17 đoàn tàu tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên đã được nhập về Việt Nam

Mỗi đoàn tàu metro số 1 có 3 toa xe, dài 61,5m, có thể chở 930 khách; trong đó 147 khách ngồi và 783 khách đứng; tốc độ tối đa thiết kế là 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn hầm).
17 đoàn tàu tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên đã được nhập về Việt Nam ảnh 1Toa xe đầu tiên của đoàn tàu số 16 được đưa xuống xe vận chuyển. (Ảnh: Tiến Lực TTXVN)

Ngày 6/5, Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đón đoàn tàu số 16 và số 17 của tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên tại cảng Khánh Hội (quận 4).

Đây là hai đoàn tàu cuối cùng của tuyến metro số 1 được đưa từ Nhật Bản về Việt Nam.

Đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 được đưa về Việt Nam từ tháng 10/2020. Mỗi đoàn tàu metro số 1 có 3 toa xe, dài 61,5m, có thể chở 930 khách; trong đó 147 khách ngồi và 783 khách đứng. Tốc độ tối đa thiết kế là 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn hầm).

Theo kế hoạch, các toa xe của hai đoàn tàu số 16 và 17 sẽ được vận chuyển về depot Long Bình (thành phố Thủ Đức) từ đêm 6/5. Sự kiện này đánh dấu việc hoàn thành nhập khẩu các đoàn tàu và tập trung toàn lực vào thi công lắp đặt của nhà thầu cơ điện trên toàn dự án; thúc đẩy tiến độ và nhanh chóng bước đến giai đoạn tích hợp hệ thống, thử nghiệm và vận hành thử, chuẩn bị cho vận hành chính thức.

[TP.HCM: Vừa xây vừa điều chỉnh thời gian thực hiện tuyến metro số 1]

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đây là hai đoàn tàu cuối cùng của tuyến metro số 1 được nhập khẩu từ Nhật Bản về Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc công tác nhập khẩu các đoàn tàu để chuyển sang một giai đoạn mới là công tác thử nghiệm. Việc chạy thử được chia thành các bước như thử nghiệm tĩnh, đơn động, liên động giữa các thiết bị khác nhau trước khi tích hợp chung hệ thống. Việc chạy thử tàu thực hiện trước ở depot Long Bình, sau đó chạy thử từ depot đến ga Bình Thái và tiến tới chạy thử trên toàn tuyến.

Hiện nay dự án tuyến metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được 90,5% tổng khối lượng. Cuối tháng 4 vừa qua, Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và Liên danh NJPT (Tư vấn chung) cũng đã ký kết Phụ lục Hợp đồng số 19.

Cùng với thử nghiệm đánh giá, chủ đầu tư cùng các nhà thầu sẽ tập trung tái lập mặt bằng các nhà ga khu vực trung tâm thành phố; hoàn thiện phần kiến trúc các nhà ga; lắp đặt các trang thiết bị, hệ thống thông tin, hệ thống tín hiệu, hệ thống an toàn của các nhà ga...

Theo chủ đầu tư, năm 2023 với sự kiện Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, do đó mục tiêu đưa dự án hoàn thành trong năm 2023 là cấp thiết, quan trọng mà các cấp cũng như tất cả các bên tham gia dự án đều nỗ lực hết mình để đạt được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục