Mô hình “Thành phố An toàn cho trẻ em gái” đã đạt được những kết quả tích cực. Trẻ em gái đã cảm thấy an toàn hơn tại nơi công cộng và khi di chuyển trên phương tiện công cộng trong thành phố nhờ có sự tham gia tích cực của các lái xe, phụ xe buýt vào dự án.
Đây là thông tin được đưa ra trong hội nghị sơ kết dự án “Thành phố An toàn, Thân thiện với trẻ em gái” so Tổ chức Plan International Việt Nam và Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội tổ chức ngày 27/6 tại Hà Nội.
[Quấy rối tình dục với trẻ em gái qua lăng kính của giới trẻ]
Dự án mô hình “Thành phố An toàn cho trẻ em gái” được thiết kế để đáp ứng với các thách thức ngày càng gia tăng của vấn đề đô thị hóa thông qua việc trao quyền cho các em gái, thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan để xây dựng các cộng đồng trở nên an toàn và thân thiện hơn. Chương trình cũng nhằm giải quyết các vấn đề gốc rễ của xã hội dẫn đến nguy cơ không an toàn của các em gái cũng như hướng tới việc chuyển đổi các quan niệm, định kiến xã hội đã củng cố các phân biệt về giới và tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.
Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý chương trình Vùng Hà Nội Plan International Việt Nam cho biết, với tổng ngân sách 17,32 tỷ đồng Tổ chức Plan International Việt Nam và các đối tác đã hợp tác hiệu quả triển khai mô hình Thành phố An toàn cho em gái.
“Sau 4 năm, dự án đã giảm được tỷ lệ các em gái trải nghiệm quấy rối tình dục từ 31% (năm 2014) xuống còn 19% (năm 2018). Đặc biệt, tỷ lệ người cho rằng việc một em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt không phải là việc của họ giảm từ 20% xuống còn 9% ở cả nam và nữ,” bà Lê Quỳnh Lan nhấn mạnh.
Sau 4 năm triển khai dự án, kết quả khảo sát nhanh do Tổ chức Plan International tiến hành vào tháng Sáu cho thấy nhận thức về vấn đề mất an toàn ở các khu vực công cộng và khi sử dụng xe buýt của các em gái đã tăng lên. So với năm 2014, số hành khách báo cáo hành động để chống lại các ca quấy rối tình dục trên xe buýt (tìm cách để bảo vệ em gái và ngăn chặn kẻ quấy rối) đã tăng lên đáng kể vào năm 2018, tăng 12-16%.
Có một sự gia tăng đáng kể trong nhận thức của lái xe, phụ xe buýt về tầm quan trọng của vấn đề an toàn cho trẻ em gái và cam kết thúc đẩy an toàn của trẻ em gái khi 58% lái xe, phụ xe tham gia khảo sát năm 2018 đồng ý rằng họ đã cảnh báo, chia sẻ về nguy cơ về bị quấy rối, mất an toàn của trẻ em gái ở nơi công cộng cho hành khách (năm 2011 con số này là 42,5%).
So với năm 2014, có ít trường hợp quấy rối tình dục ở nơi công cộng hơn được báo cáo trong khảo sát lần này, giảm 12%. Đồng thời, số người chưa bao giờ chứng kiến hành vi quấy rối tình dục tại nơi công cộng tăng lên hơn 11%.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Đô thị Hà Nội cho biết, thông qua dự án 1.350 lái xe, phụ xe buýt đã được đào tạo nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với quấy rối, xâm hại trẻ em gái. Camera an ninh đã được ngành giao thông Hà Nội lắp đặt trên 30 xe buýt.
“Để tăng cường an toàn của em gái khi di chuyển trong thành phố, dự án Nâng cao nhận thức cho 100.000 hành khách đi xe buýt về vấn đề an toàn của trẻ em gái và sẵn sàng giúp đỡ các em khi gặp nguy hiểm thông qua các chiến dịch truyền thông trên xe buýt và ở các trạm bán vé và nhà chờ xe buýt,” ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Bà Trần Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho hay, không chỉ ở Hà Nội, sáng kiến Thành phố an toàn cho em gái sẽ được triển khai nhân rộng đến 6 tỉnh, thành phố bao gồm: Hải Phòng, Thanh Hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Cần Thơ, Khánh Hòa./.
Trên toàn cầu, Tổ chức Plan International hợp tác với tổ chức UN HABITAT và Women in Cities thực hiện sáng kiến xây dựng Thành phố an toàn với trẻ em gái từ năm 2012. Đến nay, từ 5 thành phố ban đầu bao gồm Hà Nội (Việt Nam), New Delhi (Ấn Độ), Kampala (Uganda), Cairo (Ai Cập), Lima (Peru). Tổ chức Plan International đã nhân rộng mô hình đến 8 thành phố khác và dự kiến sẽ phát triển mô hình tại 20 thành phố của các nước chưa phát triển và đang phát triển trên toàn cầu.