Chiều 22/1, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên cho biết 16 tổ chức quốc tế và tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn tại Việt Nam đã cùng ký tên vào lá thư kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam xét xử nghiêm minh đối tượng Nguyễn Mậu Chiến.
Nguyễn Mậu Chiến bị nghi ngờ là "đầu sỏ" trong đường dây buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia và đã từng dính líu đến nhiều vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép, trong phiên tòa xét xử dự kiến vào ngày 26/1 tới với hai tội danh là vận chuyển và tàng trữ hàng cấm, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi năm 2009).
16 tổ chức tham gia nỗ lực này bao gồm: Trung tâm Hành động liên kết vì môi trường và phát triển, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước, Tổ chức Freeland, Tổ chức Free the Bears, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, Tổ chức Nhân đạo quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á-Indo-Myanmar Conservation, Tổ chức TRAFFIC, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, Tổ chức WildAct Vietnam, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã-Chương trình Việt Nam, Tổ chức Bảo vệ động vật Thế giới, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam.
Trong thư, 16 tổ chức thể hiện tin tưởng một bản án đúng người, đúng tội sẽ được đưa ra đối với các bị cáo trong phiên xét xử sắp tới tại Tòa án Nhân dân quận Hà Đông, Hà Nội. Bản án này không chỉ có ý nghĩa răn đe với đối tượng phạm tội, những kẻ đã và đang có ý định làm giàu bất chính từ việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, mà còn thể hiện ý chí quyết tâm của Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các tổ chức cam kết sẽ luôn chung tay ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên chia sẻ: “Đây chính là cơ hội cho Việt Nam để biến cam kết thành những hành động thực tiễn nhằm xóa sổ các mạng lưới buôn bán bất hợp pháp, cũng như tăng cường nỗ lực thực thi pháp luật phòng chống tội phạm về động vật hoang dã. Cả thế giới đang dõi theo Việt Nam trong vụ việc này.”
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Mậu Chiến vào ngày 27/11/2017, Hội đồng xét xử đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ một số thông tin về nguồn gốc của số tang vật tịch thu và những mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo.
Nguyễn Mậu Chiến được biết đến là đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia từ châu Phi về Việt Nam. Năm 2007, Nguyễn Mậu Chiến đã bị bắt giữ, xử phạt tại Tanzania vì hành vi vận chuyển trái phép động vật hoang dã.
Đối tượng này từ lâu đã bị tình nghi có liên quan tới hàng loạt vụ buôn bán hổ trái phép và “hợp pháp hóa” hổ có nguồn gốc bất hợp pháp qua cơ sở nuôi nhốt tại Thanh Hóa. Đặc biệt, đường dây của Chiến bị nghi ngờ đã mở rộng đáng kể tại châu Phi, tập trung chủ yếu vào sừng tê giác, ngà voi và vảy tê tê trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Vụ bắt giữ Nguyễn Mậu Chiến vào tháng 4/2017 đánh dấu mốc lần đầu tiên một đối tượng tình nghi cầm đầu đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia sa lưới pháp luật tại Việt Nam, được xem là một bước đột phá của Việt Nam trong việc ngăn chặn hoạt động mua bán, tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã.
Vụ bắt giữ xảy ra trong bối cảnh Hội nghị các quốc gia thành viên CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) lần thứ 17 vào tháng 10/2016 đã quyết định thành lập đoàn giám sát của Ban Thư ký CITES đến Việt Nam để đánh giá lại các nỗ lực của Việt Nam trong công tác ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép sừng tê giác.
Trong chuyến công tác tại Việt Nam vào tháng 9/2017, Ban Thư ký CITES cùng các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tư pháp, đã rà soát tỷ lệ bắt giữ, khởi tố, truy tố, xét xử tội phạm về sừng tê giác tại Việt Nam, từ đó khuyến nghị Việt Nam không những cần tăng cường triệt phá hoạt động của các nhóm tội phạm về động vật hoang dã, bắt giữ thành công đối tượng phạm tội, đặc biệt là những “ông trùm” buôn bán, mà còn phải nỗ lực truy tố, xét xử và áp dụng hình phạt nghiêm khắc với những đối tượng này./.