10 giải pháp giữ an toàn giao thông đường sắt

So với cùng kỳ năm ngoái, các vụ tai nạn đường sắt đã giảm về số vụ, số thương vong, tuy nhiên mức độ tai nạn lại nghiêm trọng hơn.
Ngày 23/12, tại Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ và Đường sắt tổ chức hội thảo “Lái tàu với công tác phòng tránh tai nạn giao thông đường sắt” để bàn về các biện pháp cấp bách đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tính đến ngày 20/12, trên toàn mạng Đường sắt Việt Nam đã xảy ra 564 vụ tai nạn giao thông, làm 208 người chết, 391 người bị thương, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, mức độ tai nạn lại nghiêm trọng hơn, chủ yếu là các vụ tàu va vào người và phương tiện giao thông đường bộ tại các điểm giao cắt với đường sắt (đường ngang) nhất là tại các đường ngang bất hợp pháp (hay còn gọi là đường ngang dân sinh) và đường ngang cảnh báo tự động…

Nguyên nhân là do người tham gia giao thông không chấp hành đúng quy định trong Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt và Điều lệ đường ngang.

Một phần nữa cũng do ý thức chủ quan của lái tàu, cho rằng đường sắt là đường độc đạo, đường ưu tiên nên chủ quan, chưa thực hiện đúng chế độ hô - đáp tàu, kéo còi cảnh báo và xử lý hãm tàu khi phát hiện chướng ngại trên đường sắt.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng khác khiến gia tăng tai nạn giao thông đường sắt chính là hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, làm hạn chế tầm nhìn của cả lái tàu và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khác...

Để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt, các đại biểu tại hội thảo đều kiến nghị phải thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tai nạn giao thông đường sắt, trong đó có 10 giải pháp quan trọng nhất.

Theo đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phối hợp tốt với các địa phương trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường sắt; xử lý và gắn trách nhiệm đối với lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương nơi để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.

Ngành cũng tăng cường cơ sở vật chất cho công tác đào tạo và sát hạch lái tàu; hoàn thiện các quy phạm pháp luật đối với lái tàu như ban hành các văn bản về nội dung chương trình đào tạo lái tàu, tiêu chuẩn sức khỏe lái tàu.

Ngành đường sắt phải nâng cao ý thức trách nhiệm của công nhân lái tàu và phải kiểm tra nồng độ cồn của công nhân lái tàu khi lên ban. Tại các đường ngang, phòng vệ bằng biển báo, triển khai lắp đặt gương cầu lồi, tín hiệu có chu kỳ phát sáng để thu hút sự chú ý của người tham gia giao thông qua đường ngang.

Đối với các đường ngang dân sinh phải lập đường gom, hàng rào cách ly để đóng các đường ngang dân sinh và cấm cấp đất giãn dân dọc 2 bên đường sắt. Bên cạnh đó, phải khảo sát, kiến nghị cắm biển báo hiệu và cảnh báo tự động, làm gờ giảm tốc ở giữa đường ngang giao nhau giữa đường bộ với đường sắt.

Ngoài ra, các ngành liên quan tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các công trình đầu tư theo QĐ 1856/CP của Thủ tướng Chính phủ về giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt, làm đường gom, xây dựng hàng rào hộ lan giữa đường sắt và đường bộ…

Cuối cùng, ngành sẽ nghiên cứu thay đổi âm lượng tàu từ đơn âm chuyển sang đa âm để tránh nhầm lẫn với âm lượng ôtô và tại các điểm đen hay xảy ra tai nạn; trong đó lái tàu phải liên tục kéo còi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục