60% vụ ngộ độc thực phẩm chưa rõ nguyên nhân

Năm 2008, cả nước có 205 vụ ngộ độc thực phẩm, số người bị ngộ độc là 7.828 người và 61 trường hợp đã tử vong. Như vậy so với năm trước, số vụ ngộ độc thực phẩm năm 2008 giảm 43 vụ nhưng số người tử vong lại có xu hướng gia tăng.

Năm 2008, cả nước có 205 vụ ngộ độc thực phẩm, số người bị ngộ độc là 7.828 người và 61 trường hợp đã tử vong. Như vậy so với năm trước, số vụ ngộ độc thực phẩm năm 2008 giảm 43 vụ nhưng số người tử vong lại có xu hướng gia tăng.
 
Đáng quan tâm là có tới hơn 66% số vụ ngộ độc thực phẩm chưa xác định được nguyên nhân và ngộ độc do độc tố tự nhiên còn khá nhiều (chiếm 25,4%).
 
Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị "Tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2008 và triển khai kế hoạch năm 2009" do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế tổ chức ngày 25/3.
 
Tại hội nghị, Phó giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết năm 2008 là một năm khó khăn cho công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm với việc dịch tiêu chảy cấp diễn biến phức tạp; sữa nhiễm melamine do cố ý; rượu có chứa chất methanol cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn.
 
Tuy nhiên nhờ đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thông nên nhận thức của cộng đồng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã có chuyển biến tích cực như nhóm người sản xuất thực phẩm có nhận thức đúng đạt trên 55%; nhóm người kinh doanh thực phẩm là 49,4% và nhóm người tiêu dùng là 48,6%.
 
Đặc biệt trong Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, các tỉnh, thành phố đã tổ chức hơn 5.000 đoàn thanh tra liên ngành và kiểm tra được hơn 182.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trong đó có gần 135.000 cơ sở đạt tiêu chuẩn, phát hiện 33.503 cơ sở vi phạm và tạm đình chỉ hoạt động 237 cơ sở.
 
Năm 2009, ngành y tế phấn đấu đến năm 2010 có 90% người sản xuất, 80% người kinh doanh, 80% người tiêu dùng và 100% người quản lý, lãnh đạo có hiểu biết đúng và thực hành đúng về an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng 468 mô hình điểm thức ăn đường phố trong cả nước với 80% các cơ sở thức ăn đường phố được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Đồng thời, ngành tiếp tục triển khai 6 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia an toàn vệ sinh thực phẩm là: Nâng cao năng lực quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam; thông tin giáo dục truyền thông; tăng cường năng lực kiểm nghiệm chất lượng, xây dựng hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý); Đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ nuôi trồng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý) và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thức ăn đường phố./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục