68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức của người lính pháo cao xạ

Trung đoàn pháo cao xạ 367 của cựu chiến binh Trần Xuân Kình đã bắn rơi được 52 máy bay và bắn hỏng một lượng lớn máy bay địch, góp phần không nhỏ trong thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ.
68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức của người lính pháo cao xạ ảnh 1Cựu chiến binh Trần Xuân Kình bồi hồi nhớ lại những chiến công cùng đồng đội ở trung đoàn cao xạ 367. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

68 năm về trước, chàng trai trẻ Trần Xuân Kình, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An hăm hở ra trận mở đường kéo pháo, bắn máy bay địch, chiếm lĩnh trận địa mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hơn nửa thế kỷ qua đi, cựu chiến binh, Trung tá Trần Xuân Kình đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trong trái tim người lính ấy vẫn in đậm ký ức hào hùng của một thời oanh liệt.

Chúng tôi tới thăm cựu chiến binh Trần Xuân Kình (88 tuổi) khi ông cùng đồng đội đang hàn huyên, kể chuyện về những ngày Trung đoàn pháo cao xạ 367 chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ông Trần Xuân Kình nhớ như in từ ngày ông mới tham gia quân đội cho tới những ngày ông sát cánh cùng đồng đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1953, trên đường hành quân từ Nghệ An ra Hát Lót (tỉnh Sơn La), ông Trần Xuân Kình nhận được lệnh của cấp trên là một trong 80 chiến sỹ lực lượng quân chủ lực Việt Nam được chọn đi đào tạo về pháo cao xạ tại Trung Quốc. Sau 2 tháng huấn luyện, ông trở về nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và đại đội của ông đóng ở Hồng Cúm.

“Nhiệm vụ của người lính pháo cao xạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ là đánh máy bay và khống chế toàn bộ, giữ yên bầu trời để các lực lượng của quân đội ta hành động ở dưới mặt đất chiến trường Điện Biên Phủ, đồng thời tiêu hao sinh lực của Pháp," cựu chiến binh Trần Xuân Kình chia sẻ.

Trong những lần khống chế máy bay địch, lần khiến cho ông phải cân não là thời điểm tổng tấn công bởi máy bay của Pháp. Máy bay của địch xuất hiện nhiều với tần suất bay liên tục trên vùng trời Điện Biên.

Lệnh của cấp trên chỉ thị, phân công mỗi đại đội được đánh vào máy bay giặc. Đại đội của ông ở trận địa Hồng Cúm cũng đánh, ngắm vào những máy bay bay vào trận địa (bay vào phía Nam sân bay Hồng Cúm). Tuy nhiên, khi đã vào gần cự ly bắn tự nhiên bọn chúng bay ra. Tất cả chiến sỹ đều sẵn sàng, dứt khoát chúng sẽ bay vào, đúng như dự đoán, mấy phút sau, chúng lại bay vào và đại đội của ông nổ súng.

Đại đội của ông lúc đó không bắn rơi máy bay nhưng đã làm cho quân địch hoảng sợ, loạng choạng và bay tán loạn trên không trung, thả dù ra trận địa bên ngoài của quân ta.

[Chiến thắng Điện Biên Phủ: Mốc son của đường lối kháng chiến toàn diện]

Khó khăn, vất vả, hy sinh nhưng Trung đoàn pháo cao xạ 367 của cựu chiến binh Trần Xuân Kình đã bắn rơi được 52 máy bay và bắn hỏng một lượng lớn máy bay địch, góp phần không nhỏ trong thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là chiến thắng phải đánh đổi bằng hy sinh mất mát của biết bao người lính, trong đó có những người lính pháo cao xạ Trung đoàn 367.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhiệm vụ của người lính pháo cao xạ đòi hỏi sự tinh nhuệ và can trường. Bởi lẽ thời kỳ chiến tranh chống Pháp, mọi hoạt động trên không của chúng đơn giản, máy bay chưa tối tân nhưng đến thời kỳ đánh Mỹ, vũ khí chiến đấu tối tân, hiện đại hơn, cựu chiến binh Trần Xuân Kình cho biết.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Trần Xuân Kình là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28. Sau khi thống nhất đất nước, cấp trên có lệnh điều tất cả Trung đoàn trưởng về Dinh Độc lập, lần đó ông được gặp lại người anh trai ruột (lúc bấy giờ là phóng viên báo Quân đội nhân dân) sau 12 năm xa cách.

“Xúc động dâng trào, mừng mừng tủi tủi, niềm vui của tình thân hòa vào hạnh phúc của dân tộc không có ngôn từ nào tả hết,” ông Trần Xuân Kình bùi ngùi nhớ lại.

Chiến tranh đã lùi xa, hiện nay, chỉ còn 100 cựu chiến binh là lính pháo cao xạ tham gia trận Điện Biên Phủ năm xưa. Ông Trần Xuân Kình cảm thấy may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống khi được trở về sau nhiều năm chinh chiến ở khắp các mặt trận từ Bắc vào Nam.

68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức của người lính pháo cao xạ ảnh 2Cựu chiến binh Trần Xuân Kình (giữa) cùng đồng đội lính Trường Sơn kể những câu chuyện về trung đoàn pháo cao xạ 367 chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh: Bích Huệ/ TTXVN)

Ông Trần Xuân Kình tâm sự: "Chúng tôi may mắn được sống sót đến ngày hôm nay để gặp gỡ, kể về thời gian khó với thế hệ sau này."

Những cựu chiến binh từng vào sinh ra tử ở nhiều chiến trường khác nhau nhưng trong con người họ vẫn luôn ánh lên niềm tự hào đã cùng đóng góp vào chiến công của Tổ quốc.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lộc, lính pháo cao xạ chiến đấu tại Điện Biên Phủ, cho biết lúc ấy, anh em chiến sỹ chỉ có một tư tưởng đánh Pháp và giải phóng đất nước. So sánh lực lượng giữa hai bên, ta chỉ được 1/10 của quân Pháp, với bom đạn dày đặc như vậy, người lính vẫn không sợ chết và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ông với ông Trần Xuân Kình là bạn chiến đấu, vào sinh ra tử ở các chiến trường.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chất, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh Việt Nam thành phố Vinh nhớ lại: Ông Trần Xuân Kình là thủ trưởng Trung đoàn. Hôm ấy, thủ trưởng đi xe commangka kiểm tra trận địa, không ngờ máy bay địch lại đánh vào đơn vị, khẩu đội của địch không đánh nhưng thủ trưởng vẫn chỉ đạo đánh. Nhờ sự gan dạ, quyết tâm của thủ trưởng Trần Xuân Kình nên anh em chiến sĩ nổ súng chiến đấu đến cùng.

Khoác trên mình bộ quân phục đã bạc màu, trên ngực áo ông là rất nhiều tấm huân, huy chương mà Đảng, Nhà nước trao tặng vì những đóng góp trong chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước sau này.

Dù trên cương vị nào (cựu chiến binh, Trưởng ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên Phủ ở thành phố Vinh hay Chủ tịch Hội yêu Truyện Kiều) ông Trần Xuân Kình vẫn giữ cho mình tinh thần lạc quan, yêu đời để truyền cho thế hệ trẻ nhiệt huyết thời chiến cũng như tình yêu quê hương, đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục