Ngày 20/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử nhóm bị cáo trong đường dây chuyên làm giả giấy khám sức khỏe.
Tòa đã tuyên phạt 5 bị cáo: Vũ Văn Đề (sinh năm 1991, quê tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) 36 tháng tù; Dương Văn Mạnh (sinh năm 1991, quê ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) 42 tháng tù; Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1995, ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên) 15 tháng tù; Đặng Thị Tuyết (sinh năm 1995, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) 18 tháng tù; Đinh Quang Tùng (sinh năm 1991, ở Văn Giang, Hưng Yên) 12 tháng tù treo về cùng tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 267, khoản 2, điểm b, Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, đầu năm 2015, Vũ Văn Đề làm giả nhiều giấy khám sức khỏe bằng cách photo từ giấy khám của Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương, sau đó ghi nội dung, tự ký tên các bác sỹ vào các cột mục khám rồi chuyển cho đối tượng tên là Tuấn (hiện chưa xác định nhân thân) đóng dấu giả.
Đề tự lập trang mạng Facebook “Lô đề cao cấp” để rao bán các giấy tờ giả trên. Khi khách hàng đặt mua sẽ liên hệ trực tiếp với Đề qua điện thoại.
Cơ quan điều tra xác định Vũ Văn Đề bán cho nhiều người giấy khám sức khỏe giả và thu lời bất chính 15 triệu đồng.
Trong số khách hàng của Đề có Dương Văn Mạnh (sinh viên ở cùng phòng với Đề tại làng sinh viên Hacinco, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Mạnh cũng tự lập trang Facebook giấy khám sức khỏe, đăng số điện thoại để rao bán giấy giả. Mỗi giấy khám Mạnh mua vào 40.000 đồng/tờ và bán ra 50.000 đồng/tờ.
Về sau, phát hiện có nhiều khách đặt mua, Mạnh lấy của Đề 200 tờ giấy khám sức khỏe không có chữ ký và dấu của bệnh viện với chi phí 8 triệu đồng. Mạnh đã bán được hết số giấy khám sức khỏe trên.
Thấy dễ kiếm tiền, Mạnh tự tìm cách làm giả thêm các loại giấy khác như giấy ra viện, giấy chứng nhận sức khỏe; photo màu hình con dấu giả Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương vào các loại giấy trên và tự ký, giả chữ ký của các bác sỹ.
Mạnh bán các loại giấy tờ giả với giá từ 15.000 đồng-80.000 đồng/tờ; trực tiếp đi giao các loại giấy tờ giả đó đến tận nơi cho khách hoặc thuê xe ôm mang đến. Bằng cách này, Mạnh đã thu lời bất chính 20 triệu đồng.
Tương tự, Nguyễn Thị Thương, Đặng Thị Tuyết, Đinh Quang Tùng cũng sử dụng thủ đoạn “mua đi bán lại” giấy khám sức khỏe để thu lời bất chính.
Khoảng giữa năm 2015, khi các đối tượng trên đang giao dịch với khách hàng thì bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ và thu hồi vật chứng./.