2012: FPT sẽ đột phá công nghệ và toàn cầu hóa

Điện toán đám mây, triển khai công nghệ di động, đưa các công nghệ, giải pháp vào y tế, giao thông, an ninh là xu hướng nổi bật của FPT trong 2012.
Theo FPT, điện toán đám mây, triển khai công nghệ di động, đưa các công nghệ, giải pháp vào lĩnh vực y tế, giao thông, an ninh sẽ là những xu hướng công nghệ nổi bật của FPT trong năm nay.

Đã sẵn sàng để “lên mây”

Điện toán đám mây sẽ được triển khai mạnh mẽ tại các công ty nòng cốt của FPT gồm FPT IS, FPT Telecom và FPT Software. Trong năm 2012, các đơn vị trên sẽ tung ra các sản phẩm chủ lực dựa trên công nghệ này.

Chuyên gia Đường Tất Toàn, Quản trị dự án Điện toán đám mây của FPT IS cho biết, với sự hợp tác sớm của các hãng công nghệ hàng đầu như IBM, Microsoft, Vmware, FPT IS hiện đã có thể làm chủ để triển khai các giải pháp Private Cloud (đám mây tư nhân). Giải pháp Private Cloud sẽ được FPT IS cung cấp cho các doanh nghiệp và tổ chức nhà nước có quy mô lớn.

“Ngoài việc triển khai ảo hóa và đã tư vấn về điện toán đám mây, FPT IS cũng đang triển khai giải pháp IBM Private Cloud cho khách hàng đầu tiên để tập trung tài nguyên, phục vụ môi trường phát triển và kiểm thử với quy mô cũng nhỏ,” anh Toàn tiết lộ.

Hiện tại, FPT IS tiếp tục hợp tác với các hãng khác để mở rộng khả năng tư vấn triển khai và đã có sản phẩm về Public Cloud (đám mây công cộng) và sẽ tung ra thị trường trong năm nay.

Tại FPT Telecom, việc phát triển các dịch vụ, phần mềm trên nền tảng điện toán đám mây đã được bắt đầu trong năm 2011. Trong năm nay, các sản phẩm này sẽ tiếp tục chinh phục khách hàng, trong đó có thể kể đến dịch vụ chia sẻ dữ liệu trực tuyến Fshare.

Điện toán đám mây cũng sẽ là xu hướng công nghệ của FPT Software trong 2012 và dự kiến sẽ có khách hàng “tiềm năng” vào quý 3.

Đẩy mạnh cho công nghệ di động


Theo Tổng giám đốc FPT Software Nguyễn Thành Lâm, công ty đang xây dựng các giải pháp cho công nghệ di động (Mobility) trong năm 2012.

“Mobility sẽ là xu hướng không thể đảo ngược. Số lượng người dùng iPad và smartphone trên thế giới ngày càng tăng. Việc sử dụng các thiết bị này vào công việc hằng ngày tại các công ty đang trở nên phổ biến," anh Lâm chia sẻ.

Các chuyên gia của FPT Software sẽ chuyển đổi phần mềm, giải pháp bảo mật đang có từ PC sang điện thoại di động. Theo anh Lâm, các công ty hiện chưa quan tâm đến yếu tố bảo mật khi sử dụng thiết bị này. Do đó, FPT Software sẽ cung cấp phần mềm chuyển đổi và bảo mật, thực hiện chuyển đổi cho các doanh nghiệp có yêu cầu.

Bên cạnh đó, trao đổi dữ liệu điện tử (Electronic Data Interchange - EDI) cũng sẽ là hướng dịch vụ mới của FPT Software trong năm nay.

EDI được hiểu là việc trao đổi các dữ liệu dưới dạng có cấu trúc từ máy tính điện tử này sang máy tính điện tử khác, giữa các công ty hoặc đơn vị đã thỏa thuận với nhau, tự động hóa hoàn toàn không cần sự can thiệp của con người.

Toàn bộ quá trình gửi dữ liệu này diễn ra trong vài phút mà không phải gõ lại thông tin và tránh cho các bên những phiền toái về giấy tờ đi kèm với việc xử lý văn bản bằng tay.

Hiện tại, FPT Software hợp tác với công ty của Đức để cung cấp dịch vụ này ra thị trường. Tổng giám đốc Nguyễn Thành Lâm cho biết, hướng dịch vụ này và Điện toán đám mây sẽ mang lại cho FPT Software 1-2 triệu USD trong năm nay. Con số này sẽ là 8-9 triệu USD trong năm 2013.

Phát triển giải pháp công nghệ cho thực tiễn

Để khẳng định được vị thế công nghệ cũng như chiếm lĩnh các lĩnh vực công nghệ giải quyết các bài toán khó của cuộc sống như y tế, giao thông, an ninh, FPT đã đề ra chiến lược cụ thể cho hướng phát triển mới này.

Các giải pháp, dịch vụ ứng dụng cho các lĩnh vực nêu trên được giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Công nghệ FPT (FPT Technology Solution) thực hiện. Hiện, FPT Technology đã cung cấp các giải pháp cho lĩnh vực vận tải - cảng biển và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong năm nay. Cùng đó, sẽ tiến hành lập đề án và chạy thử nghiệm giải pháp cho các lĩnh vực giao thông, y tế, an ninh.

Tổng giám đốc FPT Technology Solution Phạm Minh Tuấn cho biết, dựa trên các công nghệ lõi của nước ngoài, công ty sẽ xây dựng, điều chỉnh các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam và các nước đang phát triển.

“Công nghệ là then chốt để Việt Nam bứt phá”

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, Trương Gia Bình, năm 2012, từ khóa được chọn cho FPT  là “công nghệ.” Không không thể thực hiện thành công Chiến lược OneFPT và mục tiêu tăng trưởng 4 lần trong 4 năm nếu thiếu đầu tư vào phát triển công nghệ trên cả diện rộng và sâu," Chủ tịch Trương Gia Bình nhận định.

Giải thích sâu hơn, ông Bình chia sẻ, hiện nay có thể nhìn thấy, Việt Nam vừa vượt qua ngưỡng nghèo, nhưng lại có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình mà Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia chưa vượt qua được. Tăng trưởng theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô, vào đầu tư và nới lỏng tín dụng đã gây ra cho nền kinh tế Việt Nam những hệ lụy nghiêm trọng: Lạm phát và bất ổn vĩ mô, thất nghiệp, ô nhiễm, tắc đường, thiếu giường bệnh, và bao trùm lên là xu hướng tụt hậu xa hơn… Vì vậy, việc thế giới bước nhanh vào thời đại kinh tế tri thức mở ra cho Việt Nam một cơ hội bứt phá để phát triển, tiến vượt và rút ngắn khoảng cách tụt hậu.

Đây là một cơ hội mang tính lịch sử - thời đại, hiếm có và không lặp lại. công nghệ thông tin đang được nhận thức là hạ tầng cơ sở của nền kinh tế hiện đại, là “hạ tầng của hạ tầng,” là động lực mạnh mẽ nhất trong nỗ lực phát triển nhanh, bền vững đất nước, là nội dung cốt yếu của công cuộc hiện đại hóa; phát triển công nghệ thông tin là con đường ngắn nhất giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, sánh vai các dân tộc tiên tiến trên thế giới.

Với vị thế là tổ chức công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, FPT đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn trong sứ mạng đi tiên phong phát triển ngành công nghệ thông tin quốc gia. Vì thế đòi hỏi FPT cần giữ vững nhịp độ tăng trưởng nhanh hơn gấp ba lần tăng trưởng GDP quốc gia trên cơ sở nhanh chóng tiếp thu, đưa vào thực tiễn Việt Nam những công nghệ tiên tiến trên thế giới; đồng thời nỗ lực phát triển công nghệ thông tin và viễn thông mang tên FPT phục vụ thị trường nội địa ngày càng lớn mạnh và vươn ra thế giới.

Với cá nhân FPT, trên con đường hướng tới mục tiêu “OneFPT,” nên “Công nghệ” là sự lựa chọn duy nhất để tập trung trí lực, tiếp tục sứ mệnh tiếp nguồn sinh khí cho triệu triệu công dân điện tử bằng sức mạnh và cảm xúc mới về công nghệ.

Trong thời gian từ 2012-2014, định hướng chiến lược của FPT là phải “tiếp thu, làm chủ, sáng tạo công nghệ và tri thức tiên tiến phù hợp nhất, được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ của FPT. Để, FPT phải trở thành nhà cung cấp giải pháp công nghệ và các sản phẩm, dịch vụ theo trình độ công nghệ hiện đại nhất có thể," ông Bình nhấn mạnh.

Theo đó, năm 2012, FPT quyết định sẽ đầu tư 5% lợi nhuận vào R&D cho các sản phẩm công nghệ mới, tuyển dụng vị trí Giám đốc công nghệ (CTO) và khuyến khích các đơn vị thành viên xây dựng vị trí CTO cấp đơn vị.

Bên cạnh đó, vấn đề đãi ngộ cho người làm công nghệ cũng sẽ có những thay đổi chiến lược. Những chuyên gia công nghệ cao có thể hưởng mức lương thưởng xứng đáng tương đương cấp Phó Tổng giám đốc.

Những cá nhân, đơn vị có công chính trong việc xây dựng, khai phá sản phẩm dịch vụ, thị trường mới sẽ được thưởng ngay 30% lợi nhuận đem lại của năm đầu tiên. Tất cả những cam kết này sẽ được Hội đồng quản trị và Ban Điều hành FPT văn bản hóa và đưa vào áp dụng ngay trong năm 2012.

Đẩy mạnh chiến lược “Toàn cầu hóa”


Ngoài việc nâng tầm công nghệ, trong năm 2012, FPT cũng sẽ tập trung vào chiến lược rất quan trọng là Toàn cầu hóa. Theo ông Trương Đình Anh, bên cạnh tìm những thị trường mới, lĩnh vực gia công phần mềm sẽ được hướng tới đẩy mức tăng trưởng lên 50%/năm, riêng lĩnh vực Quy trình kinh doanh thuê ngoài tăng 60%/năm.

Việc xuất khẩu nguồn nhân lực công nghệ thông tin ra nước ngoài cũng bắt đầu được nghiên cứu và kế hoạch là triển khai ngay 2012.

Tiến sâu vào thị trường viễn thông băng rộng không dây, tận dụng cơ hội mua bán sáp nhập (M&A) và tập trung nguồn lực tối đa để tham gia thị trường cung cấp sản phẩm, dịch vụ nội dung số trên nền tảng công nghệ băng rộng không dây, đưa các ứng dụng tiện ích vào mạng lưới thiết bị hiện đại phủ trên diện rộng…

Trong năm 2011, FPT đã tăng trưởng 27%, hiện diện tại 5 châu lục: Châu Á, châu Âu, châu Đại Dương, châu Mỹ và châu Phi. Sản xuất 129 sản phẩm thiết bị công nghệ trong đó có 93 sản phẩm điện thoại di động thương hiệu FPT. Trường Đại học FPT hiện có 12.000 sinh viên, năm 2011, lứa sinh viên khóa 1 của Đại học FPT đã ra trường và 300 trong số đó đã có việc làm ngay.

Với mức doanh thu cán mốc 1 tỷ USD, theo FPT, năm 2012 họ đặt mục tiêu giữ vững tốc độ tăng trưởng 27-30%./.

Long Kỳ Thao (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục