10 khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới năm 2008

Bạo lực gia tăng ở Somalia, người dân buộc phải chạy lánh nạn do tình hình chiến sự ở miền Đông Congo, hay hệ thống cấp cứu y tế bị bỏ mặc ở Myanmar và Zimbaue được Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) đánh giá là nằm trong số những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới trong năm qua.

Bạo lực gia tăng ở Somalia, người dân buộc phải chạy lánh nạn do tình hình chiến sự ở miền Đông Congo, hay hệ thống cấp cứu y tế bị bỏ mặc ở Myanmar và  Zimbaue được Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) đánh giá là nằm trong số những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới trong năm qua.
 
Trong danh sách 10 cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới năm 2008 do MSF công bố ngày 21/12 cũng bao gồm: tình trạng suy dinh dưỡng (ảnh hưởng đến 5 triệu người/năm), bệnh dịch lao và HIV (hàng năm cướp đi sinh mạng của khoảng 1,7 triệu người), cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa các bộ tộc ở Pakistan, việc "chính trị hóa" vấn đề phân phối hàng viện trợ ở Iraq, bạo lực và điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại khu vực đông người tị nạn Somalia thuộc miền Đông Nam Ethiopia, và cuối cùng là cuộc khủng hoảng kéo dài ở Darfur cùng với cuộc nội chiến ở Sudan.
 
Theo Bác sĩ Christophe Fournier, Chủ tịch MSF, việc công bố danh sách trên nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới đối với số phận của hàng triệu người đang bị mắc kẹt vào các cuộc xung đột và chiến tranh hoặc bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng y tế.
 
Từ năm 1998, tổ chức MSF hàng năm đều công bố danh sách các cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới diễn ra trong năm. Danh sách này không xếp các cuộc khủng hoảng theo mức độ trầm trọng và nhằm mục đích thúc đẩy sự quan tâm nhiều hơn nữa đối với các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên thế giới, nhất là các cuộc khủng hoảng không được báo chí và các phương tiện truyền thông "quan tâm thích đáng" và đưa tin rộng rãi.
 
MSF cho biết trong năm 2008, bạo lực tiếp diễn ở Somalia càng làm trầm trọng thêm những vấn đề nhân đạo mà quốc gia châu Phi này phải đối mặt trong hơn một thập kỷ qua. Hệ thống y tế sụp đổ khiến cứ 10 phụ nữ lại có 1 người tử vong trong lúc sinh đẻ và 1/5 số trẻ em chết trước khi đạt độ tuổi đến trường. Tại miền Đông Congo, cuộc chiến giữa quân đội và lực lượng ủng hộ Chính phủ với các nhóm vũ trang đối lập bùng phát trở lại đã khiến hàng trăm nghìn dân thường phải rời bỏ nhà cửa và chạy vào rừng lánh nạn.
 
Tại Myanmar, cơn bão Nargis đầu tháng 5 đã làm khoảng 130.000 thiệt mạng và mất tích trong khi các căn bệnh như AIDS, lao và sốt rét cũng khiến hàng chục nghìn người tử vong. Tại  Zimbaue, kinh tế sụp đổ với tỷ lệ siêu lạm phát 231 triệu phần trăm khiến nhiều người không đủ cả tiền mua vé xe buýt để đi khám bệnh. Hậu quả là hai triệu người bị nhiễm HIV/AIDS và tuổi thọ trung bình của người dân nước này giảm xuống chỉ còn 34./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục