12 dự án thua lỗ: Còn vướng khi xử lý tranh chấp hợp đồng EPC

Liên quan đến xử lý 12 dự án thua lỗ ngành công thương, đại diện cơ quan này cho biết, đến thời điểm này hoạt động của nhiều dự án đã ổn định và đi vào hiệu quả, nề nếp và có chuyển biến tích cực.
12 dự án thua lỗ: Còn vướng khi xử lý tranh chấp hợp đồng EPC ảnh 1Nhà máy Đạm Ninh Bình. (Ảnh: TTXVN)

Thông tin tại phiên họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 17/10, tại Hà Nội, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch khẳng định đã có nhiều tín hiệu tích cực từ 12 dự án thuộc danh sách thua lỗ của ngành công thương.

Cụ thể, đến thời điểm này có 2 nhà máy đã có lãi là Nhà máy DAP 1 Hải Phòng (khi 8 tháng đầu năm lãi 147,68 tỷ đồng). Ngoài ra, Nhà máy Thép Việt-Trung cũng có lợi nhuận khoảng 527,2 tỷ đồng.

"Quan trọng hoạt động của nhiều dự án đã ổn định và đi vào hiệu quả, nề nếp và có chuyển biến tích cực," ông Hưng cho hay.

[Tín hiệu khả quan từ việc xử lý 12 dự án thua lỗ ngành công thương]

Đại diện Vụ Kế hoạch thông tin thêm, trước đây nhóm 3 nhà máy dừng sản xuất, đơn cử như PVTex Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học miền Trung (Dung Quất) và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước… song đến tháng 4/2018 các dự án này đã đưa vào vận hành.

Đáng chú ý, từ năm 2018 một số dây chuyền của Nhà máy sợi PVTex đã hoạt động rất tốt. Tính đến thời điểm ngày 21/9, các dây chuyền tiếp theo cũng hoạt động trở lại.

Tương tự, Nhà máy nhiên liệu sinh học miền Trung, ông Hưng khẳng định, đến thời điểm này chỉ cần "ấn nút" là có thể sản xuất được. Trong khi với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam cũng đang có phương án triển khai về mặt lâu dài.

"Sau 2 năm như vậy những chỉ số tổng dư nợ đều giảm theo thời gian, cụ thể là giảm 124 tỷ đồng so với ngày 31/1/2018," ông Dương Duy Hưng nói thêm.

Tuy vậy, đại diện Vụ Kế hoạch cũng chỉ ra nhiều khó khăn trong việc xử lý các dự án trên, trong đó chủ yếu là nhóm vấn đề liên quan tới việc xử lý các tranh chấp tại các hợp đồng EPC ở nhiều dự án.

Theo ông, đây là khâu rất phức tạp bởi đến thời điểm này, vẫn còn 8 dự án đang có vướng mắc liên quan đến hợp đồng này.

Trước đó, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành công thương diễn ra ngày 21/9, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định, việc xử lý các dự án trên đã bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

Ông Vượng cũng nêu rõ, Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án, đồng thời Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện việc rút thành công, thu về cho ngân sách Nhà nước 1.000 tỷ đồng từ phần vốn góp của SCIC vào dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục