Việt-Nhật bàn về việc xây dựng quan hệ lao động

Một trong những yếu tố để Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản là xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và tốt đẹp.
"Xây dựng quan hệ lao động tốt đẹp hơn trong các công ty đa quốc gia Nhật Bản" là chủ đề cuộc hội thảo diễn ra trong 2 ngày 8-9/8 tại Hà Nội, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổng Công đoàn Nhật Bản phối hợp tổ chức.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng vấn đề xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là động lực mà Chính phủ, các bộ ngành liên quan, tổ chức công đoàn và cộng đồng doanh nghiệp đã và đang hướng tới.

Trong thời gian tới, Bộ Luật lao động (sửa đổi) và Luật công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và cùng các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, của tổ chức công đoàn, của cộng đồng doanh nghiệp chắc chắn quan hệ lao động sẽ từng bước được cải thiện và củng cố vững chắc.

Với trách nhiệm của mình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn sẽ làm hết sức mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, nhưng cũng cùng với các doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Ông Mai Đức Chính tin tưởng rằng những kinh nghiệm, thông tin được chia sẻ tại hội thảo sẽ được các doanh nghiệp Nhật Bản, các cơ quan chức năng của Việt Nam và các cấp công đoàn xem xét, nghiên cứu, triển khai trong quá trình xây dựng quan hệ lao động ở doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động tốt đẹp hơn ở các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Nhân dịp này, ông Mai Đức Chính cũng đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản phối hợp cộng tác với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn trong việc phát triển đoàn viên để công đoàn cơ sở doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; đồng thời chấp hành tốt các quy định của pháp luật lao động và công đoàn, góp phần xây dựng quan hệ lao động ngày càng tốt đẹp hơn.

Ông Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cũng đồng tình cho rằng một trong những yếu tố để Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản là xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và tốt đẹp. Để giải quyết những tranh chấp phát sinh không tránh khỏi, cần tuân thủ nghiêm những tiêu chuẩn lao động quốc tế, quan tâm đến quan hệ chủ-thợ và những điều kiện của doanh nghiệp.

Theo ông Hisashige Danno, Phó Tổng thư ký Tổng Công đoàn Nhật Bản, xu hướng toàn cầu hóa kéo theo sự chuyển giao mạnh mẽ giữa các quốc gia trên nhiều mặt, trong đó, tiền lương, điều kiện lao động phải phù hợp với hoàn cảnh kinh tế-xã hội của mỗi nước.

Các doanh nghiệp không chỉ phải quan tâm đến việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa ở nước mình mà còn với quốc gia có hợp tác. Ông Hisashige Danno cho rằng người lãnh đạo tổ chức công đoàn các cấp cần đóng vai trò tiên phong trong việc tăng cường sự hiểu biết của người lao động, người sử dụng lao động giữa hai nước để sự hợp tác ngày càng tốt đẹp hơn.

Trong 2 ngày hội thảo, các đại biểu sẽ tìm hiểu, thảo luận một loạt vấn đề liên quan đến pháp luật lao động về cơ chế giải quyết tranh chấp; những khó khăn thách thức trong công tác phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn trong khu vực FDI; đặc điểm và những thách thức trong quan hệ lao động ở các công ty Nhật Bản; quan hệ lao động trong các công ty đa quốc gia ở Việt Nam; quan hệ lao động trong các công ty Nhật Bản ở Việt Nam.

Hội thảo cũng sẽ nghe báo cáo điển hình về quan hệ chủ-thợ trong doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam, báo cáo của đại diện chủ sử dụng lao động Nhật Bản...

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự phát triển nhanh chóng của các loại hình doanh nghiệp đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình hình quan hệ lao động đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là các cuộc tranh chấp lao động tập thể-đình công đang có chiều hướng gia tăng, trong đó, các cuộc tranh chấp lao động tập thể-đình công ở các doanh nghiệp FDI chiếm trên 80%.

Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do người sử dụng lao động chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật lao động như trả lương thấp, nợ lương, tăng ca liên tục hoặc né tránh việc đóng bảo hiểm xã hội…

Mặt khác, các quy định của pháp luật lao động về đối thoại xã hội, về thương lượng tập thể, về trình tự tổ chức giải quyết tranh chấp lao động tập thể-đình công còn nhiều khó khăn, vướng mắc./.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục