạng có một chiến lược khác nhau nên khó để đưa ra lời khuyên chung. Tuy nhiên, nếu nhà mạng nào tập trung vào khách hàng cao cấp ở những thành phố lớn như Sài Gòn hay Hà Nội, thì giá cả không phải là một điều quan trọng. Song, đối với giới sinh viên hay người thu nhập không cao thì giá thành lại là một vấn đề.
Tôi cho rằng, để thành công thì dịch vụ phải tốt và giá thành phải phù hợp với đối tượng mình muốn bán. Bởi vậy nhà mạng nên đa dạng hóa gói cước cho từng đối tượng khách hàng.
- Xin cảm ơn ông!