72 cá thể động vật hoang dã được giải cứu trong tháng Một

Trong tháng 1/2018, cơ quan chức năng đã giải cứu thành công 72 cá thể động vật hoang dã đã nhờ việc thông báo vi phạm từ người dân, và thông qua đường dây nóng của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên.
72 cá thể động vật hoang dã được giải cứu trong tháng Một ảnh 1Giải cứu chú cu li tại một nhà hàng ở tỉnh Đồng Nai. (Nguồn ảnh: ENV cung cấp)

Thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, trong tháng 1/2018, đơn vị này đã ghi nhận có 72 cá thể động vật hoang dã được giải cứu, nhờ việc thông báo vi phạm từ những người dân, cũng như sự hành động quyết liệt của các cơ quan chức năng.

72 cá thể động vật hoang dã (bao gồm tê tê, khỉ, rùa, kỳ đà, cu li, chim) được cơ quan chức năng giải cứu khi đang bị nuôi nhốt, vận chuyển và rao bán trái phép.

[Phóng sinh vào dịp Tết làm sao cho đúng để gặp nhiều may mắn]

Theo ghi nhận của ENV, việc nuôi nhốt trái phép các loài động vật hoang dã làm cảnh tại các hộ gia đình, nhà hàng, quán cà phê, thời gian qua diễn ra rất phổ biến, trong đó nhiều vụ đã bị bắt giữ thông qua đường dây nóng của ENV.

Có thể kể đến một số vụ giải cứu động vật hoang dã điển hình như, ngày 16/1, cơ quan chức năng huyện Thống Nhất (Đồng Nai) giải cứu 2 chú cu li đang bị nuôi nhốt làm cảnh tại một trạm dừng chân ở trên địa bàn.

Tiếp đó, ngày 19/1, một cá thể khỉ bị nuôi tại quán cà phê ở Đà Nẵng cũng được giải cứu và thả về Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Trong ngày 25/1, hai cá thể rùa vốn bị nuôi nhốt trong một nhà hàng ở Phú Quốc cũng được giải cứu và thả về vùng biển địa phương...

Cùng với việc giải cứu, trong tháng 1/2018, không ít người dân cũng đã tự nguyện chuyển giao các cá thể động vật hoang dã của mình. Tiêu biểu là 5 cá thể rùa đã được chuyển giao đến Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi trong hai ngày 8 và 15/1 vừa qua.

Ngoài ra, ENV cũng thường xuyên ghi nhận nhiều trường hợp quảng cáo, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã với diễn biến ngày càng phức tạp.

Như trường hợp ngày 17/1 vừa qua, 6 cá thể khỉ đuôi dài, 12 rùa ba gờ, 5 kỳ đà cùng một số loài động vật hoang dã khác đã được giải cứu tại nhiều cửa hàng ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Không chỉ bày bán và quảng cáo ngay tại cửa hàng, quán ăn, nhiều đối tượng còn lợi dụng Facebook để thực hiện hành vi buôn bán động vật hoang dã của mình nhằm thoát khỏi sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Riêng trong năm 2017, Phòng Bảo vệ động vật hoang dã của ENV đã ghi nhận 65,2% trong tổng số trường hợp vi phạm về động vật hoang dã liên quan đến việc buôn bán, quảng cáo.

Theo quy định của pháp luật, hành vi nuôi nhốt, tàng trữ động vật hoang dã trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 500 triệu đồng theo Nghị định 157/2013/NĐ-CP và Nghị định 103/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 41/2017/NĐ-CP) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 15 năm tù theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)./.

72 cá thể động vật hoang dã được giải cứu trong tháng Một ảnh 2(Nguồn ảnh: ENV cung cấp)
72 cá thể động vật hoang dã được giải cứu trong tháng Một ảnh 32 cá thể tê tê bị moi ruột để ngâm rượu được phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh.(Nguồn ảnh: ENV cung cấp)
72 cá thể động vật hoang dã được giải cứu trong tháng Một ảnh 4Nhiều cá thể chim được cứu hộ ở Bình Dương. (Nguồn ảnh: ENV cung cấp)
72 cá thể động vật hoang dã được giải cứu trong tháng Một ảnh 5Chú khỉ mặt đỏ được giải cứu khỏi một quán cafe ở Đà Nẵng. (Nguồn ảnh: ENV cung cấp)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục