50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị: Khát vọng phát triển

Ông Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có chia sẻ về những thành tựu và hiện thực hóa khát vọng phát triển của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị.
50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị: Khát vọng phát triển ảnh 1Một góc thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Từ mảnh đất của đạn bom và nắng gió nhưng với khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội; phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh đạt trình độ trung bình cao và thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.

Nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị về những thành tựu và hiện thực hóa khát vọng phát triển của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị.

- Thưa Bí thư Tỉnh ủy, khát vọng cháy bỏng về hòa bình, thống nhất và vươn lên đã tạo động lực để quân và dân Quảng Trị chiến đấu, chiến thắng kẻ thù xâm lược. Sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương như thế nào?

Ông Lê Quang Tùng: Quảng Trị là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần yêu nước và cách mạng, có vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử dựng nước và các cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị ở địa thế trọng yếu đầu giới tuyến, nơi đụng đầu quyết liệt giữa ta và địch; vì vậy đã trở thành chiến trường nóng bỏng ác liệt vào bậc nhất, vang dội những chiến công lẫy lừng của quân và dân ta.

[50 năm giải phóng Quảng Trị: Hiện thực hóa khát vọng vươn lên]

Chiến tranh đi qua để lại cho Quảng Trị biết bao đau thương mất mát, sự tàn phá khốc liệt của đạn bom đã biến đất đai, ruộng vườn, làng quê, phố xá thành “vành đai trắng”; mật độ ô nhiễm bom mìn lớn nhất cả nước, thêm vào đó thiên tai lũ lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra.

Do đó, các địa phương trong tỉnh phải tập trung rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa, vượt qua muôn vàn khó khăn để vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ.

Với khát vọng vì một Quảng Trị phát triển, Đảng bộ, chính quyền và các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương, các nguồn ngoại lực, và phát huy cao độ các nhân tố nội sinh, nhận diện tiềm năng, lợi thế, đưa ra các quyết sách phù hợp trong mỗi thời kỳ, đáp ứng kịp thời những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn cuộc sống.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng nhanh và bền vững, trong đó tỉnh chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: dệt may, chế biến gỗ, chế biến thủy sản, năng lượng tái tạo. Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến.

Đặc biệt, tỉnh đã và đang thành công trong việc đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến nghiên cứu, khảo sát và thực hiện nhiều dự án trọng điểm có quy mô lớn như tập đoàn: T&T, Vingroup, Big C, Bitexco Group, Liên doanh VSIP - Amata-Sumitomo.

Việc phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo được chú trọng tính bền vững, tuân thủ nguyên tắc và phát huy thế mạnh của địa phương, phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn, uy tín đối với các nhà đầu tư.

Với gần 4.000 doanh nghiệp hoạt động, tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 44.000 lao động, đây là tín hiệu tích cực và tiền đề tạo đà thúc đẩy sự phát triển trong những năm tiếp theo.

- Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị luôn đặc biệt quan tâm đến công tác thương binh, liệt sỹ, chăm sóc người có công với cách mạng thể hiện tính nhân văn, sự tri ân sâu sắc và truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam “uống nước nhớ nguồn.” Công tác này đã và đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Quang Tùng: Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 19.000 liệt sỹ, hơn 12.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, gần 2.100 bệnh binh, 2.833 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng chục nghìn người có công với cách mạng được giải quyết chế độ trợ cấp ưu đãi.

Địa phương có số lượng thương binh, liệt sỹ và người có công chiếm hơn 19% so với tổng dân số toàn tỉnh. Với đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn,” Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đặc biệt quan tâm đến công tác thương binh, liệt sỹ, chăm sóc người có công với cách mạng, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, ưu tiên dành mọi nguồn lực để chăm lo về đời sống, vật chất đối với người có công.

50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị: Khát vọng phát triển ảnh 2Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị nhìn từ trên cao. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Thông qua các chương trình đặc biệt ý nghĩa như: Xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và đỡ đầu con liệt sỹ; đến nay tỉnh đã cơ bản giải quyết nhà ở cho các đối tượng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ của liệt sỹ, thương binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện. Đến cuối năm 2020, tỉnh không còn hộ là người có công thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đặc biệt với 72 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, tỉnh Quảng Trị hiện đang thay mặt cả nước chăm sóc gần 60.000 mộ liệt sỹ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước với tinh thần “Quảng Trị vì cả nước, cả nước vì Quảng Trị.”

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ luôn được đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả.

Hàng năm, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ như: Lễ hội Thống nhất non sông, Lễ hội Tri ân tháng 7, Lễ hội đêm hoa đăng trên sông Thạch Hãn.

Tỉnh cũng đã triển khai kế hoạch tổ chức Festival Vì hòa bình với không gian chính ở Thành cổ Quảng Trị, các nghĩa trang liệt sỹ và di tích lịch sử cách mạng, nhằm tri ân các Anh hùng liệt sỹ và người có công với cách mạng; đồng thời thể hiện khát vọng tự do, yêu chuộng hòa bình nhân loại.

- Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước vào năm 2030, thì những lĩnh vực nào được tỉnh ưu tiên để tạo đột phá, thưa ông?

Ông Lê Quang Tùng: Quảng Trị đang tiến hành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng bởi quy hoạch tốt sẽ định hướng chiến lược phát triển tỉnh với tầm nhìn dài hạn, từ đó dẫn dắt kết nối thúc đẩy đầu tư xã hội, giúp Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Trong thu hút đầu tư vào năng lượng, tỉnh ưu tiên đầu tư vào năng lượng sạch để hạn chế tác động đến môi trường.

Đến nay, tỉnh đã có 19 dự án điện gió có tổng công suất 671MW; 3 dự án điện mặt trời có tổng công suất 127MW và 11 dự án thủy điện có tổng công suất 167,5MW được đưa vào vận hành thương mại, nâng tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh lên trên 965MW.

Tỉnh đã và đang tập trung vào công tác quy hoạch phát triển điện năng, đề xuất các dự án năng lượng vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, hỗ trợ tối đa nhà đầu tư trong triển khai thực hiện dự án.

Đối với hạ tầng và giao thông, tỉnh đang triển khai các dự án trọng điểm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội và liên kết vùng như: Dự án Cảng hàng không Quảng Trị với tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng; Dự án đường ven biển từ Nam cầu Cửa Việt đến giáp tỉnh Quảng Bình với tổng mức đầu tư của dự án là trên 2.000 tỷ đồng; Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo với vốn đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng; Dự án Quốc lộ 15D nối cảng biển nước sâu Mỹ Thủy với Cửa khẩu Quốc tế La Lay có tổng vốn đầu tư dự kiến trên 3.000 tỷ đồng.

Tỉnh cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị.

Đây là dự án hạ tầng rất quan trọng của tỉnh có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng, quy mô 685ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn.

- Thưa ông, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục được chú trọng và tăng cường như thế nào?

Ông Lê Quang Tùng: Với khối lượng công việc lớn, quan trọng, lại thực hiện trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức; song với truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo xuyên suốt, toàn diện công tác xây dựng Đảng với nhiều dấu ấn mới, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn chủ đề năm 2022 là “Trách nhiệm, kỷ cương-Thích ứng an toàn-Thúc đẩy tăng trưởng,” khẳng định quyết tâm chính trị vượt qua mọi khó khăn, thách thức để lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, tạo bứt phá ngay trong những năm đầu của nhiệm kỳ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 trong toàn Đảng bộ; đi sâu nghiên cứu các chuyên đề trọng tâm về phát triển kinh tế, xã hội; cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp.

Gắn việc tổ chức quán triệt với xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, cơ chế, chính sách và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành để sớm đưa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận vào cuộc sống.

Chỉ đạo thành lập và vận hành có hiệu quả Ban Chỉ đạo các dự án động lực cấp tỉnh để thực hiện chuyên sâu công tác thu hút đầu tư và triển khai những dự án trọng điểm.

50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị: Khát vọng phát triển ảnh 3Lôgô tuyên truyền 50 năm ngày giải phóng Quảng Trị được đặt tại trung tâm thành phố Đông Hà. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên giáo đối với xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng; ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã tập trung chỉ đạo đổi mới, nắm tình hình tư tưởng, dư luận, những vấn đề bức xúc để giải quyết; tích cực tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, ý chí và hành động trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân.

Xác định công tác tổ chức cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả.

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện chặt chẽ; việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ chính sách cán bộ kịp thời.

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng tiếp tục được đẩy mạnh và đổi mới cả về phương thức, cách thức tiến hành.

Qua kiểm tra đã kịp thời kết luận và xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; công khai kết luận kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó góp phần giáo dục cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên, được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Công tác dân vận của Đảng từng bước đổi mới, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; chủ động nắm chắc tình hình nhân dân, tình hình cơ sở, dân tộc, tôn giáo, tham mưu giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh; hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, xây dựng và nhân rộng các phong trào từ cơ sở.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính, cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình trên các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết hiệu quả những vụ việc xảy ra trên địa bàn; đồng thời thực hiện các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc.

Tăng cường các giải pháp xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, tập trung đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức Đảng.

Trong xây dựng hệ thống chính trị, tỉnh tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, đảm bảo hiệu quả, thực chất, tăng cường cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Song song với các nhiệm vụ nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm xây dựng khối đoàn kết, thống nhất với mục tiêu tất cả cùng nhìn về một hướng, cùng đồng cam cộng khổ vì sự phát triển toàn diện của tỉnh nhà. Đây là điều hết sức quan trọng là tiền đề, động lực quan trọng thúc đẩy địa phương phát triển nhanh và bền vững, hướng tới mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước và là tỉnh khá vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục